Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết” “Không phân biệt thí sinh xét tuyển hay xét tốt nghiệp” về kỳ thi THPT quốc gia 2016 khi trao đổi với báo chí bên lề hội nghị giao ban thi đua giáo dục của 5 thành phố trực thuộc trung ương diễn ra tại Hải Phòng chiều 25/6.
Phóng viên:Thưa Bộ trưởng, chỉ còn vài ngày nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia. Ông có lưu ý gì trước kỳ thi quan trọng này?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:Trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, các địa phương và trường ĐH được phân công đều chuẩn bị kỹ, thực hiện theo quy chế thi đã ban hành. Các Hội đồng thi, Ban chỉ đạo thi từ địa phương cũng báo cáo đã chuẩn bị chu đáo.
Tuy nhiên, công tác phối hợp để giải quyết các tình huống phát sinh là luôn cần thiết.
Đi kiểm tra trước kỳ thi, tôi đã trao đổi với các thành viên trong ban chỉ đạo thi hết sức cụ thể. Chẳng hạn, danh sách trong ban chỉ đạo của các điểm thi cũng phải có điện thoại, khi cần thiết liên lạc được ngay. Đấy chỉ là một chi tiết nhỏ.
Những năm gần đây, xuất hiện các thiết bị rất tinh vi, thí sinh có những chiêu trò đặc biệt. Chúng tôi đã lưu ý các cụm thi, điểm thi về việc đảm bảo tính minh bạch, công bằng.
Tiếp đó, phải chú ý tới trách nhiệm và sự chuyên nghiệp của giám thị. Cần tập huấn kỹ lưỡng cho đội ngũ này.
Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ đạo các cụm thi chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông về diễn biến kỳ thi.
Ở một số địa bàn gặp khó khăn về thời tiết, thiên tai như Hà Tĩnh, tôi đã trực tiếp đến kiểm tra công tác chuẩn bị thi.
Như Bộ trưởng vừa đề cập, Bộ GD-ĐT sẽ làm gì đảm bảo được sự minh bạch, công bằng của kỳ thi?
Bộ đã chỉ đạo thống nhất trong toàn cụm thi điểm thi, không có sự phân biệt giữa cụm do sở GD-ĐT tổ chức và những cụm do các trường ĐH tổ chức. Trong đó, tăng cuờng hỗ trợ cho những cụm thi do tỉnh tổ chức lần đầu.
Sẽ không có chuyện những cụm do sở tổ chức thì “nhẹ tay”, còn những cụm do trường ĐH tổ chức thì “chặt”. Tất cả đều phải bình đẳng và nghiêm túc.
Trong khâuchấm thi năm nay, Bộ GD-ĐT đã làm rõ trách nhiệm về kinh phí của hội đồng coi thi và địa phương để hỗ trợ giám thị, tránh tình trạng trách nhiệm không rõ ràng khiến giám thị không hài lòng khi được điều động chấm thi.
Còn trong quá trình chấm thi cũng phải kiểm tra chéo, tránh tình trạng trong nội bộ “nhẹ tay” với nhau.
Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo barem chấm số điểm tới mức 0,25. Đồng thời, đưa phần mềm chấm thi làm tròn đến hai chữ số. Chúng tôi không có chủ trương phân biệt các thí sinh để xét tuyển hay thí sinh chỉ xét tốt nghiệp.
Đây là năm đầu tiên các địa phương đều có cụm thi. Thí sinh giảm đi lại nhưng cán bộ lại di chuyển nhiều.Vậy làm thế nào để đảm bảo an toàn, khách quan đối với cán bộ coi thi khi về chính những địa phương ấy?
Bộ GD – ĐT cũng đã lường những tình huống nêu trên, thế nên công tác dichuyển của cán bộ coi thi đã được tăng cuờng và hỗ trợ.
Các địa phương có chỉ thị với sở giao thông – vận tải hỗ trợ việc đi lại cho thầy cô, thí sinh. Đặc biệt nữa là chỉ đạo các sở công an có phương án bảo đảm an toàn cho giám thị trong quá trình tổ chức thi tại địa phương.
Thưa Bộ trưởng, đề thi với 2 mục đích thì có phân biệt phần nào để xét tốt nghiệp, phần nào để xét tuyển?
Đề thi có sự phân hóa, từ cơ bản đến khó, đến rất khó; đảm bảo được những học sinh chỉ học những kiến thức cơ bản, rất cơ bản là sẽ đỗ tốt nghiệp.
Ở những nơi được coi là điểm nóng của các năm trước, Bộ tăng cuờng giám sát như thế nào?
Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các Thứ trưởng trực tiếp đi các vùng sâu, vùng xa; không chỉ là kiểm tra, mà xem địa phương còn khó khăn gì để hỗ trợ.
Khi số cụm thi tăng lên , dư luận lo ngại không đủ giáo viên chấm thi, trình độ giáo viên không đủ sẽ dẫn tới cái chuyện “chấm lỏng”, ” chấm chặt”?
Sẽ không có chuyện đó! Như tôi đã nói ban đầu: Trong các cụm thi và các địa bàn thi, sẽ không có chuyện” khoán trắng” cho địa phương và các trường .
Thậm chí có từng địa phương, chúng tôi đã phải tính tới việc đổi chấm chéo; khắc phục tình trạng “chấm chặt”, “chấm lỏng”. Tuy vất vả giáo viên ở các cụm hơn, nhưng đảm bảo tính khách quan.
Bộ trưởng có chia sẻ gì với thí sinh khi kỳ thi sắp tới gần?
Bao giờ trước kỳ thi thì thí sinh cũng hồi hộp. Nhưng các em cứ bình tĩnh. Đây là dịp để đo kiến thức, các em học cơ bản đều đỗ được tốt nghiệp.
Năm nay, số thí sinh có nhu cầu vào ĐH, CĐ giảm so với năm ngoái. Trong khi đó, chỉ tiêu các trường ĐH vẫn còn cao. Bởi vậy, thí sinh không phải quá lo lắng về việc đỗ hay trượt.
Các em cứ tự tin, bình tĩnh, nhưng phải hết sức nghiêm túc. Còn nghĩ đến “chiêu trò” thìxác suất rủi ro là trượt, hoặc là bị hình phạt không hay, sẽ ảnh huởng đến uy tín của mình.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Hạ Anh(Ghi)- Theo: VNN.
·Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước có khoảng 880.000 thí sinh đăng ký dự thi, giảm khoảng 120.000 (12%) so với năm 2015. Trong đó, có 32% thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT và khoảng hơn 10% thí sinh dự thi chỉ để lấy kết quả tuyển sinh ĐH, cao đẳng.