Ba bạn trẻ không cùng ngành học nhưng chung ý tưởng độc đáo: kinh doanh sản phẩm từ phế phẩm. – “Khi cầm trong tay những đồng tiền thu về từ bức tranh đầu tiên bán được, bọn mình đã ôm chặt lấy nhau bật khóc” – Huyền Chi nhớ lại giây phút cảm động khó quên.
Dự án có tên “Chất liệu từ cuộc sống” của nhóm ba bạn trẻ đã xuất sắc giành giải nhất Festival khởi nghiệp toàn quốc năm 2010.
Thân thiện với thiên nhiên
Nguyễn Đình Quân (ngành đồ họa Đại học Mở Hà Nội) – thành viên nam duy nhất của nhóm ba người – cho biết từ những buổi học môn tranh phối chất ở trường, Quân nảy ra ý tưởng tận dụng những vật liệu có sẵn trong vườn, ngoài sông ở quê mình để tạo ra những bức tranh. Quân mang ý tưởng này chia sẻ với Thu Thảo và Huyền Chi (Trường ĐH Ngoại thương) và được hai bạn thân tán thành.
Cả ba vạch ra kế hoạch hiện thực hóa ý tưởng. Quân vốn học ngành đồ họa nên được giao nhiệm vụ là “thợ chính” trực tiếp vẽ maquette, làm tranh. Nhờ thế mạnh học ngành quản trị kinh doanh, Chi được giao nhiệm vụ soạn thảo kế hoạch kinh doanh, từ tìm kiếm nguồn nguyên liệu đến xây dựng cửa hàng. Còn Thảo là dân kinh tế đối ngoại lo tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm.
Sau đó cả ba chia nhau tìm tới những xưởng gỗ ở làng nghề ngoại thành xin mùn cưa, tới công trường xây dựng, bãi sông nhặt sỏi, lân la tới các quán ăn trước cổng trường năn nỉ chủ hàng xin… vỏ trứng. Thậm chí để có nguyên liệu làm tranh, thức ăn chính trong bữa cơm của Thảo, Quân vì thế quanh đi quẩn lại chỉ có trứng gà, vịt. Khi tập hợp đủ nguyên liệu cả ba cùng nhau xắn tay làm – Quân thiết kế bản vẽ, đắp khung; Thảo trộn mùn cưa, xé vỏ cây; Chi ráp sỏi, mảnh vỏ trứng… Cuối tháng 7-2009 nhóm hoàn thành bức tranh đầu tiên.
Từ những vật liệu có sẵn trong tự nhiên, nhóm đã biến cả những phế phẩm như bẹ dừa, đá sỏi, mùn cưa, lá cây, vỏ trứng… thành những bức tranh nghệ thuật đa dạng về chủ đề. Từ kiểu ngộ nghĩnh của trẻ em, tinh nghịch, trẻ trung dành cho giới trẻ, đến đằm thắm, lãng mạn với phong cách đồng quê, dân gian, phố cổ, hay tạo ấn tượng mạnh theo trường phái trừu tượng, phong thủy… Chất liệu, kích cỡ, kiểu dáng khung tranh cũng được thiết kế linh hoạt thích hợp cho nhiều không gian khác nhau như phòng ngủ, phòng khách, công sở, phòng trà…
Nhóm cho biết ưu điểm tận dụng những vật liệu có sẵn trong tự nhiên, thân thiện với môi trường chính là một trong những yếu tố thuyết phục ban giám khảo. Chi cho hay bạn bè du học ở Mỹ, Úc, Trung Quốc… mỗi dịp về thăm nhà mang sang mấy bức tranh làm quà tặng bạn bè, giáo viên khiến họ vô cùng thích thú.
Dự án của tình bạn
Từ lúc manh nha ý tưởng đến khi những bức tranh đầu tiên xuất xưởng cả nhóm đã trải qua nhiều sóng gió, nhiều lúc khó khăn dồn dập khiến cả ba nản tưởng chừng bỏ dở nhưng tình bạn đã giúp họ sát cánh bên nhau vượt qua.
Những buổi họp nhóm thường diễn ra ở quán nước trước cổng trường khi ba người chờ nhau sau mỗi tiết học hay buổi thi. Phòng trọ chật chội của Thảo ở con ngõ nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám hay căn phòng vùng ngoại thành Gia Lâm nơi Quân trọ học biến thành xưởng sản xuất bất đắc dĩ. Bận rộn với việc học nên cả nhóm tranh thủ tận dụng mọi thời gian rỗi cặm cụi làm, bất kể ngày đêm.
Khi dự án khởi động, cả nhóm đã gặp phải sự phản đối kịch liệt từ phía gia đình vì mọi người lo sẽ ảnh hưởng đến việc học. Cả ba tự đặt ra mục tiêu “hai tốt” cho mình: làm tốt và học tốt. May mắn kết quả học tập cuối năm không tồi của cả ba đã thuyết phục được mọi người. Nhiều khi mệt mỏi, nhiều áp lực ba người giận dỗi nhau tưởng vứt bỏ tất cả, nhưng rồi tình bạn đã kéo cả ba quay lại với công việc.
“Tháng 8-2009, nhóm đánh liều thuê cửa hàng mở phòng tranh nhỏ ở dốc Đốc Ngữ. Tối trước hôm khai trương mọi thứ vẫn còn bừa bộn, cả ba thức thâu đêm hì hục sơn tường, kẻ bảng. Xì xụp hết bát mì bữa sáng cũng vừa lúc bạn bè, người thân kéo đến, mọi người chúc mừng và mua tranh ủng hộ khiến chúng tôi mừng chảy nước mắt”, Quân nhớ lại.
Còn Thảo cho hay giữa tháng 12 vừa rồi nhóm gặp xui xẻo khi đúng ngày thuyết trình về dự án cho Festival khởi nghiệp Thảo bị ngộ độc thức ăn phải nhập viện. Suốt đêm đó Quân và Chi phải vừa chăm sóc Thảo ở bệnh viện, vừa hì hục soạn lại phần thuyết trình. Chưa hết, ngày nhận giải, 30 phút trước khi chương trình kết thúc Chi mới kịp làm xong bài thi học kỳ ở trường để đến tham dự.
“Khi cầm trong tay những đồng tiền thu về từ bức tranh đầu tiên bán được, bọn mình đã ôm chặt lấy nhau bật khóc” – Chi nhớ lại giây phút cảm động khó quên.
Nhiều khách hàng và tiềm năng thị trường
Theo thông lệ từ những cuộc thi khởi nghiệp trước đó, hầu hết dự án dự thi chỉ dừng lại ở ý tưởng trên giấy, sau khi đoạt giải mới tìm kiếm tài trợ để triển khai vào thực tế. “Chất liệu từ cuộc sống” là dự án duy nhất đã vận hành, sau đó mới được viết lại ý tưởng và mang đi “thi đấu”. Mang đi trình làng chỉ đơn giản để khẳng định mình, tuy nhiên tính khả thi, nét thân thiện với môi trường của dự án đã thuyết phục hoàn toàn hội đồng giám khảo và “ẵm” giải nhất. Ngoài giải thưởng của ban tổ chức, ngay hôm trao giải đại diện một công ty xây dựng ở Hải Dương đã tài trợ nóng cho nhóm một khoản kinh phí kha khá và nhận đỡ đầu dự án.
Tính đến thời điểm này nhóm đã bán được gần 100 bức tranh, mới đây một công ty ở Pháp đã đặt đơn hàng 20 bức. Ngoài ra nhóm còn hợp tác với Công ty TNHH thương mại và nội thất Nhà Đẹp, Công ty xúc tiến thương mại PRF, một số siêu thị, phòng tranh ở Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hóa… để phát triển dòng tranh của mình.
Theo: (Những bức tranh từ… đồ bỏ/TTCT)