Từ những hạt gạo, Nguyễn Cao Trí đã tạo ra một dòng tranh gạo mang diện mạo mới cho nghệ thuật tranh Việt
Tại phòng tranh Khương Đại Phát ở khu phố 6, phường Trung Dũng, TP Biên Hòa – Đồng Nai, ngoài những dòng tranh làm từ gốm, đá, ốc…, còn có rất nhiều tranh làm từ gạo với đủ loại: phong cảnh, chân dung, thư pháp…
Anh Huỳnh Minh Khương, chủ phòng tranh, giới thiệu: “Tranh gạo là dòng sản phẩm mới trong nghệ thuật tranh hiện nay. Sản phẩm này không chỉ thu hút khách trong nước mà nhiều du khách nước ngoài như Mỹ, Trung Quốc, Singapore cũng yêu thích”.
Đi tìm sự mới lạ
Người tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tranh gạo là anh Nguyễn Cao Trí, sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai. Căn phòng nhỏ trong khu ký túc xá của trường là nơi sáng tác của anh. Khoe những bức tranh gạo như: Thiếu nữ cầm hoa, chân dung Hồ Chủ tịch, các loài vật khác nhau…, anh Trí cho biết: “Để làm ra một tác phẩm tranh gạo đòi hỏi phải có tay nghề, sự kiên trì, sáng tạo và niềm đam mê”.
Cơ duyên đưa Trí đến với những tác phẩm tranh gạo là do trong quá trình học, anh được tiếp cận môn phân mảng khuôn mặt người. Để tác phẩm mới lạ, sinh động, anh nghĩ đến việc tìm một chất liệu khác cho môn học này.
Ngoài việc học để hoàn tất chương trình cao đẳng, Nguyễn Cao Trí vẫn thường xuyên làm tranh để nâng cao tay nghề. Anh đã tích lũy được khá nhiều tranh với hy vọng sau này sẽ mở một cuộc triển lãm tranh. “Nếu có điều kiện, tôi sẽ mở một phòng tranh cho mình”, anh thổ lộ. -Nguyễn Cao Trí với những tác phẩm tranh gạo do anh thực hiện
Anh hào hứng kể: “Khi ấy, ngoài những chất liệu như tranh ghép gỗ, sơn dầu, nhiều người cũng thể hiện những chất liệu mới như đá quý, vỏ sò, ốc… Còn tôi lại nghĩ đến gạo vì nước mình là nước nông nghiệp, có sản lượng gạo xuất khẩu vào hàng nhất, nhì trên thế giới; việc ứng dụng gạo làm tranh vừa tôn vinh sản phẩm nông nghiệp của đất nước, lại vừa là một sự sáng tạo trong nghệ thuật”.
Để cho tranh đẹp, hạt gạo phải có đủ các sắc màu cần thiết nhưng không thể nhuộm vì như thế, hạt sẽ bị gãy và ẩm mốc khi đưa lên tranh. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Trí chọn giải pháp rang gạo, vừa giúp gạo không bị ẩm mà khi dán lên tranh lại có được màu sắc tự nhiên như mong muốn. Anh vui vẻ: “Mất hơn một tuần mày mò, tác phẩm tranh gạo đầu tiên của tôi hoàn tất được thầy cô, bạn bè khen ngợi vì… lạ!”.
Thỏa sức sáng tạo
Sau khi hoàn tất tác phẩm đầu tay, Nguyễn Cao Trí nghĩ đến việc làm tranh tặng bạn bè. Hàng loạt bức tranh về phong cảnh và chân dung được anh cặm cụi sáng tác dành tặng bạn bè, người thân trong những dịp sinh nhật hay lễ hội.
“Một lần, ghé thăm người chị làm tại một tiệm uốn tóc ở TPHCM, thấy tiệm trang hoàng chưa đẹp, tôi liền tặng chị mấy bức tranh gạo để giúp khách thư giãn khi đến làm tóc. Không ngờ, một chủ tiệm tranh tại quận 1 thấy lạ liền đặt mua. Từ đó, tôi bắt đầu làm tranh gạo như một nghề để có thêm thu nhập trang trải việc học, đồng thời cũng để thỏa sức sáng tạo” – Trí tâm sự.
Anh Trí cho biết để làm ra một tác phẩm tranh gạo phải qua nhiều công đoạn. Gạo phải là gạo tẻ, hạt nhỏ và đều. Trước khi làm tranh, gạo phải được rang lên và tùy theo màu sắc muốn thể hiện mà có độ rang đậm, nhạt khác nhau.
Khi rang gạo phải đều tay để tạo màu sắc đồng đều. Sau đó, dùng keo sữa gắn từng hạt gạo vào tranh. Công đoạn cuối cùng là dùng keo bóng phủ lên trên cùng để tạo độ bóng đẹp cho tranh. “Nói thì đơn giản nhưng khi làm thì công phu, tỉ mỉ lắm vì hạt gạo bé xíu, phải ghép sao cho thật khít, sắp xếp màu sắc sao cho tranh thật có hồn…” – anh tiết lộ.
Đưa tranh đi xa
Hiện nay, ngoài việc cung cấp tranh cho thị trường TPHCM, Nguyễn Cao Trí cũng gửi tác phẩm tại phòng tranh Khương Đại Phát do những cựu sinh viên của trường mở ra để giúp sinh viên phát triển tay nghề. Anh Huỳnh Minh Khương cho biết: “Khách hàng chọn mua tranh gạo vì màu sắc tự nhiên, không phẩm màu và lại thân thiện với môi trường”.
Mới đây, một khách hàng Đài Loan đã đặt nhiều bức tranh gạo làm theo kiểu thư pháp để tặng người thân ở quê nhà. Một số khách hàng Mỹ, Singapore thì lại chọn tranh phong cảnh, chân dung.
Theo anh Khương, điều đáng trân trọng ở Trí chính là niềm đam mê nghệ thuật, sáng tạo không ngừng. Dù chỉ là sinh viên nhưng Trí thể hiện tốt ý tưởng trên chất liệu mới cũng như sự sáng tạo trên sản phẩm. Điều đó càng khiến nhiều người đón nhận tranh gạo một cách nhiệt tình.
Bài và ảnh: (Huỳnh Nga/NLD)