Hiện nay, dù đã dành nhiều chỉ tiêu cho hệ đào tạo liên thông, chỉ tính riêng ở TP.HCM có hàng chục trường ĐH, CĐ tổ chức đào tạo liên thông với quy mô khá lớn và khá đa dạng ngành nghề, nhưng hầu hết các trường đều thừa nhận không đáp ứng đủ nhu cầu người học
Tranh nhau suất học liên thông
Cửa vào đại học chính quy ngày càng khó. Nhiều bạn trẻ chọn con đường học liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng để có được bằng đại học. Tuy nhiên, cuộc đua kiếm một suất học liên thông ngày càng gay gắt.
Một ngày cuối tháng 8/2010, trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có đến hàng trăm thí sinh chen nhau nhận giấy báo dự thi liên thông đến cuối giờ làm việc. Sau hơn một giờ chen lấn, cầm được giấy báo dự thi trên tay, Nguyễn Thanh Xuân, một thí sinh đăng ký dự thi liên thông TCCN lên CĐ, chia sẻ: “Mình vừa tốt nghiệp TCCN ngành kế toán – kiểm toán, nay trường tổ chức thi liên thông là cơ hội để học lên CĐ nên mình đăng ký thi ngay”.
Nhu cầu lớn
Thanh Xuân cho biết rất đông bạn bè cùng khóa của Xuân cũng đăng ký dự thi đợt này. Trước đó, trong các lớp ôn thi do trường tổ chức luôn kín chỗ, học viên đi học rất nghiêm túc. Bạn Huỳnh Kim Thương, vừa tốt nghiệp TCCN ngành kế toán – kiểm toán Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, tự tin: “Ngành học của mình đông người thi nhất. Mình là học sinh của trường này và thi liên thông ở đây nên hi vọng đạt kết quả tốt”.
Trong khi đó, Thanh Hùng, đang làm việc cho một công ty tư nhân tại Bình Dương, cho hay: “Mình tốt nghiệp CĐ năm trước, nay muốn học lên ĐH để nâng cao kiến thức chuyên môn”.
Bạn Nguyễn Thị Ngọc Dung, sinh viên lớp kế toán liên thông từ TCCN lên CĐ của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, chia sẻ: “Thi ĐH rớt nên mình học TCCN. Sau khi tốt nghiệp trung cấp mình đã thi và đậu liên thông lên CĐ. Trong lớp mình đang học có đến một nửa số sinh viên đang là kế toán tại các công ty. Vì vậy mình học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm…”. Dung theo học lớp liên thông vào buổi tối, ban ngày dành thời gian học tiếng Anh để khi tốt nghiệp CĐ sẽ học tiếp lên ĐH.
TS Tạ Xuân Tề, hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Nhà trường đã đào tạo liên thông hơn 10 năm nay. Số sinh viên liên thông ngày càng tăng”.
Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đến cuối tháng 10/2010 trường mới thông báo tuyển sinh liên thông nhưng mấy tuần nay mỗi ngày có hàng chục người đến phòng đào tạo của trường hỏi thông tin về đăng ký dự thi. ThS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng đào tạo và quản lý sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Nhu cầu học liên thông hiện nay của các bạn trẻ rất lớn. Đến nay, nhà trường đã đào tạo 15 khóa liên thông. Số thí sinh đăng ký thi tại trường liên tục tăng: năm 2007 có 4.700 hồ sơ, 2008 có 6.350 hồ sơ và 2009 số hồ sơ lên đến 8.600. Liên thông thật sự là cơ hội tốt để các bạn trẻ nâng cao trình độ, được “lên đời” với tấm bằng ĐH chính quy”.
Cạnh tranh quyết liệt
Thực tế nhu cầu học liên thông ở các bậc học ngày càng tăng, chỉ tính riêng ở TP.HCM có hàng chục trường ĐH, CĐ tổ chức đào tạo liên thông với quy mô khá lớn và khá đa dạng ngành nghề. Hiện nay, dù đã dành nhiều chỉ tiêu cho hệ đào tạo liên thông, nhưng hầu hết các trường đều thừa nhận không đáp ứng đủ nhu cầu người học.
Trong tổng số 2.600 chỉ tiêu các hệ đào tạo ngoài chính quy của Trường ĐH Tôn Đức Thắng năm 2010, trường dành đến 2.000 chỉ tiêu đào tạo hệ liên thông, dự kiến: từ TCCN lên CĐ (200 chỉ tiêu), TCCN lên ĐH (500 chỉ tiêu) và CĐ lên ĐH (1.300 chỉ tiêu). Tuy nhiên, càng về sau tỉ lệ “chọi” càng tăng cao. Năm nay Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có hơn 3.000 thí sinh dự thi liên thông TCCN lên ĐH và có đến 6.000 thí sinh dự thi CĐ lên ĐH, trong khi chỉ tiêu bậc TCCN lên ĐH chỉ có 600, CĐ lên ĐH là 3.000 và TCCN lên CĐ 3.800.
Tại Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, chỉ sau một thời gian ngắn phát hành hồ sơ đào tạo liên thông đến nay trường đã bán ra hơn 1.700 hồ sơ, trong đó ngành kỹ thuật công trình (xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng cầu đường), công nghệ thực phẩm là những ngành học có đông thí sinh dự thi.
Ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong khi điểm chuẩn hệ liên thông năm 2008 là hai môn thi (cơ sở ngành và chuyên ngành) mỗi môn đạt 5 điểm trở lên; đến năm 2009 yêu cầu thí sinh phải có điểm thi hai môn ngành thấp nhất (tin học quản lý) là 10 điểm, ngành cao nhất (kế toán) 14 điểm mới thuộc diện xét tuyển. Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) chỉ đào tạo liên thông từ CĐ lên ĐH ngành công nghệ thông tin với khoảng 400 chỉ tiêu/năm, nhưng năm nào cũng có hàng ngàn thí sinh đăng ký dự thi.
Theo ông Đỗ Văn Khoa, trưởng phòng tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, trường này nhận hồ sơ tuyển sinh hệ liên thông quanh năm đến khi đủ số lượng (khoảng 150 hồ sơ) sẽ tổ chức đợt thi. Nhà trường yêu cầu học sinh tốt nghiệp ở các trường khác muốn thi liên thông vào trường phải học bốn môn bổ sung kiến thức (tùy ngành). Chỉ tiêu liên thông từ TCCN lên CĐ năm nay của trường là 700 cho tất cả các ngành. Trong đó ngành nhiều người học nhất là kế toán và công nghệ thực phẩm.
Trong khi đó, Trường ĐH Hoa Sen đào tạo liên thông năm ngành từ bậc CĐ lên ĐH, tuy nhiên trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh hệ liên thông với đề thi hoàn toàn bằng tiếng Anh. Một cán bộ tuyển sinh của trường giải thích: “Hệ liên thông được tổ chức đào tạo như hệ chính quy, nhà trường đặt ra yêu cầu với sinh viên liên thông cũng như sinh viên hệ chính quy. Việc nhà trường tuyển sinh hệ liên thông theo đề tiếng Anh là để chọn sinh viên đáp ứng chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường (550 điểm ToEIc trở lên)”.
Đối tượng tuyển sinh đào tạo liên thông là những người đã có bằng tốt nghiệp TCCN hoặc CĐ có nhu cầu học lên trình độ CĐ hoặc ĐH. Đối với đào tạo liên thông từ TCCN lên CĐ hoặc từ CĐ lên ĐH, người tốt nghiệp loại khá trở lên được dự tuyển ngay; người tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất một năm làm việc gắn với chuyên môn. Đối với đào tạo liên thông từ TCCN lên ĐH, người có bằng tốt nghiệp TCCN phải có ít nhất ba năm làm việc gắn với chuyên môn mới được dự tuyển.
Theo: Tranh nhau suất học liên thông (TTO)