27,5 điểm là thành tích cô thủ khoa khối C toàn quốc Vũ Thu Thảo đạt được trong kỳ thi đại học 2010. Không đi “lò luyện”, thường xuyên giúp đỡ bố mẹ việc nhà. Nhân kỳ thì 2011 sắp tới, cô gái được mệnh danh là “thần đồng sử học” chia sẽ bí quyết để đạt điểm cao.
Luôn lên kế hoạch
Thảo quê ở Thái Bình, bố mẹ em là nông dân. Để có nhiều thời gian giúp bố mẹ và học ôn hiệu quả, Thảo luôn chủ động đặt thời gian biểu cụ thể cho từng ngày. “Việc hôm nay chớ để ngày mai” chính tư duy này là động lực giúp em nghiêm khắc làm đúng kế hoạch đề ra.
Một ngày, Thảo học đồng thời cả ba môn thi: sáng học Văn, chiều học Địa và tối học Sử. “Mỗi ngày nên học một vấn đề, ngày hôm sau dành thời gian ôn lại để biết mình nắm được đến đâu và chuyển sang vấn đề khác” em chia sẻ.
Ngày chủ nhật của mỗi tuần, em hệ thống lại những vấn đề mình đã học được trong cả tuần. Đối chiếu với bản kế hoạch đề ra, nếu chậm hơn dự kiến Thảo sẽ tăng tốc trong tuần sau.
Thảo cho biết nếu có học bận rộn đến đâu em cũng không bao giờ bỏ ngủ trưa. Nhờ nó mà em giữ được sự thoải mái, tỉnh táo cho những giờ học tiếp vào buổi chiều và tối.
Khối C, càng viết nhiều càng nhận ra ưu điểm và hạn chế của mình. Vì thế, song hành với ôn kiến thức Thảo rất chăm chỉ viết và làm bài tập trong sách giáo khoa. Mục tiêu mỗi ngày viết một bài Văn, 2 ngày một bài Sử là bí quyết mà cô bé này thực hiện.
Mỗi khi thầy cô ra đề, tự mình vạch ý chính, so sánh với ý thầy cô chữa thì kiến thức nhớ nhanh hơn. Thường thì các bạn luôn nghĩ, học thuộc ý thầy cô cho ghi là đủ, nhưng thụ động như thế, rất nhanh quên. Nên biến cái của thầy cô thành của mình bằng cách diễn đạt lại theo ý hiểu của bản thân.
Cả ba môn thi, Thảo luôn vạch ý trước khi viết bài. “khối C chấm thi theo ý nên gạch ý là rất cần thiết, nó làm mình không sót ý và bài viết chặt chẽ hơn”.
Luôn chuẩn bị bài trước ở nhà, hăng hái phát biểu và bày tỏ chỗ mình chưa hiểu là cách để hiểu kỹ vấn đề của Thảo. Như vậy, một bài đã được học 2 lần trước khi ôn. Em khẳng định “Càng không hiểu, em càng hăng hái phát biểu, chỉ khi nói ra mình mới diễn đạt được cái mình nghĩ”.
Mỗi môn ôn một kiểu
Muốn học sử tốt, theo Thảo cần phải có đam mê và dành nhiều thời gian cho nó. Sau bài học, em luôn dành thời gian đọc thêm tài liệu liên quan đến bài học, tập hợp lại các ý được trình bày trong sách giáo khoa theo cách của mình. Ví dụ, cao trào 1930_1931, có nguyên nhân, lực lượng tham gia, diễn biến, thành quả, cách thức tổ chức,…
Học nhóm là phương pháp tốt giúp Thảo nhớ lâu các sự kiện. Khi ra chơi, hay trong giờ trống, các bạn ngồi quay quần lại với nhau, người cầm sách hỏi, người trả lời, kiểm tra chéo cho nhau. Đôi khi cũng chỉ bất chợt nhớ ngày tháng, Thảo lại đố bạn để nhớ lại sự kiện diễn ra trong ngày đó. Với các giai đoạn lịch sử, cần so sánh với nhau để thấy được sự phát triển của chiến tranh và nhận ra nét đặc trưng nổi bật của giai đoạn đó.
Kiến thức nền chắc nhưng để làm bài được điểm caokhông hề đơn giản. Thảo cho hay, câu hỏi Sử đòi hỏi suy luận nhiều. Tuy nhiên, không phải đề hỏi gì trả lời nấy mà cần biết dẫn dắt vấn đề.
Một bài Sử cần có cả: mở đề, triển khai và kết thúc vấn đề.Trong bài mỗi ý đưa vào một đoạn, các đoạn nên cách lề sâu hơn để bài viết rõ ràng và người chấm dễ dàng nhận ra.
Một mẹo nhỏ, đó là với phần mở đề, bạn có thể học thuộc câu nhận định, đánh giá nổi tiếng về sự kiện cần trình bày. Như vậy, vừa gây ấn tượng tốt với người chấm lại cho thấy bạn hiểu sâu vấn đề.
“Văn ôn võ luyện”, môn Văn đòi hỏi phải viết nhiều, viết đi viết lại. Thường thì, mở đề là phần “ai cũng ngại, và không biết làm thế nào” nhưng Thảo không hoa mỹ mà mở bài trực tiếp. Vừa đúng lại không lan man. Đối với thân bài, Thảo thường gạch ý, thấy ý nào khó em mới viết thành đoạn văn. Theo em, chú trọng đến cấu trúc đề thi và học theo các dạng bài rất cần thiết. Làm nhiều mình sẽ quen, quen rồi sẽ không thấy bỡ ngỡ khi vào phòng thi.
Địa lýôn theo chương và nên rèn kỹ năng vẽ biểu đồ thật nhiều. Tránh nhầm lẫn và “mất trắng điểm” ở câu này. Mỗi dạng biểu đồ đều có từ khóa để nhận diện. Ví dụ: cơ cấu sẽ là biểu đồ tròn, sự chuyển dịch cơ cấu là miền, … Thảo đánh giá cao kiến thức trong sách giáo khoa nên bài thực hành về biểu đồ em luôn làm cẩn thận.
Muốn giành tối đa điểm thì kỹ năng nhận xét khá quan trọng. Trước hết phảinhận xét tổng thể, bao quát rồi tùy theo yêu cầu của đề mà làm rõ câu hỏi. Giữa các năm cần so sánh đối chiếu để thấy sự thay đổi.
Thời gian cũng rất quan trọng khi làm bài. Theo Thảo, nên phân bổ thời gian hợp lý cho từng câu, tránh sa đà vào một câu mà không còn thời gian cho câu khác.
Những kinh nghiệm của cô thủ khoa này hi vọng sẽ giúp đỡ các thí sinh đang chuẩn bị bước vào hai kỳ thi quan trọng: tốt nghiệp và đại học.
Theo: (Tamnhin)