Thời gian gần đây, không ít nông dân TPHCM giàu lên nhờ nghề trồng hoa sứ. Không chỉ phục vụ thị trường cây cảnh trong nước, người trồng hoa sứ TPHCM đã bắt đầu đưa cây hoa sứ sang thị trường nước ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ ý tưởng làm giàu
Ở TPHCM, không hiếm người chơi hoa sứ, nhưng để trồng hoa sứ với mục đích kinh tế thì không nhiều. Một trong những nơi trồng nhiều hoa sứ và có quy mô tập trung nhất của thành phố là địa bàn xã Hưng Long, huyện Bình Chánh. Người dân nơi đây đã đi đầu trong việc trồng hoa sứ chuyên nghiệp để bán ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Không ít hộ gia đình giàu lên nhờ nghề trồng hoa sứ.
Với quyết tâm ý chí làm giàu từ cây hoa sứ, người trồng hoa ở Hưng Long đã trải qua không ít khó khăn để đưa cây hoa sứ trở thành sản phẩm mang lại lợi ích kinh tế chính cho vùng đất này.
Ông Trương Văn Phượng, chủ vườn sứ Ba Đô nức tiếng ở xã Hưng Long cho biết, có được sự thành công như ngày hôm nay là cả một quá trình kiên trì cố gắng theo nghề của các gia đình. Nhớ lại những ngày đầu mang ý tưởng chọn nghề trồng hoa sứ để làm giàu, nhiều người trong gia đình và bạn bè ai cũng ngăn cản vì cho rằng hoa sứ khó có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng với ý chí và quyết tâm, tôi cùng một số anh em có chung suy nghĩ đã quyết tâm đi theo nghề này.
“Lúc đầu tôi trồng các loại hoa bán Tết nhưng một thời gian thấy nếu trồng hoa cảnh thì chỉ có thể bán trong dịp Tết sẽ khó mang lại hiêu quả kinh tế cao. Từ suy nghĩ đó tôi đã chuyển hướng sang trồng hẳn hoa sứ, bởi hoa sứ hợp với thổ nhưỡng ở đây, cây hoa sứ để được nhiều năm và càng lâu thì càng có giá trị. Từ đó, tôi đã phải lặn lội khắp nơi để học cách chăm sóc, tạo dáng, lai tạo cho hoa sứ”- ông Phượng tâm sự.
Ngòai những chuyến đi lặn lội đến các vùng trồng hoa sứ có tiếng trong nước, ông và một số người trồng hoa sứ còn lặn lội sang đất Thái Lan học hỏi và kiếm tìm những giống lan quý về nhân giống. Với những cố gắng của mình, đến nay vườn hoa sứ Ba Đô của nhà ông Phượng đã có quy mô 3.000 m2 với hàng ngàn gốc hoa sứ các loại, mỗi năm thu hoạch cho giá trị lên tới vài trăm triệu đồng.
Vươn ra thị trường thế giới
Sự thành công của ông Phượng đã được bà con trong xã hưởng ứng và làm theo, nhà nhà chuyển sang nghề trồng hoa sứ, biến Hưng Long trở thành vùng đất của hoa sứ với những giống hoa quý hiếm như: sứ quý ngọc, sứ siêu sao, sứ vennus, kachusa, kim cương, bạch tuyết, hatquynh, zinzay, lasvegas…
Từ những ngày đầu nghề trồng hoa sứ làm giàu chỉ có vài người tham gia thì đến nay xã Hưng Long, huyện Bình Chánh đã có hàng chục hộ dân đi theo.
“ Nghề trồng hoa sứ giờ đã có thu nhập cao lại ổn định nên bà con rất nhiệt tình tham gia. Để hỗ trợ bà con trong việc trồng hoa sứ, chúng tôi thành lập câu lạc bộ hoa sứ Hưng Long nhằm giúp bà con có nơi trao đổi kinh nghiệm và bí quyết giúp nhau”- ông Phượng chia sẻ.
Theo thống kê của hội nông dân huyện Bình Chánh, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 120 hộ trồng hoa sứ trên diện tích 2,4ha. Trong đó có câu lạc bộ hoa sứ ở xã Hưng Long do ông Trương Văn Phượng làm chủ nhiệm là hoạt động có hiệu quả tốt nhất. Năm 2012, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng sản phẩm hoa sứ của xã Hưng Long vẫn tiêu thụ nhiều bởi các sản phẩm ở đây được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, với sự nhanh nhạy trong năm qua, các hộ trồng hoa ở xã Hưng Long đã xuất được lô hàng 1.000 cây sứ đầu tiên sang Nhật. Tạo dấu ấn cho việc đưa hoa sứ sang thị trường nước ngoài, mang lại hy vọng đầu ra lâu dài cho sản phẩm hoa sứ.
Theo các nhà vườn nơi đây, các giống hoa sứ của Hưng Long có kiểu dáng đẹp mắt, đa dạng về chủng loại, thậm chí còn đẹp hơn sứ Thái Lan (nước đứng đầu khu vực về xuất khẩu hoa sứ). Nhưng để nghề trồng hoa sứ phát triển phải có thương hiệu riêng, thì cần phải có chính sách hỗ trợ người trồng hoa sứ về vốn, kỹ thuật cũng như các hoạt động quảng bá giới thiệu về sản phẩm hoa sứ.
Ông Phan Văn Huynh, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Chánh cho biết, hoa sứ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, đầu tư ít, có thể lấy ngắn nuôi dài. Để giúp các hộ dân phát triển nghề trồng hoa sứ, hiện nay hội đang phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ trực tiếp cho người dân địa phương được vay vốn, hưởng các chính sách ưu đãi tín dụng đối với các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó cũng đang tiến hành tổ chức các hình thức sản xuất giúp nông dân liên kết tiêu thụ sản phẩm, từng bước quảng bá thương hiệu sản phẩm và cung cấp sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước.
Nguồn: Petrotimes