Lý Quang Diệu đã mệt lử nhưng vẫn không tài nào ngủ được. Ông trở mình liên tục, không thể làm cho tâm trí dịu lại. Ông có lý do chính đáng để lo lắng. Ngày mai, 9-8-1965, ông sẽ trở thành thủ tướng đầu tiên của một quốc gia mới có chủ quyền: Singapore.
Phải đi con đường khác
“Chúng tôi có một nguyên tắc đơn giản đóng vai trò là kim chỉ nam quyết định sự tồn vong của mình: đó là Singapore phải được tổ chức tốt hơn và hiệu quả hơn các quốc gia khác trong khu vực. Nếu chúng tôi chỉ dừng lại ở mức giỏi ngang với những nước láng giềng của mình thì các doanh nghiệp chẳng có lý do gì để đóng tại đây nữa” (LÝ QUANG DIỆU)
Ưu tiên đầu tiên của Lý Quang Diệu là quốc phòng. Sáng đó, ông gửi một lá thư cho phó tổng thanh tra cảnh sát Ấn Độ hỏi xem liệu New Delhi có sẵn lòng cử sĩ quan sang giúp đào tạo, huấn luyện để thành lập quân đội Singapore hay không.
Lý Quang Diệu không chỉ lo ngại về những nước láng giềng hiếu chiến xung quanh hòn đảo của mình, mà ông còn nghi ngờ về lòng trung thành của chính người dân trong nước. Dân số Singapore chủ yếu gồm người Hoa di cư từ Trung Quốc cùng các cộng đồng thiểu số người Ấn Độ và người Mã Lai bản địa. Không ai trong số họ có bất kỳ khái niệm nào về bản sắc Singapore.
Mối tập trung của Lý Quang Diệu nhanh chóng chuyển sang nền kinh tế của Singapore, điều mà ông gọi là “vấn đề đau đầu lớn nhất” của mình. Kể từ ngày được mẫu quốc Anh thành lập vào năm 1819 đến lúc này, Singapore đã là đầu mối trung tâm giao thương trong khu vực.
Chế độ thực dân Anh kết thúc đồng nghĩa với ách chiếm đóng ở Singapore chấm dứt. Malaysia dân tộc chủ nghĩa muốn phát triển thương mại của riêng mình, còn Indonesia thì cắt đứt giao thương bình thường với Singapore vì một tranh chấp chính trị.
“Tôi đã quen với việc nhìn thấy các kho hàng của chúng tôi chất đầy những tấm cao su, hồ tiêu, cùi dừa khô và song mây cùng các công nhân đang chăm chỉ miệt mài lau chùi, phân loại chúng để xuất khẩu – Lý Quang Diệu viết – Sẽ không còn cảnh nhập khẩu những nguyên liệu thô như vậy từ Malaysia và Indonesia”. Dân số chỉ vỏn vẹn 2 triệu dân, quá nhỏ bé để nuôi dưỡng được nền công nghiệp mạnh cho riêng mình.
Lý Quang Diệu than thở: “Chúng tôi được thừa hưởng một hòn đảo không có vùng đất nội địa, một trái tim không có cơ thể”. Thực tế ảm đạm đó làm ông thấy nản lòng: “Chúng tôi phải đương đầu với một sự thay đổi khủng khiếp trong khi cơ hội sống còn thật mong manh”.
Về sau ông viết: “Chúng tôi cần phải tạo ra một loại hình kinh tế mới, thử những phương pháp và chương trình mới chưa từng được thử bao giờ ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, vì chẳng có đất nước nào giống như Singapore cả. Tôi đi đến kết luận: một đảo quốc tại Đông Nam Á không thể là một quốc gia bình thường nếu nó muốn tồn tại. Chúng tôi phải nỗ lực phi thường để trở thành một dân tộc đoàn kết chặt chẽ, hùng mạnh và biết nhanh chóng thích nghi; một dân tộc có thể làm được nhiều thứ tốt hơn và rẻ hơn những người láng giềng… Chúng tôi cần phải khác biệt”.
Tạm hoãn ước muốn hưởng thụ
Sự biến đổi của Singapore từ vị thế một nước nhiệt đới bị sa cơ lỡ vận sang một quốc gia tràn đầy sức sống có tầm vóc quốc tế là một trong những câu chuyện tuyệt vời của phép mầu.
Hòn đảo này ngày nay là một trong những bến cảng sầm uất nhất thế giới, là một trung tâm tài chính chủ chốt của khu vực và là một trung tâm nghiên cứu tế bào gốc được công nhận trên toàn cầu. Nhân tố không thay đổi trong suốt toàn bộ câu chuyện về Singapore vẫn là một Lý Quang Diệu hay luận chiến, người đã chèo lái đất nước bằng tầm nhìn rộng mở và ý chí bất khuất, quật cường.
Cũng giống như hòn đảo của mình, Lý Quang Diệu đã được nâng lên từ một quan chức không vững vàng ở trong nước vào năm 1965 thành một chính khách vĩ đại nhất của châu Á, người có tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế xa hơn những gì mà quốc gia nhỏ bé của mình có thể đảm bảo.
Lý Quang Diệu biện luận phép mầu là một hiện tượng châu Á dựa trên một số đặc điểm của châu Á, đặc biệt là tư tưởng nho giáo và văn hóa, những thứ không dễ nhân rộng ra toàn thế giới. Ông cho rằng nhiều cách lý giải tập trung vào khía cạnh chính sách hay kinh tế của phép mầu đã bỏ quên yếu tố văn hóa then chốt này.
Theo ông, một số xã hội tự nó đã có khả năng phát triển nhanh chóng hơn những xã hội khác. Nho giáo và những xã hội chịu ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo sở hữu ý thức sùng bái học tập và tiết kiệm, tinh thần hi sinh bản thân và giềng mối xã hội dựa trên những chuẩn mực xã hội thông thường; và ông tin đó chính là “những giá trị châu Á” đã đặt nền móng cho phép mầu.
Trong một lần trả lời phỏng vấn của phóng viên Fareed Zakaria vào năm 1994, Lý Quang Diệu khẳng định các nước đang phát triển khác “sẽ không đạt được thành công giống như cách mà Đông Nam Á đã làm vì thiếu mất một số động lực. Nếu ta có một nền văn hóa không chú trọng nhiều vào việc học tập, kiến thức uyên bác, tinh thần lao động cần cù, tiết kiệm, biết tạm hoãn ước muốn hưởng thụ trong hiện tại để gặt hái được lợi ích trong tương lai thì tốc độ phát triển sẽ chậm lại rất nhiều”.
Cuốn sách chưa ai viết
Dù đã thôi làm thủ tướng vào năm 1990 sau 32 năm cầm quyền liên tục, ông vẫn chưa rút lui hoàn toàn khỏi công việc lãnh đạo. Ngày nay, Lý Quang Diệu giữ một chức vụ lạ lùng là “bộ trưởng cố vấn”, trong khi con trai ông, Lý Hiển Long, làm thủ tướng suốt từ năm 2004 đến nay.
Tuy nhiên, vào năm 1965, trong cái ngày đầu tiên tuyên bố độc lập, tất cả những thành công và tranh cãi này vẫn còn nằm ngoài sự tưởng tượng phong phú nhất của Lý Quang Diệu. Buổi tối hôm đó, ông lại một lần nữa không ngủ và đánh cật lực 150 trái banh golf từ một điểm phát bóng quen thuộc bên ngoài khu nhà ở chính thức của mình. Điều đó làm ông cảm thấy dễ chịu hơn nhưng vẫn bị cảm giác hồ nghi và lo lắng hành hạ.
Các vấn đề rối loạn giấc ngủ của Lý Quang Diệu trở nên nghiêm trọng đến nỗi có lần ông phải sắp xếp cuộc gặp gỡ với đại sứ Anh khi vẫn nằm trên giường.
Lý Quang Diệu viết: “Có nhiều cuốn sách chỉ ta cách xây một ngôi nhà, cách sửa chữa máy móc, cách viết một quyển sách nhưng tôi chưa thấy cuốn sách nào chỉ cách xây dựng một quốc gia bằng việc tập hợp những nhóm người di cư tạp nham…, hay cách làm thế nào để tạo đời sống ấm no cho người dân của quốc gia đó khi vai trò kinh tế cũ của nó, vai trò là một trung tâm tập trung và phân phối hàng hóa, đang chết dần. Vào ngày 9-8-1965 đó, tôi đã bắt đầu khởi hành một chuyến đi, theo một con đường chưa từng in dấu chân ai, tới một bến bờ xa lạ trong tâm trạng vô cùng xáo động”.
Theo: Châu Á thần kỳ – Tác giả: Michael Schuman (Ngô Thị Tố Uyên dịch – NXB Thời Đại và DT Books ấn hành. Dự kiến phát hành cuối tháng 10-2010)(TTO)