(Hiếu học). Theo học các khóa tập huấn “kỹ năng xã hội”, thực hành kỹ năng mềm, kỹ năng sống gì gì đó; rồi nhờ thông qua các trò chơi để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, tiến đến là trau dồi các kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, sáng tạo, giải quyết vấn đề, ra kế hoạch, quản lý, lãnh đạo…
Ái chà! Quá trời trời những kỹ nãng hay ho giúp mọi người đi đến thành công. Nhưng vấn đề là hiệu quả của các trường, các khóa tổ chức dạy rèn thực hành “kỹ nãng xã hội” này như thế nào? Các hội trại sẽ dạy mọi người kỹ năng trở thành lãnh đạo hay chỉ là những kỹ năng “quét nhà, rửa chén!”? Vả lại, cho dù là có học được kỹ năng “sống sót” một mình trong rừng sâu núi thẳm đi chãng nữa thì phỏng ích gì nếu bạn không hiểm nguy trong núi thẳm rừng sâu? Lãnh đạo ai khi chưa có thể có một nghề nghiệp vững vàng? Thuyết trình cái gì nếu không có vốn tri thức nhất định trước đã! (Muốn nói Văn – Sử – Địa thì phải có cái học, cái biết về Văn – Sử – Địa, muốn nói về sửa xe thì ít nhất cũng phải có cái biết của … thợ sửa xe!).
Vì thế, kỹ năng thực hành xã hội (hoặc gọi là kỹ năng sống, kỹ năng mềm) tuy là cần thiết, cần phải học, nhưng các bạn trẻ nên xác định rõ mục tiêu nào là thực tế nhất, cấp thiết nhất để ưu tiên hoàn thành. Mục tiêu đó chính là nghề nghiệp phù hợp với sở trường, phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của mình. Đó là ngành nghề mà mình có thể học, có thể làm tốt nhất theo khả năng (không phân biệt nghề sang hay hèn, nghề cao hay thấp và nếu biết yêu thích nghề thì lại càng tốt nữa).
Vậy, nghề nghiệp chính là kiến thức cần phải học. Kiến thức này khởi đầu từ nhỏ là học chữ nghĩa, rồi cái học cũng có thể là lái máy bay, là sửa xe, là bác sĩ, là trồng cây…Bạn có thể học và dù học gì cũng có rất nhiều nguồn để bạn học. Bạn chỉ nên nhớ rằng: Cố gắng sớm hoàn thành cho có nghề nghiệp vững vàng. Đừng vớ vẩn như là: “Kiến thức mênh mông, học cả đời…không hết!” Rất tiếc, trong thời đại “cơm, áo, gạo, tiền” này, cho dù bạn chỉ cần “cơm nguội, tương rau qua ngày” thôi, thì cũng e rằng chẳng có ai nuôi bạn, để bạn rảnh rang học, rủ rải học, tà tà học … cả đời.
Tóm lại, có tinh thần hiếu học, tự học để trau dồi nhân cách con người. Học để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Biết thích nghi, không sợ hãi và có lòng tự trọng là cái học cần duy trì suốt cả cuộc đời. Bên cạnh đó, mục tiêu học kiến thức (để có một nghề nghiệp) là kỹ năng cấp thiết nhất ngaylúc này. Ngoài ra, những kỹ năng như: Kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình, kế hoạch, quản lý, lãnh đạo… tuy là những kỹ năng xã hội thực hành cần thiết, nhưng thật ra chúng cũng chỉ là một loại “kiến thức” hổ trợ cho một số nghề nghiệp nào đó để có thể đi đến thành công mà thôi. Vả lại, bạn vẫn có thể tự học để hoàn thiện mình, để gây dựng vốn sống xã hội cho mình ngay trong các ứng dụng hàng ngày, ngay trong quan hệ đối xử giữa bạn với mọi người chung quanh.
Dấn thân, trãi nghiệm… không phải là hô hào kỹ năng này, kỹ năng kia. Lại càng không phải và không nên đòi cha mẹ cho tiền đóng phí để tham dự trại này, trại nọ. Kỹ năng thực hành xã hội tuy cần, nhưng học “kiến thức” để chắc chắn có một nghề nghiệp cụ thể thì thực tế và cần thiết hơn nhiều.
Chúc các bạn luôn vui – khỏe và may mắn.
Văn Hoàng Chương (hieuhoc_hieuhoc.com).