Năm 1992, khi Yuri Luzhkov lên nắm quyền, thủ đô Matxcơva (Nga) đầy tội phạm và rác rưởi. 18 năm sau, Matxcơva trở nên lộng lẫy nhưng cũng đồng hành với vết trượt dài của người lãnh đạo nó, đến mức gây thất vọng và đánh mất niềm tin nơi tổng thống và các đồng sự.
– 10 CEO kiếm bộn tiền nhờ mất chức
Sự kiện thị trưởng Matxcơva Yuri Luzhkov, được coi là một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất nước Nga, bị cách chức hôm 28-9 sau khi trở về từ một chuyến nghỉ mát đã làm báo chí quốc tế tốn giấy mực trong hai ngày qua.
Dưới thời Yuri Luzhkov, người ta không thể phủ nhận rằng thủ đô Matxcơva đã đổi sang một diện mạo mới.
Người cứu Matxcơva
Trong 18 năm đó, Matxcơva chứng kiến tốc độ xây dựng rất nhanh và trở thành thành phố hấp dẫn nhất thế giới của giới đầu tư bất động sản. Một Matxcơva cũ kỹ trước kia giờ đầy ắp những tòa nhà chọc trời, những trung tâm thương mại quốc tế sang trọng, những con đường cao tốc khổng lồ.
Tờ New York Times của Mỹ đã phỏng vấn những người làm việc lâu năm với Luzhkov và biết rằng họ nhớ đến ông như một nhà lãnh đạo không mệt mỏi đương đầu với khủng hoảng. Ông đã quyết liệt đưa Matxcơva khỏi sự hỗn loạn sau khi Liên Xô sụp đổ.
“Chân thành mà nói, ông ấy đã cứu Matxcơva trong những năm 1992-1993. Khi đó cả thành phố thiếu thốn trăm bề”, Sergei B. Stankevich, nhà phân tích chính trị từng làm việc ở tòa thị chính cùng Luzhkov những năm trước, cho biết. Đến cả thuốc lá cũng được coi là thứ hàng xa xỉ và thiếu đến mức người dân chặn cả quảng trường chính của thành phố để biểu tình.
Ông Stankevich cho rằng trong một đất nước toàn những nhà lãnh đạo trẻ tuổi, ông Luzhkov – một thị trưởng từ cuối thời Liên Xô – đã có đầu óc thực tiễn cần thiết để giúp cho các cửa hiệu có đầy ắp hàng hóa và những ngôi nhà được sưởi ấm. Người dân thủ đô có mức sống cao nhất cả nước, lương bổng được trả đầy đủ.
Nhưng một lần nữa câu “lắm tài nhiều tật” lại làm người ta liên tưởng đến ông trong những năm sau này. Thậm chí báo chí Nga hay các nhà lãnh đạo Nga chưa đưa ra lời ghi nhận công của ông trong thời gian lãnh đạo.
Natalia Timakova, phát ngôn viên của tổng thống Dmitry Medvedev, nói ngắn gọn: “Có hai cách mà một nhà lãnh đạo từ bỏ chức vụ của mình trước thời hạn: Anh ta tự nguyện thông báo từ chức hoặc anh ta bị sa thải bằng những lời cáo buộc mất tín nhiệm. Vị thị trưởng của chúng ta vừa đi nghỉ mát về và tổng thống sắp ký một sắc lệnh”.
Việc đi nghỉ mát của ông Yuri Luzhkov trong khi nước Nga và Matxcơvagồng mình chống chọi với nạn cháy rừng nghiêm trọng nhất trong lịch sử chỉ là giọt nước làm tràn ly đối với thất vọng dồn nén bấy lâu của tổng thống Medvedev.
“Luzhkov càng ngày càng trở thành một con người khác”, bạn bè ông nhớ lại.
Cai quản mọi thứ
Luzhkov dù chưa bị buộc một tội danh cụ thể nào nhưng ông dính líu vào nhiều chỉ trích trong các năm qua. Việc ông phá nhiều công trình kiến trúc và xây mới đã khiến các kiến trúc sư cho rằng đó là sự phá hủy những điểm nhấn lịch sử của Matxcơva kể cả các công trình cổ từ thế kỉ 18, 19. Dù xây mới nhiều đường sá, ông không giải quyết được tình trạng tắc đường kinh niên ở thủ đô có tới 10 triệu dân.
Trong khi ông không ngừng làm thành phố hiện đại, to đẹp và phát triển kinh tế, ông cũng thu về rất nhiều món hời và không ai không biết vợ ông đã dựa chồng để có số tiền hàng tỉ đô la và trở thành người phụ nữ giàu thứ ba thế giới theo thống kê của Forbes. Tờ Vesti cho biết khách sạn Matxcơva bị đập đi xây lại năm 2004 là một việc làm không cần thiết nhưng trong vụ này, 87 triệu USD đã bị đút vào túi quan tham.
Truyền thông Nga còn cho rằng sai lầm của ông là đã cố gắng xây dựng hình ảnh của mình ngang với các nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước, và tồi tệ hơn là làm cho họ đối đầu với nhau.
Hãng tin RIA Novosti dẫn lời một số quan chức cấp cao giấu tên của Nga chỉ ra rằng các hành động của ông Luzhkov càng ngày càng thiếu tế nhị. Họ từng cảnh báo ông sẽ có phản ứng tiêu cực trong đồng nghiệp nhưng ông phớt lờ những lời khuyên đó.
Vyacheslav Volodin, thư ký cho đảng Nước Nga thống nhất, nói về người đồng nghiệp: “Chúng tôi lấy làm tiếc khi biết tin một trong những người sáng lập đảng vì các sai lầm của mình đã đánh mất tín nhiệm của tống thống”.
Họ miêu tả ông trị vì Matxcơva như một “thái ấp”, đè nén những người dám phản đối ông và luôn bao quanh mình một nhóm đồng minh làm giàu cho bản thân bằng việc quản lý các đại lộ thương mại sang trọng trong thành phố.
“Luzhkov trong thế kỉ 21 là ví dụ điển hình về một nhà quản lý nhũng nhiễu”, Boris Y. Nemtsov, một trong những nhà cải cách tân tiến của Nga, nhận định. “Ông ấy cai quản mọi thứ như thời Xô viết và không bao giờ có thể là một lãnh đạo chân chính thời hiện đại”.
Theo: (RIA Novosti, New York Times, CNN, TTO)