Lê Đình Bửu Trí- Kẻ học nghề …số 1.

(Hiếu học). Một Luật sư được đào tạo trong nước và chưa hề đi học nước ngoài nhưng đã hai lần được một tạp chí luật uy tín của châu Á (Asia Law – đặt tại Hong Kong) bình chọn là “Luật sư công ty xuất sắc nhất VN” vì những đóng góp pháp lý trong lĩnh vực mà anh phụ trách. Đây cũng là người đã vượt qua được giới hạn “nhân viên bình thường” để trở thành một nhà quản trị. Anh tên là Lê Đình Bửu Trí.

(“Luật sư công ty xuất sắc nhất trong năm” là giải thưởng của tạp chí Asia Law nhằm tôn vinh các luật sư đang làm công việc tư vấn độc lập cho doanh nghiệp tại mỗi quốc gia, dựa vào kết quả bầu chọn của các tổ chức luật sư cùng với thông tin về năng lực công tác, giá trị các vụ việc mà mỗi ứng viên tham gia.

“Luật sư công ty xuất sắc nhất VN” không phải xác định tầm vóc của một công ty lớn hay nhỏ mà là sự thừa nhận vai trò đóng góp cá nhân của luật sư trong công ty đó. Nó được bình chọn thông qua các hãng luật uy tín khi sự khẳng định của một luật sư vượt qua khỏi cánh cổng công ty mà anh ta làm việc. Danh hiệu “Luật sư công ty xuất sắc nhất trong năm” bắt đầu được trao từ năm 2005 và 2006 mà người duy nhất nhận danh hiệu này liên tục ở VN là Ls. Bửu Trí.)

Sinh năm 1970, Bửu Trí tốt nghiệp khoa luật của ĐHTH TP.HCM năm 1996, hiện là giám đốc pháp lý Công ty bảo hiểm Manulife, tổng giám đốc Công ty quản lý quĩ Manulife VN; trưởng ban pháp lý khối nhân thọ của Hiệp hội Bảo hiểm VN.

Trí thừa nhận mình là người có trí nhớ tốt. Vì thế nên anh nhớ cả những lời nói, cách ứng xử đau lòng từ cái thuở mới bước chân đi làm cho công ty luật nước ngoài.

Thuở học nghề….

Đó là những ngày vừa rời nơi thực tập anh vào làm là một tòa án, cho Công ty Johnson Stoker & Master (công ty luật của Hong Kong), một thế giới khác hẳn những gì anh đã biết. Ở đó, người ta xây dựng một phong cách chuyên nghiệp. Không có việc luật sư mới xách cặp cho luật sư cũ để… học nghề.

Đầu tiên, người ta cho anh làm công việc sắp xếp các văn bản vào hệ thống, một công việc để nhân viên mới ý thức được tổng quát các lĩnh vực pháp lý mà mình quan tâm, biết cái gì mới nhất đang diễn ra vì phải đọc hết các văn bản mới. Công việc này liên quan đến một khâu quan trọng nhất trong các văn phòng luật sư nước ngoài: ra memo randum (một dạng “báo cáo nội bộ” về các vấn đề pháp lý khi tư vấn cho khách hàng). Điều đó hoàn toàn không có ở các công ty VN.

Anh là một kẻ học nghề nên áp lực đến từ mọi phía, bất cứ một khâu nào trong công ty bị chậm có nghĩa là ảnh hưởng tới người khác. Trí thấy người ta làm việc nhanh quá, còn mình thì cứ bị chậm. Cái người ta đã biết hết, mình phải lần ra từng trang. Anh học, học từ phong thái tiếp cận khách hàng, học cách không được hứa, chỉ bày tỏ cho khách hàng rằng mình sẽ làm hết trách nhiệm… “Một luật sư khi tư vấn sai, gây thiệt hại cho khách hàng sẽ phải bồi thường và vì thế, họ phải mua bảo hiểm nghề nghiệp.

Trong khi ở VN, trường hợp nghiêm trọng nhất, thân chủ chỉ đòi lại tiền, chưa thấy ai đòi luật sư bồi thường thiệt hại”. Đó là những ngày tháng mà đầu óc Trí cứ căng ra, thỉnh thoảng lại nghe những lời nói khó chịu hoặc đau lòng từ những luật sư đi trước. Nhưng sợ nhất là bị… sa thải, không phải vì chuyện tiền nong, mà là sợ “mất mặt” với gia đình, bạn bè và với chính mình. Và nỗi sợ này được biến thành sức mạnh để không được phép thất bại.

Bốn năm trôi qua, khi ý kiến của Trí được các luật sư đàn anh công nhận, ấy là lúc anh thấy mình trưởng thành.

Bốn năm trôi qua, khi ý kiến của Trí được các luật sư đàn anh công nhận, ấy là lúc anh thấy mình trưởng thành.

Bốn năm làm ở Johnson Stoker & Master và thêm một năm chuyển qua làm ở một công ty luật của Úc, Trí rút ra một “bí kíp”: nếu đã là một công ty luật “chuẩn” thì ở đâu cũng giống nhau, không phân biệt Hong Kong hay Úc, Mỹ… Trí quyết định kết thúc việc học nghề…

Manulife và danh hiệu “số 1”

Năm 2000, nghề bảo hiểm nhân thọ ở VN chỉ có nghị định 100 và vài thông tư hướng dẫn. Đó là một “cửa ngõ pháp lý còn trống” và Trí muốn đứng vào chỗ đó để xác lập vị trí cho mình. Lần này, chàng luật sư trẻ chọn một thách thức mới: học nghề… bảo hiểm. Cái quan trọng nhất không phải câu chuyện pháp lý mà là câu chuyện chuyên môn của bảo hiểm, và vấn đề phải giải quyết là những hợp đồng mà khách hàng phàn nàn là “khó hiểu”, thậm chí người trong ngành luật cũng “mệt”.

Lại học mọi thứ, may mà trong ngành bảo hiểm có hệ thống tài liệu để tự học. Té ra, sản phẩm bảo hiểm ở nước ngoài có từ hàng trăm năm trước và hệ thống pháp lý của nó được hình thành và cô đọng trong những hoàn cảnh pháp lý khác với VN. Khi các công ty bảo hiểm nước ngoài vào VN, với quán tính có sẵn, họ vướng phải nền tảng pháp lý cũng như tập quán, cách nghĩ của người Việt, và vấn đề của Trí lúc này là làm sao để “dung hòa độ chênh” đó.

Sau năm năm, ngoài việc củng cố các vấn đề pháp lý nội bộ cho công ty, “Việt hóa” các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, điều quan trọng mà Trí làm được là thống nhất 29 thuật ngữ pháp lý của bảo hiểm nhân thọ vào tháng 5-2006. Đó là những cuộc họp bàn tròn của năm công ty bảo hiểm lớn AIA, Bảo Việt, Bảo Minh, Manulife và Prudential do Bửu Trí phụ trách. Từ 29 thuật ngữ này, họ hướng tới sự thống nhất một số định nghĩa chung trong hợp đồng bảo hiểm để các công ty có thể cùng áp dụng nhằm bảo vệ lợi ích khách hàng.

Lần đầu tiên, một công ty kinh doanh bảo hiểm nước ngoài hoàn tất mọi thủ tục pháp lý để có thể xây dựng được một tòa nhà trị giá 10 triệu USD tại khu Phú Mỹ Hưng. Sự việc có tính “bước ngoặt” thuộc về vấn đề pháp lý: Phú Mỹ Hưng thuê đất và liệu có cho được một công ty nước ngoài thuê lại để xây một tòa nhà để kinh doanh? Một doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có thể được kinh doanh bất động sản?… Ban quản lý khu Nam chưa hề cấp giấy phép cho một việc tương tự nhưng Lê Đình Bửu Trí đã tạo một tiền lệ đầu tiên trong lĩnh vực này.

Những ngày này, Bửu Trí đang chuẩn bị cho một bước đi mới: trong năm năm nữa, xây dựng một công ty phát triển vững chắc và lớn mạnh trong ngành quản lý quĩ – một ngành rất mới tại VN. Tôi hỏi: “Có bao giờ anh nuôi trong đầu ý tưởng ra nước ngoài học luật?”. Câu trả lời: “Tôi chỉ học cách làm việc của các công ty luật nước ngoài để xây dựng cho mình phong cách của họ, còn để đi học, tôi học cái khác, không học luật!”.

Tiến Hùng (Theo: Vietbao.online)

Cùng chuyên mục