Năm nay Bộ GD&ĐT đã hạn chế chương trình thi và nói rõ học bài nào, cấu trúc ra đề như thế nào trong bộ cấu trúc đề thi. Tuy nhiên, biết cách ôn tập cho có hiệu quả với chương trình cải cách và đề thi là không dễ.
Môn Văn: Đặc biệt chú ý đến cấu trúc đề thi mới
(Thầy Lê Phạm Hùng, Tổ trưởng tổ Văn, trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam)
Đề thi gồm ba phần: một câu hỏi trả lời để kiểm tra kiến thức và hai bài viết (một nghị luận xã hội, một nghị luận văn học). Cái mới của năm nay là học sinh buộc phải viết một bài nghị luận xã hội, viết ngắn trong vòng 400 từ, khoảng 1,5 trang.
Đây là một loại bài khó đối với học sinh vì trước đây, đề thi thường cho hai câu hỏi dạng này để thí sinh chọn một và cũng bởi bẵng đi một thời gian lâu đề thi không ra ở dạng nghị luận xã hội.
Nay thí sinh bắt buộc phải thi với dạng bài này và lại không phải hai đề chọn một mà lại phải viết thành bài văn hoàn chỉnh.
Yêu cầu này đòi hỏi thí sinh phải luyện viết nhiều và tập viết ngắn. Ở bậc THCS, học sinh luyện viết đoạn văn, ở bậc THPT, luyện viết bài văn dài khoảng bảy đến tám trang.
Nay học sinh bắt buộc phải viết một bài văn ngắn đầy đủ nên khá khó. Tuy nhiên, bài nghị luận văn học trước kia dài khoảng sáu đến bảy trang. Nay, bài này chỉ chiếm năm điểm.
Vì vậy, chỉ nên dài khoảng bốn trang. Điều thí sinh phải chú ý là đề thi sẽ không hỏi một vấn đề lớn trong một văn bản mà có thể chỉ hỏi một ý nào đó nhưng đòi hỏi học sinh vẫn phải nắm chắc văn bản mới làm được ý nhỏ trong văn bản đó.
Ví dụ, trước kia đề thi có thể hỏi: Phân tích nhân vật Mỵ hay yêu cầu thể hiện giá trị hiện thực nhân đạo của tác phẩm nhưng nay có thể chỉ hỏi một ý nhỏ như phân tích tâm trạng của nhân vật Mỵ trong khi cởi dây trói hay trong đêm tình mùa xuân. Xin nhắc lại: việc đọc kỹ văn bản rất quan trọng.
Cấu trúc đề thi đã nói rất rõ bài nào cần học. Mục lục của tài liệu này cũng đã chỉ rõ tất cả các bài phải học, trừ những bài đọc thêm. Tuy nhiên, học sinh phải chú ý: Chương trình nâng cao và không nâng cao khác nhau một chút. Tinh thần của Bộ GD&ĐT là: Học theo chương trình nào thì thi theo chương trình ấy.
Đề thi ĐH cũng có cấu trúc tương tự như đề thi tốt nghiệp THPT, chỉ khác ở chỗ thi ĐH khó hơn, thời gian dài hơn thì bài làm phải dài hơn. Năm nay học sinh nên học hết theo quy định vì đây là một chương trình hoàn toàn mới, có những phần trước đây chưa bao giờ học, chưa bao giờ thi.
Ngoài học thuộc phải rèn luyện viết vì học sinh hay học theo kiểu thuộc lòng bài văn mẫu và tham kiến thức. Năm nay, với kiểu câu hỏi này, các bài làm văn không được viết quá dài.
Bình thường với đề mọi năm chỉ có một bài tập làm văn, học sinh thường viết sáu trang và thêm một phần trả lời câu hỏi khoảng một đến hai trang. Như vậy, bài làm của thí sinh ít nhất phải dài được 1,5 tờ giấy thi, tức là khoảng sáu trang.
Bài tập làm văn cũng chỉ cần viết độ ba đến bốn trang, bài còn lại hai trang. Kiến thức hỏi trong bài thi có thể không khó hơn nhưng kỹ năng khó hơn vì vậy nếu không rèn luyện để viết bài ngắn và xúc tích nhưng đủ ý thì thí sinh sẽ không thể đạt được điểm cao.
Một điểm nữa thí sinh cần lưu ý là tất cả các hệ thống bài văn mẫu bán rộng rãi trên thị trường khi làm bài phân tích đều phân tích từ đầu đến cuối một tác phẩm nhưng khi đi thi đề thi chỉ hỏi một ý.
Một điều cần nhắc thí sinh thận trọng với môn Văn, một môn không dễ với các thí sinh thiên về khoa học tự nhiên là năm chỉ thi tốt nghiệp THPT một lần, không có kỳ thi tốt nghiệp thứ hai nên phải hết sức chú ý đến những điều mới mẻ trong cách ôn tập môn Văn này.
(Theo Tiền Phong)