Từng thi đỗ Đại học Y Hà Nội và đang theo học Đại học Ngoại thương nhưng Chử Bích Phương vẫn dứt áo ra đi. Cô gái lạ lùng đó quyết học ngành yêu thích và đã thi đỗ thủ khoa Đại học Nông nghiệp cả hai khối A và B.
Đơn giản, với Phương (cựu học sinh lớp 12 chuyên hóa Trường THPT chuyên Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), mong ước được làm việc trong lĩnh vực công nghệ sinh học luôn thôi thúc. Và để theo đuổi đam mê, Phương đã phải hi sinh, cố gắng rất nhiều.
Có đam mê thì mới học tốt
Ngay từ khi học lớp 11, Phương đã yêu thích đặc biệt môn hóa và sinh. Mỗi lúc có thời gian rảnh là Phương tìm đọc những cuốn sách về công nghệ gen hay nhiễm sắc thể. Có thuật ngữ khoa học nào không hiểu là Phương lại mày mò lên mạng tra cứu hoặc nhờ thầy cô giảng giải. “Đó thật sự là một thế giới bí ẩn và cuốn hút tôi”, Phương tâm sự.
Học hết lớp 12, theo nguyện vọng của bố mẹ, Phương thi đỗ vào hai trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Ngoại thương. Sau khi theo học ngoại thương được khoảng ba tháng, Phương nhận thấy mình không có niềm yêu thích với kinh tế và luôn cảm thấy chán nản. Mỗi lần như thế, Phương lại tìm niềm vui ở những cuốn sách hoặc những thí nghiệm hóa học, sinh học. Đôi khi Phương tự đón xe buýt sang Trường đại học Nông nghiệp chơi và thấy đây mới là môi trường dành cho mình. “Tôi không thể học tốt vì tôi không có đam mê, không có niềm yêu thích đối với kinh tế. Tâm hồn tôi, con người tôi thật sự thuộc về hóa, sinh” – Phương nói.
Sau kỳ học đầu tiên tại Đại học Ngoại thương, Phương quyết định làm thủ tục xin bảo lưu kết quả để đăng ký dự thi vào Đại học Nông nghiệp. Lúc này bố mẹ và người thân phản đối kịch liệt, thậm chí có người nói “con bé đó có vấn đề về thần kinh”. Thế nhưng Phương vẫn quyết tâm vì theo Phương, “chỉ có mình mới hiểu rõ bản thân mình nhất”.
Phương kể: “Mẹ tôi đã khóc khi tôi quyết định như vậy. Tôi cũng khóc khi mỗi lần nghe người ta xì xào mình có vấn đề về thần kinh. Rồi bố cũng khuyên tôi cứ học để lấy cái nghề, học thì sẽ thấy hay. Thế nhưng tôi biết nếu không yêu, không đam mê thì sẽ không làm tốt. Giáo dục đại học là tự chọn chứ không thể bắt buộc. Tôi không sợ bị phản đối, chỉ sợ nếu không được học ngành yêu thích thì mình sẽ khổ cả đời”.
Không học nhiều, nhưng học đúng cách
Phương cho biết mình không bất ngờ về kết quả đỗ thủ khoa cả hai khối vì bản thân Phương đã cố gắng dành rất nhiều sức lực để khẳng định con đường mình đi là đúng đắn. Nói về phương pháp học tập, Phương cho biết: “Kiến thức cơ bản trên lớp và trong sách giáo khoa cần phải nắm vững. Những vấn đề khó cần phải đọc đi đọc lại, đọc để hiểu sâu thì sẽ nhớ. Tôi không đi học thêm mà thường tham khảo ý kiến của thầy cô và bạn bè để tìm ra lời giải cho những bài tập khó. Tôi thấy học nhiều không tốt mà quan trọng là phải học đúng cách”.
Về dự định trong tương lai, Phương cho biết sẽ cố gắng học thật tốt ngành mà mình yêu thích, sau khi tốt nghiệp thì tìm cơ hội đi du học Nhật Bản để nâng cao kiến thức. “Tôi muốn được làm trong một viện công nghệ sinh học hoặc một trung tâm giống cây trồng trong nước để vừa được nghiên cứu vừa được ứng dụng công nghệ vào thực tiễn. Tôi hi vọng mình sẽ đóng góp phần nào đó để giúp những người nông dân có được phương pháp sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp” – Phương bày tỏ.
* Đừng chỉ biết học nhưng không biết sẽ làm gì: Biết tin con gái đỗ thủ khoa khối A 27 điểm (toán 8,5, lý 8,5, hóa 10) và khối B 28 điểm (toán 9, hóa 9,5, sinh 9,5) nhưng mẹ Phương vẫn chưa thật sự vui vì lo lắng trong tương lai con gái không kiếm được công việc nhàn và lương cao như học kinh tế. Để mẹ bớt suy nghĩ, Phương thuyết phục: “Có nhiều người học kinh tế nhưng không biết mình sẽ làm gì. Không phải ai cũng thích giàu mà quan trọng hơn là con thấy vui vì được theo đuổi đam mê”.
Theo: (Nhịp sống trẻ/TTO)/div>