Khoa học Việt Nam 2012: Những chuyển động trong gian khó

Năm 2012 là một năm khó khăn đối với Việt Nam. Khoa học cũng không ngoại lệ. Nhưng trong cơn gian khó đó khoa học vẫn chuyển động. Những sự thất vọng cũ, những niềm hi vọng mới, những phấp phỏng về tương lai vẫn làm xáo động tâm tư người quan tâm đến khoa học nước nhà.

Đánh giá định lượng về khoa học Việt Nam, những con số thực cho thấy tiềm lực khoa học – công nghệ của đất nước vẫn ở mức yếu. Tổng số công bố quốc tế của Việt Nam chỉ tương đương số công bố của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan).

Nỗi buồn khoa học

Năm 2012 nở rộ nhiều đánh giá định lượng về khoa học Việt Nam. Những con số thực cho thấy tiềm lực khoa học – công nghệ của đất nước vẫn ở mức yếu. Tổng số công bố quốc tế của Việt Nam chỉ tương đương số công bố của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan).

Nếu so sánh với các trường đại học lớn trong khu vực, như Đại học Quốc gia Singapore (NUS), con số này chỉ còn khoảng 1/4. Năm 2011, NUS công bố 6.751 bài báo khoa học quốc tế (ISI) và 361 bằng sáng chế được đăng ký, 278 phát minh được công bố (1), (2); trong khi cả Việt Nam chỉ công bố được 1.691 bài (2). Cũng trong năm 2011, Việt Nam không có bằng sáng chế nào được đăng ký tại Mỹ, trong khi Singapore có 647 bằng (3).

Nếu tính đến chất lượng trung bình của các công bố khoa học, thông qua đồng nghiệp quốc tế trích dẫn, tiềm lực khoa học của Việt Nam còn thấp hơn nữa.

Lưu ý rằng lực lượng nghiên cứu của Việt Nam đông gấp bội so với các nước trong khu vực. Hiện cả nước có hàng chục nghìn tiến sĩ và gần 1 vạn giáo sư, phó giáo sư. Nếu so sánh với lực lượng nghiên cứu của NUS (khoảng 2.100 người) thì năng suất khoa học của họ cao hơn Việt Nam hàng chục lần.

Với người làm công tác quản lý ngành khoa học – công nghệ, nếu thật sự quan tâm đến nền khoa học của nước nhà thì những con số này cần phải được mổ xẻ, để từ đó tìm ra nguyên nhân của tình trạng “thất thu” trong khoa học này. Nếu không, khoa học Việt Nam sẽ còn tiếp tục tụt hậu.

Chuyển động trong gian khó

Bên cạnh những con số buồn như đã nêu trên, trong hoàn cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, khoa học Việt Nam cũng có những chuyển động đáng quan tâm.

Đầu tiên phải kể đến dự án hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc để xây dựng Viện Khoa học – công nghệ Việt – Hàn (V-KIST). Tuy mới chỉ dừng ở mức dự án nhưng V-KIST đã thu hút được sự quan tâm của giới khoa học, và được đánh giá là một chuyển động tích cực. Một phần cũng là do kỳ vọng vào những thành công thần kỳ của viện nguyên bản (Viện Khoa học – công nghệ Hàn Quốc, KIST) và vai trò của viện này đối với sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước Hàn Quốc.

Một phần khác là do hiện trạng khá rệu rã của khoa học – công nghệ Việt Nam khiến nó thật sự rất cần một cú hích mới. Trong hoàn cảnh đó, kỳ vọng vào một làn gió mới như V-KIST – một nơi để các nhà khoa học chân chính có thể chuyên tâm làm việc – là một mong muốn chính đáng của người làm khoa học.

Tiếp theo đề án V-KIST, ngày 11-4-2012, chiến lược về khoa học – công nghệ quốc gia đã được thông qua. Tuy còn chứa nhiều mục tiêu duy ý chí như đến năm 2020 giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP, hình thành 5.000 doanh nghiệp khoa học – công nghệ, 60 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, 60 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao…, nhưng sự “hiện hình” của một chiến lược chung cho khoa học cũng cần được coi là một chuyển động đáng ghi nhận.

Điều đáng bàn hiện giờ là triển khai chiến lược này ra sao để tránh tình trạng hành chính hóa, làm chiến lược chỉ để báo cáo giết thời gian mà không mang lại hiệu quả thực tế gì đáng kể.

Một trong những nút nghẽn của khoa học – công nghệ là cơ chế tài chính cho khoa học – công nghệ. Dù đã cố gắng vận động để thay đổi nhưng đến nay vẫn chưa thành công. Dự thảo Luật khoa học – công nghệ 2012, với một trong những điểm nhấn là sự thay đổi về cơ chế tài chính cho khoa học – công nghệ, đã không được thông qua trong kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII tháng 11 vừa rồi. Mong muốn về một cuộc “khoán 10” trong khoa học, một sự giải phóng năng lực vì vậy vẫn chưa có cơ hội để trở thành hiện thực.

Trong một chuyển động khác, ngày 19-9-2012, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã được khởi công tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, với số vốn đầu tư lên đến 600 triệu USD từ nguồn vay ODA của Nhật Bản. Đây là một trong những dự án đầu tư cho khoa học – công nghệ lớn nhất từ trước đến nay. Tuy chưa ước tính được hiệu quả ra sao, nhưng việc khởi công Trung tâm Vũ trụ cũng có thể được coi là một dấu mốc quan trọng cho ngành công nghiệp non trẻ này của Việt Nam.

Những câu chuyện cá nhân

Trong khi những chuyển động khoa học – công nghệ nói trên còn chưa định hình được kết quả rõ ràng thì một số nhà khoa học người Việt, chủ yếu ở nước ngoài, lại có những thành tựu hoặc đóng góp rất đáng kể.

Đầu tiên phải kể đến Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam do giáo sư Trần Thanh Vân khởi xướng, năm 2012 đã tổ chức bốn hội thảo vật lý quan trọng, thu hút nhiều nhà khoa học quốc tế danh tiếng đến tham dự. Đặc biệt, hai hội thảo trong tháng 7-1012 đã bắt nhịp với sự kiện công bố khả năng tìm ra hạt Boson Higgs của Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN). Dự kiến đến năm 2013, trung tâm hội nghị hội thảo của Gặp gỡ Việt Nam sẽ được khánh thành, hứa hẹn nhiều hoạt động gặp gỡ và trao đổi giữa cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.

Năm 2012, giáo sư Đàm Thanh Sơn được bổ nhiệm làm giáo sư đại học ở Đại học Chicago danh tiếng, sau khi công bố những nghiên cứu đột phá trong vật lý lý thuyết thời gian gần đây. Cùng với giáo sư Ngô Bảo Châu, cũng đang ở Đại học Chicago, rất có thể những hạt mầm mới của khoa học Việt Nam sẽ được ươm trồng tại ngôi trường này.

Viện Nghiên cứu cao cấp về toán do giáo sư Ngô Bảo Châu chủ trì cũng đã đi vào hoạt động. Lớp học mùa hè đầu tiên do giáo sư Châu trực tiếp hướng dẫn có 15 học viên, trong đó nhiều em đang được đào tạo ở những trường đại học thuộc diện tốt nhất thế giới đã vượt nửa vòng trái đất trở về Việt Nam học toán.

Năm 2012 cũng ghi nhận một thành công đáng kể của giáo sư Vũ Hà Văn, Đại học Yale, với giải thưởng toán học Fulkerson – giải thưởng dành cho các công trình xuất sắc trong lĩnh vực toán học rời rạc, do Hội Toán tối ưu thế giới và Hội Toán học Mỹ trao tặng ba năm một lần. Giáo sư Vũ Hà Văn, 42 tuổi, cũng là thành viên của hội đồng khoa học của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán.

Những điều đó cho thấy dưới sự tác động và thành công của các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài, khoa học Việt Nam đã có một số chuyển động quan trọng trong việc bắt nhịp với những dòng chảy khoa học lớn của thế giới.

Tri âm ai đó mặn mà với ai?

Những câu chuyện thành công của các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài là một khích lệ lớn đối với những người quan tâm đến khoa học Việt Nam. Trong khi những chuyển động trong chính sách còn chưa mang lại kết quả rõ ràng, những rào cản của khoa học – công nghệ, chẳng hạn vấn đề lương của người làm khoa học và cơ chế tài chính cho khoa học – công nghệ, còn chưa được tháo gỡ, thì những thành công cá nhân này là niềm vui chung của cả cộng đồng.

Trên tấm bia tiến sĩ đầu tiên của Văn Miếu Quốc Tử Giám có khắc một câu nổi tiếng của Thân Nhân Trung: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Hiểu theo nghĩa ngày nay thì hiền tài là cội nguồn của sự phát triển. Với Việt Nam, câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc chúng ta có hiền tài hay không, mà còn ở việc hiền tài tụ hay tán.

Những câu chuyện thành công cá nhân không thể che lấp được một thực tế rằng năng lực khoa học của Việt Nam còn quá yếu so với bạn bè quốc tế. Những câu chuyện thành công cá nhân này cũng cho thấy các tài năng khoa học Việt Nam đang tản mát ở khắp nơi. Người xưa quan niệm: khí tụ thì sinh, khí tán thì diệt. Với mỗi quốc gia, chỉ cần quan sát dòng nguyên khí – hiền tài đang tụ hội hay tản mát là có thể tiên đoán được vận mệnh của quốc gia sẽ suy hay thịnh.

Để phát triển, Việt Nam không còn cách nào khác phải hội tụ tài năng để cùng xây dựng đất nước. Vì thế, sự trở về của một số nhà khoa học thời gian gần đây, dù được công bố rộng rãi hay trở về trong âm thầm, là một tín hiệu vui và đáng ghi nhận. Vấn đề còn lại là làm sao để niềm vui đó được nhân mãi thêm lên.

Theo: GIÁP VĂN DƯƠNG (TTCT)

___________

(1): Research Statistics, Ofice of the Deputy President (Science & Techonology), NUS.

(2): ISI Web of Knowledge.

(3): United States Patent and Trademark Office, Patents By Country, State, and Year – All Patent Types, Granted: 01/01/1977 – 12/31/201.

Bài liên quan

Thực lực khoa học Việt Nam: hãy thực tế đi!

(hieuhoc_hieuhoc.com) Thực lực khoa học Việt Nam dù ở vị trí nào cũng không phải là điều quan trọng, chẳng ai ngạc nhiên về vị trí rất khiêm tốn của các ngành khoa học – công nghệ Việt Nam so với thế giới. Điều mà nhiều người “thất vọng” chính là thực lực khoa học không đánh giá qua thực tế mà lại chạy theo con số thống kê của các “báo cáo”, chỉ nhăm nhe xem “công trình được công bố” có nhiêu… nhiêu “cái” so với thế giới.     

Tiềm năng ngành dệt may, da giày Việt Nam.

Các điều kiện để phát triển ngành thời trang dệt may, da giày đã được rất nhiều chuyên gia đề cập như vấn đề nguyên vật liệu, lao động, công nghệ, thương hiệu... Ở đây, chỉ xin giới thiệu các giai đoạn phát triển lớn cần vượt qua để ngành dệt may, da giày trở thành ngành thời trang

Nhân lực cho các ngành công nghệ cao tại Việt Nam

 Khi các khu công nghệ cao bắt đầu xuất hiện tại các thành phố lớn như Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội (khu công nghệ cao Sài Gòn, Hòa Lạc,...) thì các vấn đề về nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghệ cao được nhiều người quan tâm hơn. Thực tế, bất chấp việc có nhiều trung tâm đào tạo về công nghệ cao xuất hiện hay các trường cao đẳng, đại học chú trọng đào tạo hơn thì nhân lực cho các ngành này vẫn còn rất thiếu, còn xa mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Cùng chuyên mục