Bí mật thứ 2 trong thương thảo về lương
Mục đích của việc làm này là khám phá mức cao nhất mà người chủ vui lòng trả cho bạn
Việc thương lượng này sẽ chẳng bao giờ diễn ra nếu các ông chủ trong tất cả những buổi phỏng vấn tuyển dụng đều nói ngay từ đầu mức cao nhất họ có thể trả cho một vị trí. Một số người làm như vậy, như tôi đã đề cập ở trên và không có chuyện trao đổi qua lại về tiền nong. Nhưng tất nhiên, đa số không làm thế với hi vọng họ có thể trả cho bạn càng ít càng tốt. Việc này tạo ra một khoảng dao động. Và khoảng dao động này chính là bản chất của việc thương thảo về lương.
Ví dụ, nếu người ta muốn tuyển một người không quá 12 đồng/giờ, họ có thể đưa ra mức giá 8 đồng. Trong trường hợp này sẽ có sự cò cưa giữa 8 và 12. Thế thì tạo sao bạn không chuẩn bị cho việc thương lượng. Bởi vì khi khoảng này được đặt ra có nghĩa là bạn có quyền khám phá xem mức lương cao nhất là người ta có thể trả cho công việc này và cho bạn là bao nhiêu.
Mục đích của người chủ là tiết kiệm tiền bỏ ra, trong mức cho phép. Mục đích của bạn là mang về nhà cho cha mẹ hoặc bạn đời số tiền cao nhất cho sức lực mà mình bỏ ra. Chẳng có gì là sai trong mục đích của 2 bên. Điều đó chỉ có nghĩa rằng, khi nhà tuyển dụng bắt đầu bằng con số thấp, cuộc thương lượng diễn ra đúng cách và như được chờ đợi.
Bí mật thứ 3 trong thương thảo về lương
Trong quá trình thảo luận, đừng bao giờ là người đầu tiên đưa ra một con số.
Trong suốt quá trình phỏng vấn, việc thương thảo về lương thường nằm ở giai đoạn cuối. Đó là lúc bạn muốn nhà tuyển dụng đưa ra một con số, nếu có thể.
Không ai biết lý do tại sao, nhưng sau nhiều năm quan sát cuộc giằng co giữa 2 bên – nơi các mục đích của 2 bên trái ngược nhau, chúng tôi rút ra 1 điều rằng bên nào đưa ra mức lương trước bên ấy thường thua thiệt. Bạn có thể suy đoán từ đầu đến cuối để thấy rõ lý do và tất cả chúng ta đều biết đó là cái gì.
Một nhà tuyển dụng ít kinh nghiệm thường không biết quy luật quanh co này. Những người có kinh nghiệm thì nhận ra ngay điều ấy, đó là lý do tại sao bao giờ họ cũng ném bóng cho bạn, với 1 câu hỏi ngây thơ nhất trần đời rằng: “Anh/chị mong muốn nhận được mức lương như thế nào?” Chà, họ mới tử tế làm sao khi hỏi mình muốn bao nhiêu – bạn có thể nghĩ như thế. Nhưng không đâu, lòng tốt chẳng có liên quan gì ở đây cả. Họ hi vọng bạn sẽ là người đầu tiên nên ra con số, bởi vì theo kinh nghiệm, họ biết 1 sự thực rằng, ai đưa ra đề xuất đầu tiên, cuối cùng sẽ là người chịu thiệt thòi.
Vì vậy, nếu họ đặt ra câu hỏi đó, bạn cần tung ra “đòn” này: “Trong chuyện này, ông/bà là người hiểu rõ yêu cầu công việc, vì thế chắc ông/bà đã có 1 con số nào đó trong đầu, tôi cũng muốn biết mức ông/bà đề nghị là bao nhiêu”.
Richard Nelson Bolles
(Trích Chương 7, Phần I sách: Kinh thánh cho người tìm việc – Cây dù của bạn màu gì?, Nxb. Trẻ, 2008 )
(Còn tiếp)