Lean-startup và tư duy nghĩ lớn, bắt đầu nhỏ.

Tư duy “nghĩ lớn – bắt đầu nhỏ” nghĩa là làm đến đâu, nghe phản hồi của khách, của thị trường rồi cập nhật, hoàn chỉnh đến đó với phương châm “rủi ro càng ít càng tốt!”.

“Dù một doanh nhân đã thành công như thế nào đi nữa cũng phải bắt đầu từ những việc rất nhỏ và rất đời thường khi muốn startup một dự án kinh doanh mới”, ông Lý Quí Trung người đã khai sinh ra chuỗi Phở 24 chia sẻ.

Để bắt đầu cái ý tưởng được các cộng sự cho là “điên rồ” lúc đó, là đưa tất cả sách và tạp chí trên thế giới lên mạng, Larry Page – tuy đang sở hữu một công ty thuộc loại lớn nhất thế giới – đã chạy đi mua một cái máy scanner về đặt ngay trong văn phòng mình rồi tự tay scan từng trang sách để đếm giờ và tính toán tính khả thi của nó.

Cũng giống như bất kỳ một startup nào lúc 20 tuổi. Rồi cứ thế dự án kinh doanh này bắt đầu từng bước một, để đến tháng 10/2015 Google Books đã có tổng cộng 25 triệu cuốn sách. Dĩ nhiên giấc mơ scan trọn hàng trăm triệu đầu sách của toàn thế giới còn ở phía trước nhưng dự án startup Google Books của Larry Page có thể nói là đã thành công vang dội.

Rồi lại nghĩ đến các bạn trẻ đang trên con đường startup của Việt Nam và thấy tư duy “nghĩ lớn – bắt đầu nhỏ” rất liên quan. Thứ nhất là phải nghĩ lớn cái đã. Nghĩ lớn không tốn kém gì hết, không tốn tiền hơn nghĩ nhỏ, vậy tại sao không? Nghĩ lớn ở đây không hẳn là phải nghĩ đến những đến những ý tưởng kinh doanh vĩ đại làm thay đổi cả thế giới (nếu được thì tốt quá!). Mà là nghĩ đến một bức tranh rộng lớn hơn, một con đường phía trước dài hơn, bền vững hơn. Chứ không ăn xổi ở thì. Chứ không phải mở quán nhậu lề đường để đánh nhanh rút nhanh.

Còn nhớ lúc mở tiệm Phở 24 đầu tiên ở số 5 Nguyễn Thiệp, mọi người chỉ tập trung làm sao cho nó đông khách, thành công cái đã. Văn phòng cũng không có tuy là đã cầu chứng nhãn hiệu gần như khắp nơi trên thế giới. Cuối cùng thì cái văn phòng trong mơ cũng được dựng lên trên lầu 4 của nhà hàng Tân Nam trên đường Đông Du.

Chỉ hai ba chục mét vuông thôi nhưng từ đó mới bắt đầu hình thành guồng máy tổ chức bài bản hơn. Làm đến đâu, hoàn chỉnh đến đó, từ khâu sản phẩm đến điều hành, quảng bá, tiếp thị. Và quan trọng nhất là việc hoàn thành các bộ tài liệu quy chuẩn về điều hành, thiết kế và nhận diện thương hiệu để làm nền tảng cho việc nhượng quyền sau này.

Như đã có lần đề cập trong bài viết về “lean startup” đăng trong nhóm Quản trị & Khởi nghiệp, sau này đọc nhiều mới biết là mình đã vô hình trung đi theo con đường khởi nghiệp kiểu “lean startup” nói theo định nghĩa nổi tiếng của Eric Ries. Nghĩa là làm đến đâu, nghe phản hồi của khách, của thị trường rồi cập nhật, hoàn chỉnh đến đó. Tôi nghĩ đây là cách làm rất phù hợp với các bạn khởi nghiệp trẻ vì nó tiết kiệm hơn, từ tiền bạc đến thời gian, công sức. Dĩ nhiên là cũng phải chuẩn bị đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm cần thiết chứ không thể “tay không bắt giặc” được. Thời bây giờ khác xa với mấy chục năm trước đây.

“Lean startup” trong chừng mực nào đó có cùng tiếng nói với tư duy “nghĩ lớn, bắt đầu nhỏ”. Mở một tiệm xong rồi, đông khách rồi, mới mở tiệm thứ 2 thứ 3, chứ không cùng lúc mở luôn 2-3 tiệm cho nó hoành tráng, cho nó có tiếng vang liền tức khắc. Đúng là nó sẽ gây tiếng vang đó, nhưng tối về nhà ngồi lại một mình đếm tiền thì mới biết mình có khôn ngoan hay không. Chưa kể bao nhiêu thứ phải đối đầu cùng một lúc vì đẻ một đứa con có khác với đẻ 2-3 đứa cùng một lúc. Xác suất rủi ro vốn đã cao nay càng cao chót vót.

Còn nhiều ví dụ khác nữa, chẳng hạn như cái gì outsourcing đặt bên ngoài làm được thì đặt bên ngoài, chứ không dại gì đi ôm tất cả, ôm luôn khâu sản xuất, tự cung tự cấp ngay từ thuở ban đầu. Vì nó chỉ làm mình phân tâm, xa rời cái công việc cốt lõi nhất là phục vụ khách hàng, lắng nghe khách hàng, là kiếm khách cái đã.Chưa kể đầu tư hoành tráng từ đầu cũng nặng nề, tốn kém hơn, nên rủi ro lại càng nhiều thêm.

Lấy thêm rủi ro một cách không cần thiết là thứ mà người làm kinh doanh nào chắc cũng muốn né tránh. Đừng nghĩ cứ là doanh nhân là rủi ro nào cũng thích. Ngược lại nữa là khác. Không ai thích rủi ro cả, mà chỉ bắt buộc phải chấp nhận nó thì mới kinh doanh được. Người làm kinh doanh chỉ là người dám chấp nhận rủi ro hơn người khác.

Tóm lại, một doanh nhân bậc nhất thế giới như Larry Page của Google còn “bắt đầu nhỏ” thì nói chi đến những doanh nhân nhỏ hơn hay những người đang trên con đường làm doanh nhân. Nói thì dễ nhưng trên thực tế không phải ai cũng nhớ, vì nhiều người vẫn bị cái câu high risk high return (càng rủi ro thành công càng lớn) nó ám. Hoặc cùng lắm thì chỉ nghe câu no risk no return (không có rủi ro thì khó có thành công), trong khi cái câu có lợi hơn để nhớ mà chẳng thấy ai nói: the smaller risk the better! (rủi ro càng ít càng tốt!).

LÝ QUÍ TRUNG/Bizlive.

(Theo: Khởi nghiệp/DNSG)

Bài liên quan

Khởi nghiệp khi có giải pháp tồn tại.

(Hieuhoc-Hieuhoc.com) Khi khởi nghiệp, điều đầu tiên bạn phải nghĩ tới là tồn tại đã, tồn tại càng lâu càng tốt, làm sao để vừa khởi sự đã có thể sống được, rồi từ từ phát triển lên. Và để tồn tại, bạn phải trả lời câu hỏi: làm cái gì phù hợp với hoàn cảnh của mình và nếu làm, mình sẽ cải tiến làm tốt hơn ở điểm nào? 

Khởi đầu sự nghiệp từ việc kiếm sống hàng ngày.

(Hieuhoc-Hieuhoc.com) Khi lựa chọn công việc để khởi đầu, bạn không cần phải lo lắng cho dù bạn đang không có kế hoạch gì, hãy cứ bắt đầu như là chỉ để kiếm sống hàng ngày. Bởi đôi khi những công việc tốt nhất lại đến từ những quyết định ngẫu hứng, không chuẩn bị trước. 

Cùng chuyên mục