Khoác áo quá rộng cho trẻ lớp 1

Vừa hoàn thành bậc học mầm non chơi nhiều hơn học, giờ đây, học sinh lớp 1 lại phải “gồng lưng” với một loạt môn học mới của chương trình mới

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang thu hút luồng ý kiến phản hồi của dư luận. Thay vì thực hiện đại trà ở tất cả lớp học đầu cấp và “cuốn chiếu” lên lớp trên vào năm học 2018-2019 như ban đầu, dự thảo đã có một số điều chỉnh nhất định. Theo đó, chương trình mới sẽ áp dụng đại trà vào năm học 2018-2019 cho lớp 1, thí điểm ở lớp 6 và lớp 10 rồi thực hiện cuốn chiếu lên các lớp cao hơn. Môn học Thế giới công nghệ ở lớp 1, 2 cũng đang được đề xuất không thực hiện.

Không giảm tải lại còn tăng!

Lắng nghe góp ý và đổi thay tích cực cho thấy tinh thần cầu thị của ban soạn thảo. Tuy nhiên, bản thân tôi lại rất băn khoăn với chương trình mới áp dụng đại trà cho lớp 1 rất nhiều. Một “chiếc áo quá rộng” phải chăng đang được khoác lên trẻ lớp 1?

Lâu nay, người ta nói nhiều về chương trình quá tải, về những chiếc cặp “nặng” về cả trọng lượng và tri thức. Hình ảnh trẻ lớp 1 đã sớm phải gò lưng bên chiếc đèn học mỗi tối làm bài tập khiến bao người trăn trở. Đâu cứ phải thực hiện học 2 buổi/ngày và tăng cường tự học ở lớp thì vấn nạn làm bài tập ở nhà sẽ giảm? Các cháu vẫn bị o ép vào khuôn khổ “học, học và học” vì nguyện vọng của phụ huynh và thành tích của nhà trường.

Cặp sách của học sinh lớp 1 sẽ nặng hơn với rất nhiều môn học mới. Ảnh: Tấn Thạnh

Cả xã hội đang kêu gọi giảm tải nhưng nhìn vào số môn học hiện nay thì đó hiển nhiên là sự “tăng tải”: toán, tiếng Việt, giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta, thế giới công nghệ (môn bắt buộc), giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo (môn bắt buộc có phân hóa), tiếng dân tộc thiểu số, nội dung giáo dục địa phương và hoạt động tự học có hướng dẫn của giáo viên (môn tự chọn).

Mặc dù ban soạn thảo đã khẳng định số môn học không thay đổi nhiều so với chương trình hiện hành thì việc “thay tên đổi họ” cho môn cũ, thêm vào vài môn mới cũng sẽ gây ra nhiều áp lực cho học sinh, phụ huynh và cả giáo viên. Bố trí tiết học trên lớp, trở thành môn học chính khóa kéo theo áp lực học bài, làm bài tập, kiểm tra, thi cử. Mỗi đứa trẻ lớp 1 phải “gánh gồng” chừng ấy môn e là quá tầm tay!

“Gò” trẻ một cách khiên cưỡng

Việc dạy 2 buổi/ngày cho tiểu học có khả năng thực hiện trên toàn quốc hay không? Rất nhiều ý kiến băn khoăn về cơ sở vật chất trường lớp sẽ không đáp ứng được việc dạy học 2 buổi/ ngày. Theo ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết, “thượng sách” là dạy 2 buổi/ngày, “trung sách” là có trường sẽ dạy 6 buổi/tuần, “hạ sách” là có trường sẽ dạy 5 buổi/tuần và mỗi buổi 5 tiết.

Ngay tại thủ đô Hà Nội cũng không đủ cơ sở vật chất để dạy 2 buổi/ngày, đó là lời khẳng định của tổng chủ biên ban soạn thảo. Vậy thì các tỉnh, thành khác tất nhiên sẽ chẳng đảm đương nổi nhu cầu về phòng học, giáo viên. Và một số câu hỏi sẽ được đặt ra: Các địa phương sẽ chạy đua xây dựng trường lớp trong khoảng thời gian còn lại là hơn một năm ư? Vận dụng như thế nào cho hợp lý chương trình 2 buổi/ngày thành học 1 buổi? “Nhồi” học sinh 5 tiết mỗi buổi và 6 buổi mỗi tuần có quá tải không?…

Tôi nghĩ dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tiến tới cải cách giáo dục cần được xây dựng phù hợp với cơ sở vật chất hiện có của ngành giáo dục. Không thể nào chạy theo mục tiêu lý tưởng mà bỏ qua tình hình thực tế của đất nước!

Chúng ta đang vô tình “gò” trẻ vào khuôn khổ của việc học một cách gượng ép, thô bạo. Vừa hoàn thành bậc học mầm non chơi nhiều hơn học, giờ đây, các cháu đặt chân vào ngưỡng cửa đầu tiên của trường lớp phổ thông học nhiều hơn chơi. Nỗi chán ngán, sợ hãi, ám ảnh việc học có manh nha nhen nhóm lên trong đầu óc non nớt ấy không?

“Đặc trưng” của những đứa trẻ lớp 1 là gì? Thích chơi đùa, ưa chạy nhảy, hay nhõng nhẽo, đi học muộn là chuyện cơm bữa, vào lớp vẫn níu áo mẹ không phải là chuyện hiếm… Vậy thì, chúng ta nên dừng lại ở yêu cầu trẻ lớp 1 đọc thông viết thạo, biết sử dụng tiếng Việt và làm quen với các phép toán cộng trừ cũng như bước đầu tìm hiểu về thế giới xung quanh, rèn thêm năng khiếu âm nhạc, mỹ thuật, xây dựng nền nếp học tập. Thời gian còn lại để tổ chức các hoạt động trường lớp, sinh hoạt tập thể, chuyên đề ngoại khóa thu hút sự hứng thú, say mê để các cháu thật sự cảm nhận được rằng: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”! Xin đừng khoác cho trẻ lớp 1 “chiếc áo quá rộng” để rồi học sinh, giáo viên và phụ huynh cùng bì bõm “bơi”!

Theo: (Giáo dục /NLDO)

Bài liên quan

Bài học khi đổi mới chương trình giáo dục

Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông từ năm 2018 đồng nghĩa với việc một lứa học sinh sắp phải đối mặt với việc thí điểm, thực nghiệm những thay đổi lớn trong chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá...

Cùng chuyên mục