Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã phải nhìn nhận thực tế và thốt lên lên như vậy tại hội nghị Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH do Bộ GD-ĐT tổ chức hôm qua (7.1) ở Đà Nẵng.
Dạy ĐH như cấp 4 thì lấy đâu ra chất lượng!
Tại hội nghị, ông Phùng Xuân Nhạ đã kêu gọi các hiệu trưởng phải trực tiếp đứng ra chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục ĐH. Ông Nhạ thẳng thắn chỉ ra thực trạng của giáo dục ĐH: “Phải thấy các điều kiện đảm bảo chất lượng như hiện nay là không thể chấp nhận được. Tỷ lệ 17% giảng viên ĐH đạt trình độ tiến sĩ, lớp quá đông sinh viên nên giảng viên đến dạy ĐH mà như dạy phổ thông cấp 4, thì lấy đâu ra chất lượng! Về cơ sở vật chất thì trong số gần 300 trường ĐH không có trường nào cho ra dáng ĐH! Nhiều trường thậm chí cơ sở còn phải đi thuê. Có những trường trông như cái nhà kho, làm sao mà sáng tạo được khi mà phần lớn là phải học chay”.
GS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng để vực dậy nền ĐH, điều quan trọng nhất là phải xuất phát từ nhận thức trường ĐH là nơi đầu tiên phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo chứ không phải một “ông” bộ hay nhà nước nào cả.
GS Thanh cho biết hiện nay cả nước có 20 trường ĐH đã được kiểm định. Tuy đều là những trường mạnh trong hệ thống ĐH công lập nhưng kết quả thẩm định cho thấy bức tranh giáo dục ĐH còn ngổn ngang các vấn đề phải giải quyết.
Cũng theo GS Thanh, hiện nay giảng viên không chỉ thiếu mà còn có một số lượng lớn chưa đạt chuẩn tối thiểu là thạc sĩ, tỷ lệ cử nhân tham gia giảng dạy ĐH là 16%. Tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ trở lên ở nhóm trường trên trung bình chỉ khoảng 32%. Có giảng viên cùng lúc phải hướng dẫn cả chục thạc sĩ. Giảng viên phải dạy quá nhiều, 50% dạy quá 200 giờ/năm, rất nhiều người dạy trên 540 giờ (gấp đôi quy chuẩn). Các điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính nhìn chung đều kém xa so với thế giới. Chẳng hạn, diện tích trung bình của các trường đã kiểm định là 22,5 ha, tức là chỉ bằng 1/10 so với các trường tốp 200 châu Á, và bằng 7% so với các trường tốp 500 thế giới. Nguồn thu và đầu tư cho ĐH không chỉ rất thấp mà điều quan trọng là mất cân đối và thiếu bền vững, chủ yếu phụ thuộc vào quy mô tuyển sinh. Điều này lý giải vì sao tuyển sinh hiện là vấn đề được các trường quan tâm nhất, hơn cả các vấn đề trọng yếu cấu thành chất lượng ĐH.
ĐH nào yếu thì không được tồn tại
Ông Nhạ cho biết ưu tiên hàng đầu của Bộ GD-ĐT trong thời gian tới là điều chỉnh cơ chế chính sách trong quản lý ĐH, quy hoạch và rà soát mạng lưới. Trước hết là cho kiểm định các trường. Những trường nào xét thấy không trụ nổi thì có khi chính họ mong muốn được “khai tử”. Trong cạnh tranh thì phải chấp nhận giải thể, chia tách, sáp nhập.
Theo TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM, để ĐH thực sự thành môi trường sáng tạo, đó là hội nhập quốc tế. “Do lịch sử để lại, chúng ta “đẻ” ra quá nhiều trường ĐH không đúng chuẩn, bây giờ nên lập lại trật tự. Bộ trưởng phải ra tay bình định ĐH để sửa chữa quá khứ. ĐH mà yếu quá thì không được tồn tại. Chẳng hạn trường nào mà ít tiến sĩ quá thì phải dẹp”, ông Sen đề nghị.
GS Nguyễn Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, đề xuất Bộ GD-ĐT phải có chế tài để các trường ĐH vừa được tự chủ và cũng phải chịu trách nhiệm. Phải kiểm tra được 3 công khai của các trường, tránh tình trạng “đánh lừa xã hội” của một số cơ sở đào tạo. GS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng cho rằng phải thiết lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý, giám sát ĐH. Làm sao để những trường làm đúng luật phải có lợi, tránh để tình trạng nhập nhằng như hiện nay. Theo bà Quỳ, cần phải tạo ra một môi trường ĐH mà trắng đen được phân định rõ ràng.
Chỉ 1% sinh viên tự tạo việc làm hoặc khởi nghiệp Theo GS Nguyễn Quý Thanh, tuy tỷ lệ sinh viên có việc làm trong vòng 12 tháng đạt bình quân khoảng 80% với mức thu nhập bình quân là 6,6 triệu đồng/tháng nhưng chỉ có 1% sinh viên tự tạo việc làm hoặc khởi nghiệp. Nhận xét về những sinh viên được tuyển dụng trong thời gian gần đây, ngoài các điểm yếu như thiếu thực tiễn, yếu về ngoại ngữ, tin học, một số kỹ năng mềm, các doanh nghiệp đều nhấn mạnh đến thái độ nghề nghiệp kém. Theo Bộ trưởng Nhạ, các trường ĐH cần phải nghiên cứu nghiêm túc về nhu cầu của thị trường lao động để có mục tiêu đào tạo phù hợp. Không nên quá câu nệ vào những ngành truyền thống nếu như không còn phù hợp với yêu cầu của xã hội. Xu hướng bây giờ là tạo ra những công dân toàn cầu, vì thế có thể lựa chọn những ngành đang phát triển, xu hướng phổ biến, rồi chọn chương trình của những trường nổi tiếng đào tạo các ngành này để nhập về. Xem cách họ quản trị ĐH để mà học hỏi. “Chủ yếu là vận dụng cho phù hợp với điều kiện của ta. Đó là con đường đi rất nhanh. Chuyển giao chương trình, chuyển giao công nghệ đào tạo, thậm chí thuê cả giảng viên nước ngoài”, ông Nhạ nói. |
Quý Hiên (TheoGiaoduc/TNO)