Cũng có lúc gặp không ít tai họa nhưng người thầy vẫn có thể nén lại, nuốt vào trong những cay đắng ưu phiền, dũng cảm vượt qua, bỏ lại sau lưng tất cả để mỗi khi bước vào lớp có thể nở nụ cười.
Có người cho rằng trongxã hội hiện đại, nghề giáo không còn là nghề vinh quang nữa. Đã có quá nhiều tai tiếng hệ lụy cho cái nghề được xã hội luôn để mắt tới này. Không ít thầy cô buộc phải từ bỏ bục giảng vì trong một lúc yếu đuối đã không giữ được mình. Riêng tôi thấy mỗi năm qua đi có hàng ngàn nghề sản sinh và hàng trăm nghề mất đi trên thế giới. Duy chỉ có nghề dạy học là vĩnh cửu. Loài người sẽ chẳng bao giờ tiến lên phía trước một bước nếu không có sự tồn tại của nghề dạy học.
Âm thầm lao động, nhiệt tình cống hiến
Tất nhiên, trong xã hội của chúng ta, nghề nào cũng được quý trọng bởi nó đều làm ra các giá trị vật chất hay tinh thần phục vụ cho lợi ích của con người. Chúng ta tôn trọng tất cả các nghề, đồng thời cũng rất kiêu hãnh tự hào về nghề dạy học. Thực trạng xã hội hiện đại trong cái thế giới phẳng này đã khiến cho các thang giá trị biến đổi, kéo theo cách nhìn nhận về nghề giáo cũng biến đổi theo nhiều chiều kích khác nhau. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những gì mà nghề này mang lại kể từ khi xã hội loài người hình thành và phát triển. Thử hình dung ở một nơi nào đó, chỉ một ngày thôi, hoạt động dạy học ngừng lại, xã hội sẽ bị tác động thế nào.
Dạy học là một nghề hội tụ tất cả vẻ đẹp của các ngành nghề khác. Thầy giáo là người trồng “hoa”, chăm “cây”, ươm những mầm xanh tương lai cho đất nước, chăm những nụ hoa làm đẹp cho đời. Thầy giáo vừa là người kỹ sư chuyên chú xây đắp tâm hồn trẻ thơ vừa là người nghệ sĩ thầm lặng mà họa hoằn lắm mới nghe được những tràng pháo tay từ khán thính giả của mình. Thầy giáo cũng là người cha người mẹ chăm chút từng tí từng li, không ngừng dõi theo sự trưởng thành của những đứa con – học sinh mà chẳng mong chờ nhận được tình cảm yêu thương từ chúng. Họ cứ âm thầm lao động, nhiệt tình cống hiến bởi luôn tìm thấy niềm vui trong chính tâm hồn mình, từ sự nhận thức đúng đắn về sứ mệnh thiêng liêng cao cả của mình.
Sứ mệnh nhọc nhằn nhưng thiêng liêng
Còn những ràng buộc, cám dỗ hằng ngày hằng giờ có thể biến thầy cô giáo thành “miếng mồi” của những trò đùa được bày bố cài đặt, thậm chí bị biến thành “món hàng” để làm cầu nối mua vui, tạo lập quan hệ như trường hợp các cô giáo ở Hà Tĩnh “được” cấp trên điều đi tiếp khách như những ngày qua, nhất thiết không thể là bức tranh chung để rồi cho rằng nghề dạy học đã hết thời và không còn là nghề cao quý nữa.
Bởi người thầy không chỉ là người truyền dạy kiến thức, kỹ năng mà còn phải giáo dục đạo đức, giúp người học xác định thái độ đúng đắn trong các mối quan hệ. Thế hệ trẻ ngày nay rất năng động, tiếp xúc rất nhanh với thế giới tri thức bên ngoài nhà trường. Các em đến lớp với bao ý nghĩ mong muốn tốt đẹp trong đầu. Nhiều em rất say mê tìm hiểu vànghiên cứu khoa học, có ý thức rõ ràng về ngày mai nhưng đồng thời cũng vô tư tiếp nhận cùng lúc các thể loại thông tin nguy hại khác. Vì vậy, người thầy phải có trách nhiệm nâng cánh cho ước mơ các em, thu hút sự chú ý học tập của các em trong từng giờ lên lớp kết hợp với định hướng giáo dục đạo đức cho các em.
Sự chểnh mảng trong học tập, thiếu hụt về kiến thức và sự phiến diện về tư tưởng, méo mó trong tâm hồn, nhân cách của các em chắc chắn một phần do các thầy cô giáo chưaquan tâm đúng mứcđến các em. Đó là sứ mệnh thiêng liêng nhưng rất đỗi nhọc nhằn mà bất kỳ ai làm nghề dạy học đều phải gánh lấy. Đừng ngạc nhiên hay vì thế mà đổ lỗi cho ai. Chân lý sẽ trở thành trò đùa, đạo đức sẽ trở thành những điều nhạo báng nếu như người dạy tỏ ra kém cỏi về tri thức, lạc hậu về phương cách hay vụng về trong nghệ thuật xử lý tình huống làm mất đi niềm tin trong tâm hồn trong sáng của các em…
Vì thế, các thầy cô giáo, dù trước mắt còn thiếu thốn trăm bề vẫn nhẫn nại sống và bền lòng vượt qua như những ngày dài họ đã yêu đến vô cùng nghề dạy học. Họ tiếp tục làm con tằm rút ruột nhả tơ để dệt cho đời những tấm thảm tri thức bằng đường tơ lấp lánh. Họ vẫn như những chiến binh thầm lặng quả cảm từng ngày kiên nhẫn giữ lấy trọng trách mà xã hội giao phó, không hề muốn nhận lại sự dằn hắt coi thường của bất kỳ ai. Trong chúng tôi vẫn lưu giữ một niềm tin: Nhất định vinh quang luôn song hành cùng nghề dạy học – một nghề rất đỗi nhọc nhằn nhưng cao quý!
Rèn tài, luyện đức
Xã hội đòi hỏi rất cao, yêu cầu rất nghiêm khắc đối với nghề dạy học. Càng ngày, mỗi người thầy cần phải đáp ứng càng cao nhu cầu nhiều mặt của quá trình đào tạo. Người thầy trong cuộc sống hiện đại không chỉ phải có kiến thức ở một lĩnh vực mà nhiều lĩnh vực. Không chỉ cần có lập trường khoa học vững vàng mà còn có tài năng sư phạm, đạo đức trong sáng cùng nghệ thuật linh hoạt trong vận dụng phương pháp dạy học, kể cả việc xử lý các tình huống mà cuộc sống luôn thử thách.
Dương Thanh Huyền (Giaoduc/NLD)