Làm gì khi xảy ra động đất?

Động đất xảy ra hàng ngày trên trái đất nhưng hầu hết đều ở mức độ nhẹ, không gây ra thiệt hại và đa số chúng ta đều không cảm nhận thấy động đất. Thực tế chỉ những trận động đất có cường độ từ 3 độ richter trở lên con người mới có thể cảm nhận được và chỉ có những trận động đất lớn hơn 5 độ richter mới bắt đầu gây ra thiệt hại.

Có động đất, chớ nên chạy ra khỏi nhà

Ở Việt Nam trong những năm gần đây đã có vài trận động đất xảy ra tuy không lớn và không gây thiệt hại nào đáng kể, nhưng cũng làm cho đại bộ phận người dân cảm thấy lo sợ và hoang mang. Đặc biệt là những người đang sống và làm việc trong những tòa nhà cao tầng ở các thành phố lớn.

Như chiều 26/1 lúc 14h30, người dân ở Sài Gòn lại cảm nhận được những rung chuyển của một trận động đất có cường độ 4,7 độ richter xảy ra ngoài khơi biển Vũng Tàu. Tuy trận động đất không gây thiệt hại gì nhưng một số nhân viên đang làm việc trong các tòa nhà cao tầng cũng bị hoảng sợ. Một số người đã thậm chí chạy ra ngoài, mở cửa và tìm cách thoát xuống đất. Đây là một hành vi nguy hiểm và không nên làm khi đang xảy ra động đất.

(Người làm việc ở nhiều tòa nhà cao tầng tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Vũng Tàu chiều 26/1 cảm nhận rõ rệt nhiều đợt rung lắc do dư chấn động đất 4,7 độ Richter ngoài khơi Vũng Tàu. Ảnh: Kiên Cường)

Làm gì khi xảy ra động đất?

Nơi nào an toàn khi xảy ra động đất? Có thể là gầm bàn – bạn chui xuống gầm bàn để trú ẩn. Nếu bạn đang trên giường vào ban đêm, hãy ở nguyên vị trí và che đầu bằng một chiếc gối. Tránh xa các cửa sổ, cửa ra vào hoặc đồ vật bằng kính…

– Nếu bạn đang ở trong một tòa nhà, tốt nhất là hãy tìm một nơi an toàn ở ngay tại vị trí của bạn. Vậy nơi nào là an toàn khi có động đất xảy ra? Có thể là gầm bàn – bạn có thể chui xuống gầm bàn để trú ẩn. Nếu bạn đang ở trên giường vào ban đêm, hãy ở nguyên vị trí và che đầu bằng một chiếc gối. Hãy tránh xa các cửa sổ, cửa ra vào hoặc các đồ vật bằng kính. Và bạn cần nhớ tuyệt đối không tìm cách rời khỏi tòa nhà vì bạn có thể sẽ bị thương thậm chí bị chết do các đồ vật trên cao rơi xuống. Cũng không cố gắng mở các cửa sổ hoặc cửa ra vào vì kính vỡ có thể làm bạn bị thương.

Khi động đất, đừng ở trong nhà bếp, vì đó là khu vực nguy hiểm. Ngắn gọn là hãy tránh chỗ mà những vật có thể rơi trên đầu bạn. Nếu bạn đang ở trong nhà, hãy cứ ở đó, chui xuống một cái bàn, dùng tay và lưng hơi nâng nó lên và kéo rê tới sát góc tường hoặc cửa ra vào. Nếu bạn đang ở trong lớp học nên núp vào những gầm bàn hoặc lấy cặp che lên đầu để đề phòng khi có vật rơi vào đầu.

Một điều cũng cần biết khi đang xảy ra động đất là nếu tòa nhà được trang bị hệ thống báo cháy tự động hoặc hệ thống phun nước tự động thì những hệ thống này có thể bị kích hoạt khi tòa nhà rung chuyển mặc dù không có sự cố cháy. Bạn nên biết điều này để đừng hoảng sợ. Hãy bình tĩnh và trú ẩn an toàn cho đến khi hết động đất.

Khi tòa nhà bạn đang ở hết rung chuyển, chỉ rời tòa nhà nếu bạn cảm thấy an toàn. Bạn không nên sử dụng thang máy để di chuyển xuống đất. Hãy sử dụng thang bộ và di chuyển càng nhanh càng tốt xuống mặt đất. Khi đã xuống đất, bạn hãy nhanh chóng rời xa tòa nhà để tránh bị thương bởi các vật trên cao có thể rơi xuống.

– Nếu bạn đang ở ngoài, hãy tìm một vị trí an toàn để trú ẩn. Tránh càng xa càng tốt các tòa nhà cao tầng, cây, cột điện và đường dây điện. Trú ẩn tại một vị trí an toàn có thể cho đến khi hết động đất. Bạn nên chú ý, sau khi hết động đất bạn vẫn có thể bị thương nếu cây to hoặc cột điện đổ hoặc dây điện rơi.

– Nếu bạn đang ở trong ôtô, hãy dừng xe ở tại một vị trí an toàn có thể. Bạn hãy ở trong xe và cài chặt dây an toàn cho đến khi hết động đất. Bạn sẽ có thể bị nguy hiểm nếu cố gắng tiếp tục lái xe. Bạn sẽ không thể lái xe ra khỏi vùng rộng lớn đang bị ảnh hưởng bởi động đất, thậm chí việc lái xe có thể gây nguy hiểm hơn nếu có cây hoặc cột điện đổ, hoặc dây điện trên cao rơi xuống. Bạn chỉ ra khỏi xe khi chắc chắn hết động đất. Khi ra khỏi xe bạn phải chú ý những vật có thể rơi xuống từ trên cao và làm bạn bị thương. Sau khi hết động đất, không nên lái xe trên cầu hoặc trên đập nước vì chúng có thể đã hư hại do động đất và có thể bị sập bất kỳ lúc nào.

– Nếu bạn đang ở vùng núi, hãy chú ý đến nguy cơ sạt lở đất hoặc đá rơi xuống từ trên cao. Còn nếu bạn đang ở vùng biển thì hãy ngay lập tức di chuyển lên vùng cao hơn. Động đất có tâm chấn ngoài khơi có nhiều khả năng gây ra sóng thần. Và bạn đã biết hậu quả nghiêm trọng của sóng thần rồi đó?

Sau động đất, bạn phải làm gì?

– Bạn phải tự kiểm tra xem mình có bị thương ở đâu không? Nếu bạn bị thương hãy tự sơ cứu bằng những phương tiện sơ cấp cứu mà mình có. Hoặc bạn có thể yêu cầu trợ giúp của những người xung quanh nếu bị thương nặng hơn.

– Bạn hãy mặc quần áo dài, cố gắng che chắn các bộ phận cơ thể càng nhiều càng tốt. Hãy chú ý bảo vệ đôi tay của bạn, nếu có thể bạn nên đeo găng tay. Tay của bạn có thể bị thương bởi những vật sắc, nhọn hoặc mảnh vỡ.

– Nếu phải đóng, mở các cửa sổ hoặc cửa ra vào hãy chú ý cẩn trọng vì những mảnh kính bị nứt, vỡ có thể rơi xuống và làm bạn bị thương.

– Nếu có chảy tràn chất lỏng tại vị trí của bạn, cho dù đó là bất kỳ chất lỏng nào hãy ngay lập tức lau khô vị trí chất lỏng đổ ra. Chắc chắn bạn không muốn bị thương do bị trượt, té vì mặt sàn trơn. Nếu chất lỏng bị đổ ra là chất dễ cháy thì việc lau, dọn ngay sẽ càng quan trọng hơn vì nếu không có thể gây ra sự cố cháy, nổ tiếp theo.

– Hãy đừng đụng vào bình chứa gas và cũng đừng sử dụng bếp gas ngay sau động đất. Hãy gọi thợ đến kiểm tra bình gas xem có bị rò rỉ hoặc bình gas có bị hư hại do động đất không.

– Hãy kiểm tra nhà của bạn. Cố gắng tìm xem tường, trần nhà có bị nứt không? Nếu phát hiện hãy tạm thời tránh xa tường bị nứt hoặc ra khỏi nhà nếu trần bị nứt cho đến khi bạn gọi thợ đến sửa chữa để đảm bảo an toàn.

– Hãy chú ý nghe tin tức cập nhật trên đài, tivi. Bạn cũng nên biết, các dư chấn động đất có thể tiếp tục sau trận động đất. Cập nhật tin tức để biết tình hình và có biện pháp hợp lý để tự bảo vệ mình và gia đình.

Sài Gòn rung lắc vì động đất ngoài khơi Vũng Tàu

14h30 chiều 26/1, nhiều tòa nhà ở TP HCM và Vũng Tàu bị rung lắc kéo dài vài giây khiến mọi người hoảng hốt. Viện Vật lý địa cầu xác nhận đã có một trận động đất cường độ 4,7 richter xảy ra ngoài khơi biển Vũng Tàu. Trận động đất này ảnh hưởng đến một khu vực rộng, bao gồm Vũng Tàu, TP HCM, Đồng Nai, Bình Thuận… nhưng đây là động đất nhẹ, nếu động đất mạnh phải lên đến 5,5 độ richter trở lên.

Theo: (Bác sĩ Quản Hồng Đức – Giám Đốc Công ty TNHH MTV Dòng Kẻ/VNE)

Bài liên quan

10 Kỹ năng thoát hiểm có thể cứu bạn (phần 2)

(hieuhoc_hieuhoc.com) Gặp phải kẻ “thôi miên” lừa đảo, hoặc bị cưỡng bức, hoặc có sự cố hỏa hoạn… là những nguy hiểm vẫn có thể xảy ra bất ngờ. Vậy khi đối mặt với nguy hiểm, bạn biết cách xử trí hay chưa? - Trong nhiều trường hợp, những thói quen đơn giản và biết cách thoát hiểm có thể cứu cuộc sống của chúng ta. 

Làm thế nào để sống sót trong đám đông chạy loạn?

Để tăng khả năng sống sót khi bị kẹt trong một đám đông bắt đầu hỗn loạn vì một sự cố nào đó, bạn cần lưu ý những điều sau đây: Phải kiểm soát sự sợ hãi vì nghĩ mình sẽ chết; bình tĩnh để xem xét thông tin về sự cố đang xảy ra; trong những phút đầu tiên tuyệt đối không chạy theo phần lớn đám đông… 

Con người không dễ chết đuối

Có rất nhiều người chết đuối vì không biết bơi. Rất tiếc là rất nhiều người đã không biết rằng, tạo hoá tạo ra con người không phải dễ chết đuối.

Làm gì khi có cảnh báo sóng thần?

Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản hướng dẫn: - “Hãy rời ngay khỏi bờ biển và trú ẩn ở một nơi an toàn khi có thông báo sóng thần…”. Khoảng 10 phút giữa chấn động đầu tiên và lúc các luồng sóng gây chết người ập đến cũng đủ để người dân chạy thoát khỏi các vùng nguy hiểm.   

Cùng chuyên mục