Một khi có nhu cầu thay đổi với những gì đang mong muốn, đồng thời có cơ hội hành động cho mục tiêu và khát vọng riêng của mình, chúng ta sẽ nhiệt tình và quyết tâm thay đổi hơn. Thực ra, khi đó bản thân sẽ chủ động tìm kiếm sự thay đổi.
Dưới đây là những câu nói phổ biến có thể làm yên lòng và là “kim chỉ nam” cho những ai muốn xây dựng một hướng đi mới, giúp bạn thay đổitình thế, tạo ra một cuộc cách tân, hình thành nên một nền văn hóa, hoặc làm thay đổi một hành vi.
“Đi xa được ngàn dặm, khởi đầu một bước chân”
Các mục tiêu lớn đôi khi khiến chúng ta cảm thấy choáng ngợp. Phạm vi của vấn đề, sự khó khăn khi thực hiện các giải pháp, thời gian, và số lượng các công việc cần thực hiện có thể khiến “công cuộc” thay đổi trở nên quá phức tạp, không ai biết phải bắt đầu từ đâu, và kết quả là… chẳng có kết quả nào cả!
Câu nói trên của Lão Tử là một lời nhắc nhở chúng ta hãy không ngừng bước tới. Hãy làm việc gì đó, hãy bắt tay vào thực hiện công việc, hãy bước những bước đi đầu tiên, dù rất nhỏ – và dần dần, cuộc hành trình của bạn sẽ bắt đầu.
“Nếu không biết mình sẽ đi đâu, thì đi đường nào cũng vậy”
Trên hành trình dẫn tới sự thay đổi, cần phải có một đích đến rõ ràng. Nhiều nỗ lực thay đổi bị trì hoãn bởi vì mọi người đều lúng túng, không biết mình phải đi đến đâu.
Trong câu truyện thiếu nhi Alice ở Xứ sở Thần tiên, cô bé Alice đang trong trạng thái rối trí lên tiếng hỏi chú mèo Cheshire rằng cô nên chọn đi con đường nào. Chú mèo phép thuật liền đưa ra câu trả lời thông thái trên; và đây cũng là một lời nhắc nhở rằng chúng ta nên xác định mục tiêu của mình trước đã.
Hãy tập trung vào một điểm đến rõ ràng trong bản đồ tư duy của bạn, rồi sau đó suy nghĩ lựa chọn con đường tốt nhất để đi tới đó.
“Thay đổi là một chiến dịch, không phải là một quyết định”
Bao nhiêu người đã từng hạ quyết tâm sẽ cải thiện chế độ ăn uống và tập luyện thể dục thể thao, để rồi sau đó lại cảm thấy sung sướng và tự hào vì đã có được quyết định sáng suốt ấy tới mức họ lại tự thưởng cho mình một cây kem và ngồi xuống đọc một quyển sách thay vì chạy bộ?
Các vị CEO và các quản lý cấp cao không ngừng tuyên bố về những thay đổi họ sẽ thực hiện, và rốt cuộc họ phát động những chương trình đầu voi đuôi chuột.
Để thay đổi hành vi, cần phải có cả một chiến dịch cụ thể với những hoạt động giao tiếp thường xuyên, các công cụ và tài liệu hỗ trợ, các bước ngoặt, các yếu tố nhắc nhở, và phần thưởng.
“Khi tới ngã ba, hãy quyết định”
Huyền thoại bóng chày Yogi Berra từng nổi tiếng vì những câu nói kỳ quặc nhưng ý nghĩa. Một phần của sự thay đổi là quá trình thử-và-sai.
Nỗi sợ mắc sai lầm đôi khi có thể khiến chúng ta để tuột mất cơ hội khám phá những con đường thú vị.
Hãy chớp lấy những cơ hội bất ngờ. Một số con đường nhánh chỉ là đường cụt, song cũng có những con đường tắt, giúp bạn đạt tới mục tiêu của mình nhanh hơn.
“Khi tới giữa dòng, dường như thất bại sắp chụp xuống đầu bạn đến nơi”
Tôi quan sát được hiện tượng này thường xuyên tới mức tôi nghĩ mình đã phát hiện ra một định luật mới và gọi nó là Định luật Kanter.
Trên hành trình thay đổi, có vô số những chướng ngại vật, cản trở, và những bất ngờ không mấy thú vị, và tất cả chúng đều như xui chúng ta bỏ cuộc.
Nếu bạn bỏ cuộc quá sớm, nỗ lực thay đổi sẽ tự động thất bại. Hãy tìm cách đi vòng qua những vật cản đường đó – có thể bằng cách thay đổi một vài chi tiết trong kế hoạch ban đầu – rồi tiếp tục cuộc hành trình.
Kiên trì và bền bỉ là yếu tố tối cần thiết đảm bảo cho thành công của công cuộc thay đổi.
“Nếu muốn thay đổi thế giới, thì trước tiên hãy thay đổi bản thân mình”
Người lãnh đạo phải là hiện thân cho những giá trị và nguyên tắc mà họ muốn nhân viên tuân theo.
Câu nói nổi tiếng này của Gandhi có tác dụng nhắc nhở tất cả chúng ta trong mọi mối quan hệ – từ quan hệ giữa lãnh đạo và cộng sự, giữa thủ lĩnh chính trị và người ủng hộ, cho tới mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái – rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất lại liên quan tới cá nhân mỗi người: hãy là một tấm gương thể hiện những mặt tích cực nhất mà sự thay đổi có thể đem đến.
Theo: (BLOGS.HBR.ORG/VNR500)