Láu cá vặt và vô lương tâm.

Trong vốn từ vựng Việt Nam có một từ hay làm khổ các thông dịch viên khi làm nhiệm vụ dịch thuật, đó là từ “láu cá”. Nhiều khi cứ dịch đại là smart hay cuning gì đó, cũng chỉ là tàm tạm, nghĩa thực của nó phức tạp hơn nhiều.

Láu lỉnh trò khỉ!

Kỳ này, xin hiến bạn đọc hai câu chuyện nhỏ giống nhau như đúc ở “cách chơi”, nhưng một chuyện chỉ là chuyện vui, còn chuyện kia khó mà vui được.

Ở khu vực đường Lý Tự Trọng hoặc Nguyễn Huệ tp HCM có một số địa chỉ vốn là “mỏ vàng “ của dân taxi. Đây là những điểm tiếp cận những nguồn khách vip, khách nước ngoài rất tuyệt…

Nhưng, kiếm được một chỗ đậu xe ở đây không phải dễ. Nơi gần nguồn “hàng” thì cấm cách hết. Nếu đậu ở xa thì khi có thông tin, chạy đến nơi có thể đã không còn đến phần mình nữa.

Có một tay tổ chạy taxi không hề lo chuyện đó, hắn cứ yên tâm đánh xe đến vùng “đất vàng” và rút điện thoại ra bấm. Nhận được tín hiệu, bên B của hắn ở đâu đó vào một cabin điện thoại công cộng rồi bấm máy gọi sáu số một. Mười lăm giây sau, từ tổng đài một thông tin được gửi đi: Khách gọi vina taxi từ Apartment X trên đường Lê Thánh Tôn…

Cả bãi để xe nhốn nháo, nhiều khoảng trống hở ra và tay tổ kia từ từ chen vào làm một chỗ đậu ngon nhất với chi phí vài ngàn bạc lẻ.

Câu chuyện trên đây, tính “láu cá” cũng khá đậm nhưng nó chỉ mang tính văn nghệ, vui vẻ để chiếm lấy một vị trí tốt khi có khách… thật.

Nhưng dưới đây, là một cách láu cá khác, ở một cấp độ lớn hơn, cần suy nghĩ.

Một showroom xe hơi vùng trung tâm quận 2 tp HCM được đặt trong một con hẻm vừa xấu, vừa khó tìm, chỉ được cái mặt bằng rẻ và khá rộng.

Một ngày nào đó, bạn đọc mở trang quảng cáo mua bán xe hơi, sẽ trợn mắt trước một cơ hội: Xuất cảnh cần bán gấp một chiếc Camry đúng đời 2003, nội ngoại thất còn zin, màu xanh rêu, biển số 9 nút, cấp tại thành phồ HCM, giá 21.000 USD, bao rút hồ sơ. Liên hệ xem xe tại địa chỉ XXX phường N.Trần Não quận 2 (cà phê Mỹ Liên rẽ vào 200 mét, điện thoại YYY).

Phàm là dân xe, chiếu với đời xe, ai cũng biết giá này rẻ chừng 5000 USD là ít.

Thế là nhiều ngày sau, dân mua xe ào ào tìm đến địa chỉ trên để cướp lấy cơ hội, càng nhanh càng tốt, nếu chậm có thể mất như chơi.

Khi đến thì tất cả khách khứa, người đi trước kẻ đến sau đều nhận được câu trả lời như nhau: “Xe ấy vừa bán xong, xin lỗi quý khách”.

Ngay khi thất vọng vì ai đó đã hớt tay trên của mình thì mọi người chợt nhận thấy ngay cổng đối diện, một showroom xe bề thế, đủ loại hàng đang rộng mở. Đã đến đây được thì việc ghé qua mươi bước chân ngắm nghía, mua bán sẽ xảy ra.

Kẻ láu cá chỉ cần có vậy. Mỗi tháng vài lần bỏ ra hai trăm bạc, lên một cái quảng cáo cực ngắn và chả mấy chốc, địa chỉ này đã trở thành quen thuộc với dân sưu tầm, mua bán xe cộ.

Cả hình ảnh này, cũng chỉ là nơi thể hiện những cá tính láu lỉnh, tìm cơ hội làm ăn bằng mọi giá và hậu quả của nó chưa có gì là lớn hoặc gây thương tổn cho các phía khác.


Câu chuyện thứ ba, là câu chuyện thương tâm cho hệ thống người làm của một doanh nghiệp… không bao giờ phải trả lương cho người làm.

Tiệm café T. nằm ven một con kênh giáp đường Độc Lập phường 17 quận Tân Bình cũ là một tiệm lớn. Buổi tối đèn điện màu nhấp nháy rực rỡ cả một vùng rộng vài hecta, khách khứa đông vui nhộn nhịp.

Không gian ở đây rất rộng nên các bàn nước kê cách nhau khá xa, rất trữ tình.

Cùng một lúc, quán sử dụng khoảng ba chục tiếp viên nữ phục vụ. Một phần các em này là học sinh, sinh viên làm thêm vào khung giờ đông khách (từ 17 giờ đến 23 giờ). Các em vào làm ở đây thường được hứa trả mức lương thử việc cho tháng đầu là 1,2 triệu đồng, từ tháng thứ hai trở đi mức lương sẽ là 1,5 triệu. Quỹ lương cho nhân viên ở đây mỗi tháng chừng năm chục triệu.

Một buổi, vào khoảng mười giờ đêm, theo yêu cầu của khách, cô tiếp viên Hồng Yên ngồi lại tâm sự với một nam thanh niên.

Cái tuổi nam thanh, nữ tú rất dễ phát sinh tình cảm thân mật và anh chàng kia là người chủ động siết chặt vòng tay ôm chặt lấy cô tiếp viên trong khoảng ánh sáng mờ ảo góc vườn.

Đúng lúc đó ông chủ hiện ra.

Ông túm tóc cô gáilôi xềnh xệch về văn phòng, vừa đi vừa chửi vung vít.

Ông cho rằng, làm như vậy là “giết ông”. Cơ ngơi của ông trị giá vài tỷ bạc, là “cần câu cơm” của cả nhà ông, nay không khéo những “con điếm” này làm hư hết. Ông nói công an thường rình rập, chỉ cần “nó” chộp được một lần thế này, lập biên bản là mất nghiệp hay đóng cửa như chơi.

Ông chủ ra lệnh cho cô gái rời cửa hàng ngay ban đêm mà không nói gì đến lương bổng gì cả.

Phần cô gái, nỗi tủi nhục vì bị đối xử thô bạo dâng lên, động cơ rời khỏi quán rất cao, cô thu xếp mớ đồ tư riêng rồi “một đi không trở lại” trong tiếc khóc nghẹn hờn.

Không khí nặng nề tràn khắp quán. Người ta túm tụm ngấm ngầm lên án, bày tỏ bất bình sâu sắc với ông chủ.

Đúng lúc đó, một cô gái xinh đẹp gỉ tai một nhân viên: “Các em làm gì mà buồn, mai qua chỗ chị, chị chỉ cho chỗ làm mới tuyệt vời hơn chỗ này nhiều mà lương sướng cũng khá hơn, tự do hơn, chị cũng làm ở đó, hôm nay xin phép nghỉ đi chơi với bồ”.

Được lời như cởi tấm lòng, các em vây lấy đàn chị nhân hậu, xin số điện thoại.

Sớm hôm sau, một cuộc đình công nhỏ được nhen nhóm. Tại cuộc đình công này các em đòi tăng lương và tỏ ý phản đối cách đối xử công nhân của ông chủ đêm hôm trước.

Cuộc “đấu tranh” không kết quả, ông chủ tuyên bố trong hơi rượu nồng nặc không nhượng bộ, thách thức chị em có giỏi thì bỏ đi, ông sẽ đóng cửa.

Thế là chị em đồng lòng bỏ hết, “cho lão chủ biết tay”. Ở đây ai cũng biết, mỗi ngày, cái tiệm này đem về cho ông chủ đôi triệu liền lời, cho lão chết!

Chiều hôm đó, theo hướng dẫn của “bà chị tốt bụng”, các em dạt sang một tiệm mới trên đường Nguyễn Sơn kiếm việc. Tại đây, các em được bà chủ trẻ sởi lởi, vui vẻ tiếp đón rất thân thiện và bà hẹn: Để chị thu xếp mở rộng quán và có một số em xin nghỉ việc lấy chồng, hẹn ba ngày nữa các em quay lại. Mức lương được thảo luận và nhất trí cao hơn bên Th.T gần triệu một tháng.

Chiều hôm đó, có em trở lại café Th.T lấy nốt chút đồ thì bàng hoàng nhận thấy ở đây, hầu như chưa có chuyện gì xảy ra. Hơn ba chục tiếp viên mới đang lăng xăng phục vụ, đèn màu vẫn rực sáng đỏ xanh nhấp nháy.

Ba ngày sau các em lục tục tới quán mới nhận việc thì bà chủ đi vắng. Tiếp các em là một viên quản lý râu kẽm, tiếng nói trong cổ lão nặng nề và rằn rội như tiếng quỷ, hắn nói: Ủy ban quận mới báo chuẩn bị quy hoạch quán này làm nhà trẻ, bà chủ đang lo sốt vó, đang chạy tìm mặt bằng khác.

Các em lẩn thẩn ra về, lại lơ vơ trên con đường tìm nơi mưu sinh độ nhật. Các em đâu biết rằng, tất cả mọi diễn biến ba bốn ngày nay đều do một tay lão chủ xếp đặt. Từ tay “khách làng chơi quá đáng” đầu tiên đến “bà chị tốt bụng“ cùng sự phối hợp của “quán mới” đều do một tay đạo diễn vô lương tâm tác hợp thành cái bi kịch đẩy người lao động bỏ vài tháng lương của mình tay trắng ra đi.

Ở TP. HCM, những “điển hình” này không phải hiếm. Công ty THHH K.C đầu cầu Tham Lương quận 12 và nhiều công ty khác cũng vậy. Chiêu bài mỗi tháng: “tạm ứng” cho công nhân ba trăm bạc, năm sáu tháng không thanh toán, khiến nhiều người trễ nải, chán chường bỏ đi nơi khác, đương nhiên, người đi… lương ở lại và sự bóc lột trắng trợn đạt kết quả là đỡ phải chi mỗi đận cả trăm triệu tiền lương sau khi “hô biến” một đợt người làm dễ như lượm viên đá bên đường vứt vụt xuống ao!

Theo: Lừa doanh nghiệp, doanh nghiệp lừa

(Nguyễn Huy Cường/Tamnhin)

Bài liên quan

"Tôi không cho không ai cái gì"

"Tôi không cho không ai cái gì bao giờ. 30 triệu USD không phải ít, hơn nữa, đây là tiền của của cổ đông chứ không phải của cá nhân tôi nên tất cả đều vì quyền lợi của cổ đông..."

Giông gió cuộc đời, chuyện doanh nhân.

(Hiếu học). Chuyện của một doanh nhân dưới đây phần nào cận cảnh những khó khăn của khởi nghiệp, sự khốc liệt của thương trường và những chiêm nghiệm nhân tình thế thái quanh đồng tiền. Hy vọng, đây sẽ là kinh nghiệm cho bạn trẻ trên đường lập nghiệp.

Nghệ thuật: “Rước người cửa sau”

(Hiếu học). Ngay cả khi “có mới” rồi thì việc “nới cũ”, việc “rước người của sau” vẫn là một nghệ thuật. Điều này đặc biệt là đòi hỏi sự đồng bộ khéo léo giữa các bên … mà quan trọng nhất vẫn là sự tôn trọng lẫn nhau.

Kỹ năng phán đoán nhanh.

(Hiếu học). Khả năng phán đoán thế giới chung quanh, khả năng đáp ứng tình thế, khả năng giải quyết vấn đề đôi khi không phụ thuộc vào thời gian hoặc nổ lực suy nghĩ của chúng ta. Năng lực này chính là kỹ năng phán đoán mà ai cũng có thể trau dồi. Đó là một năng lực rất mạnh, mặc dù nó cũng có thể mắc sai lầm (kỹ năng phán đoán kém!).  

Cùng chuyên mục