Kiếm củi ba năm đốt một giờ

Từ một chính trị gia đầy tài năng và giàu triển vọng, thậm chí có chuyên gia còn cho rằng ông có khả năng bước vào Nhà Trắng, Spitzer trở thành một “gã bỉ ổi”, “kẻ thù của công chúng”, “tên nói dối trơ tráo”, theo cách gọi của truyền thông Mỹ.

Ngược dòng thời gian về năm 2008, thống đốc trẻ Eliot Spitzer, mặc dù nắm quyền điều hành của liên bang ở “thủ đô thế giới” New York, vẫn không thể nào nổi tiếng bằng vị thị trưởng tên tuổi Michael Bloomberg, ông trùm tài chính có hẳn một tập đoàn truyền thông mang tên mình.

Tuy vậy, trong danh sách 10 nhân vật tiêu biểu của năm 2008 của Reuters, Spitzer giữ vị trí thứ hai, chỉ sau tổng thống mới đắc cử lúc đó là Barack Obama, còn Bloomberg thậm chí không có tên trong danh sách.

“Thành tích” đưa ngài Spitzer đến sự nổi tiếng đó là một vết nhơ không thể tẩy rửa nổi trong lịch sử chính trị của New York: ngài thống đốc bị tố cáo đi lại với gái gọi trong một khoảng thời gian dài và đã dành số tiền lên tới hơn 100,000 USD cho “sở thích cá nhân” của mình.

Mỉa mai thay, chính Spitzer là người đã tuyên bố sẽ đưa ra những cải cách về đạo đức và làm trong sạch xã hội khi lên nắm quyền vào năm 2007. Ông cũng là người khá mạnh tay trong việc xử lý các ổ mại dâm ở New York trong nhiệm kì ngắn ngủi của mình, dĩ nhiên là trừ đường dây Emperors Club VIP mà bản thân ngài thống đốc là một khách hàng quen thuộc.

Từ “Ngài trong sạch”…

“Mr. Clean” là biệt danh được nhiều người yêu mến dành tặng cho Spitzer khi ông này bắt đầu tham gia vào đội quân hành pháp của chưởng lý quận Manhattan Robert M. Morgenthau. Và quả thực, trong vai trò của một nhà thực thi pháp luật, Spitzer đã rất thành công và được mệnh danh là “chiến binh không mỏi” trong mặt trận chống lại những hoạt động phi pháp.

Ông là người chỉ đạo quá trình triệt hạ băng nhóm mafia khét tiếng Gambino, một trong những thành viên của “Ngũ Đại Gia” New York mà đã trở thành hình mẫu trong tiểu thuyết “Bố già” của Mario Puzo.

Spitzer đã mất tới 6 năm trời để cài bẫy tổ chức tội phạm này, và cuối cùng đã thành công trong việc truy tố 4 thành viên của gia đình Gambino tội tống tiền và phạm luật chống độc quyền với khoản tiền phạt lên tới 12 triệu USD.

Không thể phủ nhận được người đàn ông gốc Do Thái này là một nhân vật cực kì thông minh và tài năng. Spitzer đã theo học ngành quan hệ quốc tế và quan hệ công chúng ở đại học danh tiếng Princeton và được bầu làm chủ tịch hội sinh viên ở đây, trước khi lấy bằng tiến sĩ luật ở Harvard.

Sự nghiệp chính trị của ông đạt được bước ngoặt lớn nhất vào năm 1998, khi bằng khả năng của mình cùng với sự trợ giúp tài chính đắc lực của bố là trùm bất động sản Bernard Spitzer, ông được bầu làm tổng chưởng lý New York (giữ vai trò là một cố vấn luật cho chính phủ và có quyền hành pháp), chức vụ đầy quyền lực với một người mới 39 tuổi đời.

Và Spitzer thực sự đã không phụ lòng tin tưởng của những người đã tín nhiệm mình. Ông đã thực hiện các chương trình cải tổ đầy táo bạo theo hướng tăng thêm quyền hạn và trách nhiệm cho phòng chưởng lý New York.

Không chỉ giới hạn ở trách nhiệm giải quyết các vụ việc liên quan tới quyền lợi của người tiêu dùng và những vụ gian lận lẻ tẻ trong khu vực quản lý như các thống đốc trước, Spitzer đã lao vào cuộc chiến với cả tội phạm cổ cồn trắng, các vụ lừa đảo chứng khoán, lừa đảo qua mạng Internet, và cả vi phạm môi trường.

Ông thực sự là “hung thần” của các công ty có mưu đồ làm ăn bất chính trong địa phận New York, khi đã khôn ngoan tận dụng một kẽ hở trong luật Thương mại Hoa Kỳ để đưa ra tòa những vụ án mà thông thường thuộc thẩm quyền của liên bang.

Vụ gian lận thương mại điển hình được Spitzer đưa ra ánh sáng là vụ thỏa thuận giá (vi phạm luật chống độc quyền) của Samsung Electronics Co., Elpida Memory Inc., Infineon Technologies AG và Hynix Semiconductor Inc, kéo dài tới hơn 14 năm (1998-2002).

Kết quả là các bên liên quan đã phải chịu một số tiền phạt lên tới 730 triệu USD và riêng tập đoàn Samsung hùng mạnh đã phải mất một thời gian khá dài để vượt qua giai đoạn lao đao đó.

Spitzer còn được mệnh danh là “cảnh sát phố Wall”, khi đưa các công việc làm ăn vốn khá tự do của các công ty chứng khoán vào tầm kiểm soát. Đó chính là lý do vì sao thị trường chứng khoán New York đã phản ứng hết sức tích cực ngay sau vụ scandal của Spitzer, điều rất hiếm xảy ra sau một sự cố chính trị lớn như vậy.

“Mr. Clean” Eliot Spitzer, Ảnh laist.com

… đến “khách hàng số 9”

Tờ The New York Times đưa tin về scandal của Spitzer vào ngày 10/3/2008, và sự việc nhanh chóng trở thành tâm điểm của giới chính trị, không chỉ ở nước Mỹ mà trên toàn thế giới. Spitzer bị phát hiện đã thông qua ít nhất 7 hoặc 8 kẻ môi giới để quan hệ với gái mại dâm, với tên gọi “khách hàng số 9”, theo điều tra của FBI.

Trong thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính đã bắt đầu đe dọa nền kinh tế Mỹ và thế giới, việc “cảnh sát phố Wall” dính dáng đến một scandal như vậy thực sự đã phủ thêm màu ảm đạm vào chính trường nước Mỹ.

Từ một chính trị gia đầy tài năng và giàu triển vọng, thậm chí có chuyên gia còn cho rằng ông có khả năng bước vào Nhà Trắng, Spitzer trở thành một “gã bỉ ổi”, “kẻ thù của công chúng”, “tên nói dối trơ tráo”, theo cách gọi của truyền thông Mỹ. Sự nghiệp chính trị vừa mới bắt đầu khởi sắc của ông tất nhiên cũng chấm dứt tại đây.

Tuy nhiên, điều đáng khen ngợi ở Spitzer, với tư cách là một người đã đánh mất tất cả chỉ sau một đêm, là ông đã can đảm thừa nhận sai lầm của mình và xin từ chức.

“Tôi không thể để những sai lầm của cá nhân ảnh hưởng đến công việc của cả cộng đồng,” Spitzer phát biểu tại buổi họp báo sau khi vụ scandal bị phát hiện, “Trong sự nghiệp chính trị của mình, tôi luôn tin rằng người ta phải chịu trách nhiệm với những việc mình đã làm. Và vì lý do này, tôi xin được từ chức thống đốc bang New York.”

Sau đó, Spitzer còn lên tiếng xin lỗi vợ mình và những người thân bị liên lụy bởi sai lầm của cá nhân ông.

Và mặc dù điều đó không thể bào chữa cho sự việc đã xảy ra, nó cũng cho thấy Spitzer là một người có văn hóa, dám tự mình hứng chịu sự trừng phạt của búa rìu dư luận và không quanh co chối tội trước những bằng chứng đã quá rõ ràng.

Spitzer và vợ tại buổi họp báo sau khi vụ scandal bị phát hiện, Ảnh mibahia.net

Kiếm củi ba năm đốt một giờ

Cho đến bây giờ, Spitzer vẫn đang hết sức hối hận về sai lầm của mình. Với một cái đầu thông minh và sắc sảo, ông vẫn quan tâm đến tình hình kinh tế-chính trị của nước Mỹ, và cũng có những ý kiến đóng góp khá sâu sắc về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ông hi vọng chính quyền tổng thống Obama sẽ có những lựa chọn đúng đắn để đưa nước Mỹ vượt qua giai đoạn khó khăn này, “dù cho những sai lầm trong đời sống riêng tư đã không cho phép tôi đóng góp một phần nào đó để giải quyết các vấn đề này như tôi đã từng làm trong quá khứ”. Ông hối tiếc.

Gần đây, kênh truyền hình nổi tiếng CNN đã mời Spitzer tham gia một chương trình truyền hình bàn luận về kinh tế-chính trị, cùng với nhà báo Kathleen Parker; và có lẽ đây sẽ là cơ hội để ông vượt lên sai lầm chết người đã vướng phải.

Tuy vậy, nó tất nhiên cũng không thể mang trở lại một tương lai đầy triển vọng như ông đã có, cũng như niềm tin của công chúng đã từng đặt vào ông. Âu đó cũng là một bài học đắt giá cho những người nhân danh cộng đồng mà không thể giữ nổi mình trước những cám dỗ.

Theo: Eliot Spitzer – cú ngã ngựa của “quý ông sạch sẽ” (Khắc Giang/TuanVietNam)

Cùng chuyên mục