Nhiều bạn lệ thuộc vào các thầy cô giáo, vào sách vở quá nhiều. Đừng nghĩ cứ ôm khư khư quyển sách hoặc là đi học thêm triền miên mới là học.Thật ra, chơi thể thao, đi dã ngoại… cũng là một hình thức học
Đang học lớp 10 trường Amsterdam, Hà Nội, Trịnh Đức Minh nhận được học bổng của một trường trung học ở Singapore. Mới đây, Đức Minh lại tiếp tục được Đại học Harvard (Mỹ) trao học bổng toàn phần. Cậu học trò có đôi mắt rất sáng này chia sẻ: “Chỉ có kiến thức thôi thì chưa đủ để thành người tài”.
Em không biết “cày” là gì
Nhiều học sinh Việt Nam kểrằng phải học ngày học đêm mới có được kết quả tốt. Chắc Minh phải “cày” ghê lắm?
Em không biết “cày” là gì. Ở trường em, chương trình học chỉ có 6 môn. Mỗi ngày chỉ học có 4 tiết. Ngoài giờ học, bọn em có khá nhiều thời gian để chơi thể thao, đi dã ngoại, tham gia các hoạt động ngoại khóa. Không hề có chuyện đi học thêm. Buổi tối cũng không phải học hùng hục. Em vẫn có thời gian để chơi game, đọc sách…
Vậy làm thế nào mà Minh vượt qua được tất cả các kỳ thi?
Quan điểm này e rằng sẽ vấp phải sự phản đối của nhiều người đấy?
Ngày xưa, hồi học ở Việt Nam em cũng không hay đi học thêm, chỉ họcở trên lớp. Nói thật là em phát hoảng khi thấy nhiều bạn sáng, trưa, chiều, tối, lúc nào cũng học. Kiểu học ấy chính là hậu quả của sự tự ti và chịu áp lực quá lớn từ sự thành công, sự kỳ vọng của bố mẹ. Các bạn ấy luôn cho rằng kiến thức ở trên lớp là chưa đủ vì thế phải lao đầu vào học. Em có cảm giác là tuổi thơ của nhiều bạn đã bị bóp méo.
Ý em là chưa biết cách học?
Nhiều bạn bị lệ thuộc vào các thầy cô giáo, vào sách vở quá nhiều. Đừng nghĩ cứ ôm khư khư quyển sách hoặc là đi học thêm triền miên mới là học. Thật ra, chơi thể thao, đi dã ngoại… cũng là một hình thức học.
Em thấy ở Việt Nam mình chưa có thói quen tự học. Tuy là học ở Singapore, nhưng bọn em vẫn bắt buộc phải học văn học Việt Nam. Bọn em sẽ đăng ký tác phẩm để nhà trường làm đề thi. Còn việc chọn tác phẩm nào, tìm tài liệu đến việc học thế nào thì hoàn toàn bọn em phải tự tìm hiểu. Điều nữa em nhận thấy là ở nước mình, học vẫn thiên về kiến thức sách vở. Việc đánh giá một học sinh giỏi chủ yếu phụ thuộc vào điểm số, chưa chú ý đến các kỹ năng mềm. Thành ra học nhiều mà vẫn thiếu.
Theo em thì thiếu ở chỗ nào?
Em nói có khi chị không tin, chứ hầu hết các trường đại học nổi tiếng trên thế giới, khi xét hồ sơ, ngoài kiến thức, họ chú ý rất nhiều đến quá trình trưởng thành, sự hình thành nhân cách và các kỹ năng sống của người nộp hồ sơ. Đừng nghĩ chỉ cần có nhiều kiến thức là đủ.
Em ngạc nhiên khi thấy nhiều anh chị sinh viên năm cuối ở nước mình, ngoài việc học ra thì chả biết cái gì, không tự thực hiện nổi một kế hoạch, cũng không thể tự mình đưa ra các quyết định. Trong khi đó, ở nhiều nước, một học sinh cấp III hoàn toàn có thể tự lên kế hoạch và tổ chức thành công một sự kiện. Các bạn ấy hoàn toàn có thể làm chủ được bản thân và tự đưa ra các quyết định cho chính mình.
Người trẻ cũng cần mạo hiểm
Nhưng khi là người trẻ, việc tự đưa ra các quyết định đôi khi lại là một sự mạo hiểm?
Em lại nghĩ đối với người trẻ sự mạo hiểm cũng tốt.
Em đã bao giờ mạo hiểm chưa mà nói thế?
Nhiều là khác. Em học xong lớp 10 mới đi Singapore. Song, trường đó mới thành lập nên chỉ có cấp II, thành ra bọn em phải học lại lớp 9. Lúc trường mở cấp III, bọn em được quyền chọn hoặc học lớp 10, hoặc nhảy cóc lên lớp 11. Em đã chọn nhảy cóc. Một trường hợp khác, khi trường đề nghị bọn em đi tình nguyện, cả nhóm đã quyết định chọn một ngôi làng ở một nơi rất xa xôi. Em thấy ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều bạn học sinh vừa học vừa đi kinh doanh. Đấy cũng là một việc làm mạo hiểm.
Những mạo hiểm ấy có đem lại điều tốt không?
Nếu em không nhảy cóc, thì em đã mất thêm một năm học nữa. Nếu không đến một nơi xa xôi, em sẽ không biết là mình có thể đi đến những những vùng đất rất xa lạ. Còn việc kinh doanh thì tại sao lại coi đó là điều xấu? Chỉ cần không ảnh hưởng tới việc học thì tại sao không để bọn em làm. Đó là một cách để thể hiện bản thân và học thêm những điều mới từ cuộc sống.
Nhưng cũng sẽ có những thất bại?
Nếu cảm thấy mình đủ sức làm thì tại sao lại không thử. Nếu chỉ ngồi ở xó nhà và run sợ thì sẽ không bao giờ thấy được thế giới rộng lớn đến mức nào. Mà ngay cả thất bại thì cũng là điều tốt chứ. Mình sẽ lớn lên từ những thất bại ấy.
Đặt nhầm giá trị
Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ Việt Nam sính “ngoại”, mặc đồ ngoại, hát nhạc ngoại, ăn đồ ngoại… Em có nghĩ điều này có phù hợp với học sinh của Việt Nam không?
Ăn, mặc thế nào là sở thích của mỗi người. Em nghĩ đấy là tự do cá nhân cần được tôn trọng. Có điều, em thấy một số trường hợp nhiều bạn đã hiểu nhầm khái niệm tự do. Bạn có thể mặc một chiếc váy hở vai để đi chơi, nhưng có lẽ là không nên mặc như thế để đến trường. Có bạn học sinh còn tập tành hút thuốc, uống rượu và cho đó là sự tự do. Em nghĩ điều quan trọng là đừng nhầm lẫn giữa các giá trị.
Hiện nay, có rất nhiều học sinh, sinh viên đi tình nguyện. Những việc làm rấtđáng trân trọng. Nhưng một số bạn lại đi làm tình nguyện để mong có được bằng khen hoặc có thêm một vài điểm thành tích. Đó cũng là việc làm không đúng giá trị.
Như thế nào mới là đúng giá trị?
Hãy làm việc đó từ chính trái tim mình. Trước đây, em cũng không nghĩ được nhiều về điều này. Nhưng năm 2008, trong lần nghỉhè về nước, em có cùng đoàn tình nguyệnđến trại phong ở Sóc Sơn. Mọi người trong đoàn đều làm việc một cách rất thầm lặng. Họ đã cho em bài học về tình người và nhân cách sống. Lúc ấy em hiểu ra rằng, phải coi niềm vui của người khác là niềm vui của mình, đấy mới là giá trị thật. Chuyến đi cũng làm em thay đổi nhiều trong cách suy nghĩ. Trước đây em nghĩ ở đâu tốt cho cá nhân mình thì mình sẽ tới. Nhưng giờ em lại nghĩ, sau khi ra trường ở đâu cần thì mình sẽ tới.
Nói thế nghĩa là sau này, khi ra trường chưa chắc em đã quay về Việt Nam làm việc?
Em chưa nghĩ xa xôi đến thế. Nhưng em nghĩ đơn giản rằng, mình sống ở đâu thì cũng là cống hiến. Ở nơi nào mà em thấy mình phát huy được hết khả năng để cống hiến thì em sẽ ở đó. Có thể sẽ là một đất nước phát triển như Mỹ, Anh, nhưng cũng có thể là về Việt Nam, hoặc tới một đất nước nghèo khó nào đó ở châu Phi chẳng hạn.
Cảm ơn em về buổi trò chuyện.
Trịnh Đức Minh sinh năm 1991 tại Hà Nội. Khi đang theo học lớp 10 tại trường Hà Nội Amstecdam, Đức Minh và anh trai sinh đôi, Trịnh Đức Duy, đã nhận được học bổng toàn phần của trường St.Joseph’s Institution International (Singapore). Tháng 8 tới, Đức Minh sẽ theo hai ngành học là Kinh tế và Quan hệ Quốc tế ở Đại học Harvard. Hiện, Đức Minh đang là đồng Chủ tịch hội thảo VietAbroader, một tổ chức phi chính phủ giúp đỡ các bạn Việt Nam tìm kiếm các cơ hội đến các trường đại học danh tiếng ở Hoa Kỳ.
Theo: Trịnh Đức Minh: Kiến thức thôi chưa đủ (Beenet)