Từ bỏ công việc với mức lương ổn định, chàng trai có “máu liều” ngày nào nay đã trở thành “ông vua” sáng chế hàng trăm thứ máy móc cho bà con nông dân Việt và các nước bạn Lào, Campuchia…
“Người dân cắt lúa bằng tay rồi đập vào đá, trồng cây cứ con trâu đi trước cái cày theo sau mà năng suất lao động không cao. Khi đó tôi trăn trở lắm, làm thế nào để nâng cao sinh kế phù hợp với bà con đây?” – NGUYỄN HẢI CHÂU |
“Tôi rất cảm ơn nhà sáng chế Nguyễn Hải Châu giúp bà con nông dân chúng tôi đỡ vất vả, giảm được thời gian lao động, giảm chi phí giá thành, sản phẩm làm ra đảm bảo vệ sinh, đáp ứng yêu cầu về thực phẩm sạch”.
Đó là những chia sẻ của nông dân Nguyễn Văn Hưng khi sử dụng sản phẩm máy băm nghiền đa năng 3A của nhà sáng chế Nguyễn Hải Châu, sinh năm 1969, quê ở Hà Nội, giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Tuấn Tú.
Không dám nhận 
danh “vua”
Bà con ưu ái phong ông Châu là “vua sáng chế” khi nhắc đến hàng trăm sản phẩm máy móc nông nghiệp do chính tay ông làm ra, tuy nhiên ông chỉ mỉm cười mà rằng: “Tôi không dám nhận mình là vua sáng chế, chỉ dám nhận là nhà sáng chế thôi. Các sáng chế của tôi đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng chứng nhận. Nước mình có nhiều nhà sáng chế lắm mà vua thì chỉ có một, tôi lại chưa tham dự 
cuộc thi vua nào cả”.
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh xưởng, ông Châu chỉ tay vào từng thứ máy móc trong xưởng: “Cái này để thái chuối, băm ớt, cái kia để tách áo ngô, xay cá…”. Đơn giản và tiện dụng cho nông dân, đó là tiêu chí đầu tiên ông Châu kể đến trong các sáng chế máy móc của mình.
Ông nói có những chiếc máy ra đời nhờ bà con gợi ý đặt hàng. Đơn giản là thế nhưng mỗi sản phẩm của kỹ sư Châu làm ra có sức ảnh hưởng rất lớn đến lao động, giúp người dân giảm thời gian, giảm chi phí, tăng năng suất.
Vì vậy chỉ sau vài tháng tung ra thị trường, một sáng chế của ông sẽ có mặt trên 40 đại lý ở 40 tỉnh, thành khắp cả nước. Không chỉ vậy, các sản phẩm máy móc nông nghiệp của ông còn có mặt ở Lào, Campuchia…
Học một đằng làm một nẻo
Để có doanh thu 2 – 3 tỉ đồng/tháng như hiện nay, ít ai biết được ông Châu trước đó đã… liều từ bỏ công việc với một mức lương ổn định của mình.
Tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin Trường đại học Mở Hà Nội, Châu đầu quân về làm cán bộ dự án phát triển nông thôn vùng cao của một tổ chức phi chính phủ. Đặt chân đến mảnh đất Lạng Sơn, cùng ăn cùng ở và làm việc với bà con, ông thấy công cụ lao động của bà con rất lạc hậu.
“Người dân cắt lúa bằng tay rồi đập vào đá, trồng cây cứ con trâu đi trước cái cày theo sau mà năng suất lao động không cao. Khi đó tôi trăn trở lắm, làm thế nào để nâng cao sinh kế phù hợp với bà con đây?”, ông Châu kể lại.
Ý tưởng tạo ra máy móc giúp bà con có công cụ lao động thích hợp bỗng lóe ra trong đầu Châu, khiến ông rời bỏ công ty để dành hết thời gian cho sáng chế, dù lúc mày mò ban đầu chưa được sản phẩm nào” – Châu nói.
Nhiều lần thất bại nhưng không bỏ cuộc, sau nhiều năm trời sản phẩm đầu tiên của Châu đã ra đời có tên gọi máy băm nghiền đa năng 3A với các tính năng băm nhỏ, nghiền nát và nghiền bột có giá 6 triệu đồng. Chiếc máy đầu tiên ra đời song ông lại gặp phải trở ngại lớn: giá thành máy quá cao, bà con bảo “đắt quá 
không mua được”.
Để giải quyết bài toán giá cả, ông Châu lặn lội đến từng gia đình, ký gửi máy băm nghiền của mình cho bà con dùng thử. “Bà con dùng thử thấy hay, người nọ bảo người kia đến mua máy, tôi mừng lắm” – ông Châu hồ hởi khoe.
Thời điểm đó khó khăn nhất đối với ông là vấn đề thương mại hóa sản phẩm. Ông chia sẻ sáng chế đã khó nhưng biến máy móc của mình làm ra thành sản phẩm thương mại còn khó hơn vì phải phụ thuộc vào pháp lý, tiêu chuẩn chất lượng. Không ngại khó, kỹ sư Châu đã tự mày mò học marketing online, tự quay, tự chụp lại những đánh giá của khách hàng trực tiếp sử dụng sản phẩm của mình để quảng bá đến mọi người.
Đến nay, qua bốn năm bén duyên với việc sáng chế máy móc, trên thị trường đã có hàng trăm sản phẩm do chính tay Nguyễn Hải Châu làm ra từ máy băm rơm, cắt cỏ, nghiền ngô, bột cám… được đông đảo bà con nông dân đón nhận.
Sáng chế mới cho ngư dân Trong những sáng chế của kỹ sư Châu, chúng tôi khá ấn tượng với một loại máy móc đang trong quá trình hoàn thiện. Hỏi ra mới biết đó là sáng chế mới của ông với tên gọi máy sấy đa năng 3A. Sau một thời gian lặn lội đến sống với bà con ngư dân miền Trung, xem họ phơi cá thế nào, xử lý ra sao, ông Châu đã tự tìm hiểu và mày mò sáng chế máy sấy khô các nguyên liệu nông sản – thủy sản – thực phẩm. “Sắp tới tôi sẽ đưa ra thị trường sản phẩm máy sấy này, hi vọng đáp ứng được nhu cầu của bà con, nhất là bà con đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Trời mưa, trời nắng bất chợt, người dân phơi cá, phơi mực ngoài trời bị ruồi bọ, bụi bẩn nên sản phẩm máy sấy rất cần thiết. Trước kia cá đánh bắt về còn bán được, nay không thể bán để kiếm thu nhập. Vì thế tôi đặt ra bài toán làm thế nào sấy hải sản cho bà con có nguồn thu, sấy xong còn có thể đem nghiền thành bột cá để bán hoặc dự trữ cho vật nuôi ăn” – ông Châu nói. Hỏi về điểm đặc biệt của máy sấy đa năng 3A so với các loại máy sấy khác trên thị trường, ông Châu quả quyết sản phẩm sử dụng khí nóng sạch dù có đốt bất kỳ nhiên liệu gì đi chăng nữa. “Khí nóng đưa vào buồng sấy được đốt bằng củi, than, trấu lọc thông qua hệ thống ống dẫn nên đảm bảo sạch. Chỉ với việc nguồn điện gia đình 220V, cộng với các nguyên liệu dễ kiếm, bà con sử dụng thiết bị sấy này phù hợp trong gia đình cũng như các cơ sở chế biến hải sản nhỏ. Nhiệt độ sấy trong đó mình tự điều chỉnh được nên sản phẩm sẽ ngon hơn, sạch hơn. Tôi dự tính sản xuất hàng loạt để giảm giá thành cho bà con” – ông Châu cho biết và tin tưởng sản phẩm sau khi tung ra thị trường sẽ giải quyết được một phần khó khăn cho ngư dân bốn tỉnh miền Trung. Với những đóng góp lớn trong việc sáng chế máy móc, năm 2015 Nguyễn Hải Châu đã vinh dự nhận kỷ niệm chương của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng. |
Theo: HÀ THANH (Nhipsongtre/TTO)