“Cuối cùng, tôi quyết định chọn thi vào khoa Quan hệ công chúng. Sau khi ra trường, tôi sẽ làm việc cho một công ty nào đó với mức lương đủ nuôi sống tôi và gia đình. Khi 2 em đã lớn và không cần chu cấp nữa, tôi sẽ chuyển sang làm người phát ngôn cho một Bộ, ngành. Làm như vậy, mọi việc sẽ toàn vẹn cả đôi đường, mặc dù con đường để trở thành một chính trị gia của tôi sẽ dài hơn nhiều lắm”.
Tôi là chị cả trong một gia đình có ba chị em, hai đứa em đang học mẫu giáo với những khoản học phí hàng tháng cao ngất trời. Bố mẹ tôi đều là công nhân, mẹ tôi sức khoẻ yếu, không chịu được môi trường lao động nên ở nhà làm nội trợ. Tất cả các khoản chi phí trong nhà đều do một mình bố tôi chi trả. Nhưng bố tôi chỉ là một lái xe, công việc của ông còn phụ thộc vào rất nhiều thứ: thời tiết, khách hàng, nguồn hàng… Bố mẹ tôi luôn nói: tương lai của cả nhà, nhất là của hai đứa em tôi đều phụ thuộc vào tôi.
Vì vậy, việc chọn nghề cho tương lai của tôi cũng là mối quan tâm của cả nhà. Bố mẹ tôi chỉ là công nhân, không hiểu biết gì nhiều về thị trường việc làm nên không thể tư vấn cho tôi về nghề nghiệp, chỉ hi vọng tôi sẽ đi theo con đường trí thức, thoát khỏi đời sống lao động chân tay nhọc nhằn.
Tôi là một cán bộ Đoàn và tôi yêu thích công tác Đoàn. Từ ngày vào trường cấp 3, tôi luôn cố gắng học tập và rèn luyện vì ước mơ được trở thành một chính trị gia, một người liên quan đến các vấn đề chính trị – xã hội của đất nước.
Tôi luôn cố gắng tìm tòi và học hỏi con đường sự nghiệp của các chính trị gia nổi tiếng. Bây giờ tôi đang là đối tượng Đảng và được kết nạp Đảng là mục tiêu tôi đang phấn đấu để đạt được. Tôi đã gần như chắc chắn sẽ thi vào Học viện Chính trị quốc gia, nơi để tôi tiếp tục quá trình phấn đấu của mình.
Nhưng bố mẹ tôi lại không muốn tôi theo con đường đó, hoàn cảnh gia đình không cho tôi thời gian để thực hiện ước mơ của mình. Để trở thành một chính trị gia, cần rất nhiều thời gian và công sức để phấn đấu, rèn luyện. Trong khi đó, bố tôi không còn trẻ, hai em tôi sắp bước vào lớp một với bao khoản học phí, bốn năm đại học lại tốn không biết bao nhiêu tiền… Bố mẹ muốn tôi hãy chọn lấy một công việc có thu nhập cao để chu cấp cho hai đứa em tôi ăn học. Tôi đau đầu với việc phải lựa chọn ước mơ và gia đình.
Cuối cùng, mặc dù rất thất vọng và buồn tôi vẫn phải dẹp ước mơ của mình sang một bên và tìm kiếm con đường đi khác.
Tôi thử tìm hiểu thế mạnh của mình là gì. Đối với một cán bộ Đoàn, giao tiếp, quan hệ là thế mạnh lớn nhất. Tôi có những mối quan hệ sâu rộng và hình ảnh tốt đẹp trong mắt mọi người. Tôi tìm kiếm trong các trang tuyển dụng để tìm hiểu mức lương, cơ hội tiến thân, yêu cầu của các công việc và đặc biệt là cơ hội tiến gần với ước mơ của mình.
Cuối cùng, tôi đã chọn thi vào khoa Quan hệ công chúng của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Dự định của tôi là sau khi ra trường, tôi sẽ làm việc cho một công ty nào đó với mức lương đủ nuôi sống tôi và gia đình.
Và khi hai em của tôi đã lớn và không cần chu cấp nữa, tôi sẽ chuyển sang làm người phát ngôn cho một Bộ, ngành, để tiến tới ước mơ của mình. Tôi nghĩ làm như vậy, mọi việc sẽ toàn vẹn cả đôi đường, mặc dù con đường để trở thành một chính trị gia của tôi sẽ dài hơn nhiều lắm…
Nguyễn Thùy Chi – Vinh, ngày 11/3/2007
Ý kiến:
TS Phan Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Tâm Việt:
So với lứa tuổi học sinh lớp 12 thì em có sự trải nghiệm tương đối dày dặn và một ý chí mạnh mẽ. Từ việc xác định mục tiêu xa và mục tiêu gần của mình, em lập các kế hoạch để theo đuổi một cách khá rõ ràng, quyết đoán.
Em có khả năng thể hiện suy nghĩ bằng văn bản, khúc triết và dễ hiểu. Đây cũng là một tố chất để có thể yên tâm bước vào nghề.
Em có sự tự tin rất lớn về bản thân và biết rất rõ mình muốn gì. Đây là điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu của em. Trong toàn bài, hình như em chưa có lúc nào để cho mình một khoảng lặng, để tự đánh giá, gọi tên những mặt hạn chế của mình. Hoặc xoay lật vấn đề, mình còn thiếu gì so với những yêu cầu của nghề, mình còn cần trau dồi thêm những gì để có thể thành công như mình đã đặt ra.
Làm nghề PR cần mềm mại, linh hoạt, và nói nhiều chưa hẳn đã là một hình ảnh của một PR khôn khéo.
TSKH Đinh Thúy Hằng, Trưởng khoa Quan hệ công chúng, Học viện Báo chí Tuyên truyền:
Em có thế mạnh làm công tác Đoàn, chắc chắn hoạt động năng nổ, tự tin trong giao tiếp. Có thể đó là một lợi thế khi đi theo nghề PR.
Tuy nhiên, hình dung về nghề của em vẫn còn phiến diện, chưa đủ sâu. Em mới chỉ liên hệ nghề PR với hình ảnh sau này mình sẽ làm phát ngôn viên của một cơ quan nào đó… Hình như em chưa bỏ thời gian để tìm hiểu thật kỹ những môi trường nghề nghiệp, những đòi hỏi của nghề…
Một phần về PR là ngành mới, một phần điều này cũng chứng tỏ các em học sinh còn hiểu rất ít về ngành nghề mình chọn. Đa phần các em vẫn chỉ chọn theo cảm tính.
Em nói khá nhiều về bản thân, nhưng vẫn chưa đủ dữ liệu để đánh giá, nhận xét. Em chưa cho biết về học lực, về các tố chất khác, ngoài khả năng quan hệ để có thể đưa ra một kết luận chính xác hơn.
Khoa Quan hệ công chúng, Học viện Báo chí Tuyên truyền ra đời từ năm ngoái, thi khối D với môn Ngoại ngữ hệ số 2. Năm ngoái, điểm tuyển đầu vào của khoa này cao nhất trường.
Em có thể dành thời gian tìm hiểu thêm về nghề, dựa trên báo chí, website của trường www.ajc.edu.vn. Chúc em thành công.
(Nguồn: tuvanhuongnghiep.vn)