Lợi thế và thách thức của kinh tế biển Việt Nam.

Tại Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam 2011, Ban tổ chức đã mở buổi tọa đàm về tài nguyên, lợi thế và thách thức của nền kinh tế biển Việt Nam.

Nước ta có “vị trí mặt tiền của Biển Đông”, vì vậy, ngay từ bây giờ Việt Nam cần chú ý đến nguồn nhân lực phục vụ cho việc phát triển kinh tế biển, phát triển các ngành khoa học công nghệ biển… . (Ảnh – Doanthanhnien.vn)

Sáng ngày 8-6-2011, Diễn đàn Kinh tế Biển Việt Nam 2011 đã khai mạc tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Trước thềm diễn đàn, chiều qua 7-6-2011, Ban tổ chức (Tổng cục biển và hải đảo và Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài) đã mở buổi tọa đàm về tài nguyên, lợi thế và thách thức của nền kinh tế biển Việt Nam.

Tại tọa đàm, GS. Nguyễn Chu Hồi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục biển và hải đảo, cho rằng đến nay chúng ta vẫn chưa biết hết những tiềm năng về tài nguyên biển ở Biển Đông. “Chúng ta mới khai thác ở mức thấp tài nguyên thủy sản, hàng hải, du lịch, dầu khí…trong khi năm 2003 Trung Quốc đã phát hiện ra băng cháy ở phía nam Hoàng Sa – loại năng lượng cứu cánh của loài người ở thế kỷ 21”, ông Hồi nói.

Thực tế, trong khi chúng ta loay hoay đàm phán với Trung Quốc về đường biên giới trên đất liền thì Trung Quốc đã khảo sát và nghiên cứu đáy đại dương ở biển Đông – một trong năm khu vực có trữ lượng cao về băng cháy và nhiều loại kim loại quý hiếm khác của thế giới – theo ông Hồi. “Đối với các tài nguyên dưới đáy đại dương ở Biển Đông, chúng ta chưa biết nhiều”.

Theo TS. Võ Đại Lược, Viện trưởng Viện kinh tế thế giới, chiến lược và chính sách khai thác biển của chúng ta kém. Ông cho rằng, Việt Nam cần phải liên kết với các tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới để họ giúp chúng ta quy hoạch vùng phát triển biển. Khi có quy hoạch tốt sẽ tìm các nhà đầu tư tốt trên thế giới để liên kết đầu tư.

Tại tọa đàm nhiều ý kiến cho rằng phát triển không gian kinh tế biển Việt Nam đang gặp thách thức bởi “hàng xóm” Trung Quốc. Vì vậy, ngay từ bây giờ Việt Nam cần chú ý đến nguồn nhân lực phục vụ cho việc phát triển kinh tế biển, lập cơ sở dữ liệu cơ bản về biển để quản lý biển, phát triển các ngành khoa học công nghệ biển, hình thành các tập đoàn đánh bắt xa bờ…

Chúng ta có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế biển – “vị trí mặt tiền của Biển Đông”, như TS. Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội, nói – Nhưng để trở thành nước mạnh về biển, chúng ta phải có ba điều kiện cơ bản, đó là phải có một nền khoa học công nghệ biển tiên tiến, một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững, và một phương thức quản lý biển tổng hợp, theo các chuyên gia tham dự tọa đàm.

Theo: (Thesaigontimes)

Bài liên quan

Tiềm năng phát triển kinh tế biển Việt Nam.

(Hiếu học). “Việc khai thác tài nguyên biển hiện nay đang có một nghịch lý. Đó là chúng ta quá tập trung khai thác các nguồn lợi truyền thống bằng các biện pháp thiếu bền vững trong khi chưa chú ý đến các tiềm năng khác của biển như tiềm năng băng chảy, khả năng ứng dụng năng lượng thủy triều, sóng biển, năng lượng gió ven biển..."

Nhận dạng kinh tế biển Việt Nam

(Hiếu học). Theo Luật Biển quốc tế, vùng đặc quyền kinh tế của một nước có biển là 200 hải lý nên diện tích vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Việt Nam gấp ba lần lãnh thổ trên bộ. Do đó kinh tế biển là một lĩnh vực vô cùng quan trọng của nước ta.

Ngành giao thông vận tải và kinh tế biển.

(Hiếu học) Hiện nay, hệ thống đào tạo ngành Giao thông vận tải có 25 trường trong đó: 03 trường đại học, học viện; 05 trường cao đẳng; 03 trường trung cấp; 07 trường cao đẳng nghề; 06 trường trung cấp nghề và 01 trường cán bộ Quản lý giao thông vận tải.

Cùng chuyên mục