Muốn cạnh tranh với thế giới, muốn chất lượng nông nghiệp của nước ta được cải thiện thì phải có một đội ngũ am hiểu khoa học nông nghiệp, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, hướng dẫn lại kiến thức cho những người làm nghề. – Ai, ngoài thế hệ trẻ, đủ sức và đủ tài để làm được điều đó?
Đất bạc không thể nở hoa
Lịch sử phát triển của các nước giàu hiện nay đều có xuất phát điểm là nông nghiệp. Sinh lời từ đất đai, cây trái, chăn nuôi…, rất nhiều quốc gia từ đó làm nên nghiệp lớn.
Ngay như Mỹ, một quốc gia đã tổng lực phá rừng lấy gỗ, phá ruộng làm công nghiệp…, nhưng 200 năm sau lại phải quay về khôi phục rừng, khuyến cáo thế giới đừng đi vào vết xe đổ của mình.
Nông nghiệp, đối với nước ta là nghề của hơn 70% dân số, dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nông sản, đóng góp 20% GDP mà hiện nay chỉ được đầu tư khoảng 5 – 6% tổng đầu tư, khoản đầu tư lớn nhất lại dồn cho ngành đóng tàu luôn thua lỗ!
Sản phẩm nhiều nhưng chất lượng lại thấp vì hàm lượng chất xám trong nông nghiệp quá ít. Kinh nghiệm cũ, trong khi điều kiện sản xuất ngày càng mới. Kết quả, trong một bao cà phê Việt Nam luôn có nhiều loại hạt cà phê. Trong một bao gạo thành phẩm luôn có nhiều loại hạt gạo.
Tương tự, cá bệnh lẫn với cá không bệnh, tôm chậm lớn lẫn với tôm bình thường… Giá mua cứ thế dựa vào đó mà giảm. Vậy là thành thua!
Ai cũng biết tiềm năng xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam là rất lớn. Nhưng muốn cạnh tranh với thế giới, muốn cái tiềm năng ấy không còn “tiềm”, mà được khơi ra đúng mức, thì chất lượng nông nghiệp của nước ta phải được cải thiện.
Muốn làm được điều này phải có một đội ngũ am hiểu khoa học nông nghiệp, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, hướng dẫn lại kiến thức cho những người làm nghề. Ai, ngoài thế hệ trẻ, đủ sức và đủ tài để làm được điều đó?
Mỗi năm vẫn có hàng ngàn sinh viên chuyên ngành nông lâm ra trường. Đáng buồn thay, do tầm nhìn ngắn hạn, các bạn trẻ ấy lại chọn cách làm nghề rất chụp giựt. Rất ít người học về nông nghiệp chuyên tâm theo nghề.
Thay vì làm ra những sản phẩm chất lượng cao, làm nên những trang trại vượt trội về giống… thì phần lớn kỹ sư nông lâm lại trở thành nhân viên bán phân bón, bán thức ăn… cho những công ty nước ngoài đang chiếm lĩnh thị phần Việt Nam.
Hiện tượng này, có phần tác động bởi cách điều hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, cho thấy người làm nông nghiệp chưa được tôn vinh đúng với tầm quan trọng của họ.
Chưa bao giờ hết tiềm năng
Nghiên cứu nông nghiệp bao năm nay, tôi khẳng định, trong bức tranh nông nghiệp còn thiếu chuyên nghiệp như hiện nay, cơ hội để người trẻ làm giàu là có thật và rất thuận lợi. Con đường để làm giàu với nông nghiệp cũng đơn giản.
Điển hình có thể kể đến là TS. Lê Hữu Hải, người đã tổ chức cho nông dân Hợp tác xã Mỹ Thành, Cai Lậy trồng lúa cẩm. Có sản phẩm, ông liên kết với công ty dược phẩm nông nghiệp ADC thu mua và xuất khẩu sang Mỹ.
Giá lúa cẩm rất cao, khi quy trình này được hỗ trợ từ kỹ thuật đến đầu ra cho sản phẩm, người dân yên tâm trồng trọt, sản lượng lại càng cao.
Không chỉ có người được đào tạo bài bản mới thành công trong nông nghiệp. Chuyện anh Đỗ Quý Hạo ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, người đã làm nên thương hiệu khoai lang Ba Hạo, cũng không hiếm gặp trong thế giới của những người quý trọng đất đai, nuôi trồng.
Không kể đến việc anh lập web với tham vọng bán khoai cho thế giới, Ba Hạo gây ấn tượng với tôi bởi anh là người dám lập phòng thí nghiệm, nghiên cứu, so sánh giống khoai lang ta và khoai lang Nhật Bản.
Nghiên cứu thành công, anh trồng thử một vài ha, lấy sản phẩm mang tặng vài doanh nghiệp Nhật. Kết quả, những vị khách của anh quay lại Kiên Giang, tìm đến anh đặt hàng khoai Nhật Bản
Nắm được cơ hội xuất khẩu, anh hướng dẫn cho nông dân khác, tập hợp họ cùng làm với mình. Nông dân cho anh thuê đất và làm công cho anh ngay trên chính ruộng của mình.
Ba Hạo vừa làm thương hiệu, vừa chỉ huy sản xuất… Mỗi năm, thu lời, anh không chỉ vui vì gia đình mình khấm khá hơn, mà còn vui vì những người xung quanh mình cũng thoát được khó nghèo nhờ bám đất…
Nhìn lại câu chuyện của Ba Hạo dễ thấy thành công trong nông nghiệp có được không chỉ nhờ cấy cày, mà còn phải nắm thật kỹ kiến thức, hiểu rõ về đất đai, cây trồng…
Vừa nghiên cứu, người làm nghề còn phải học, khám phá mô hình phát triển nông nghiệp các nơi trên thế giới để tìm cách ứng dụng giải pháp đó vào con đường mình đang theo đuổi. Vừa học, vừa tích cực ứng dụng sẽ tìm thấy con đường riêng cho mình.
Bài toán lợi ích cho nhiều người
Nông dân chúng ta có thể trồng hầu hết mọi nông sản, nhưng không thể tiêu thụ hết các sản phẩm vì không có thị trường. Một nông dân cá thể sản xuất theo kiểu tự cấp thì được, còn muốn sản xuất hàng hóa thì phải kết hợp với nhau để có thể sản xuất khối lượng lớn, chất lượng cao, cung cấp đúng thời điểm và giá phải cạnh tranh.
Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng, Tây Nguyên đang là mảnh đất đầy triển vọng cho nông nghiệp. Cây bơ, rau củ, cà phê…, đến cả những cây tưởng chừng chỉ có thể trồng được ở vùng ôn đới cũng có thể sống mãnh liệt và cho hoa lợi dồi dào trên mảnh đất này. Các bạn trẻ, nếu có thể, hãy mạnh dạn đến đây khai thác!
Tôi còn nhớ, trước đây, ở Kon Tum, sim là giống cây mọc dại và phát triển rất nhiều. Cho đến khi anh Trịnh Công Phát, Giám đốc Công ty Cổ phần Sơn Phát, chuyên sản xuất nước lên men Sim Sơn, từ Phú Quốc đến nơi này, cây sim đã trở thành nguồn lợi của bà con nơi đây, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ là một giáo viên, để làm nên doanh nghiệp, anh Phát đã thường xuyên đi khắp nơi, liên kết các nhà khoa học nghiên cứu quy trình sản xuất rượu theo dây chuyền công nghệ thay cho phương pháp ủ đường lên men thủ công. Nghiên cứu thành công, anh đầu tư nhà xưởng, áp dụng quy trình sản xuất với tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt.
Chính nhờ vậy, nước lên men Sim Sơn đã được rất nhiều du khách mua về làm quà biếu. Phát triển ở Phú Quốc nhưng thấy tiềm năng của cây sim Kon Tum, anh cũng mạnh dạn mở rộng mô hình.
Thế mới thấy, nông nghiệp là bài toán có tính chất xã hội cao vì nó mang lại lợi ích cho nhiều người… Bản thân tôi trân trọng những người mạnh dạn dấn thân vào nông nghiệp. Tất nhiên, xuất phát điểm của họ cũng đơn giản là làm giàu cho gia đình, nhưng con đường của họ đã mở ra lối đi cho cả cộng đồng.
Theo: “Đừng quên nghề lúa, đừng bạc nghề nông” (GS.TS VÕ TÒNG XUÂN/Diễn đàn Doanhnhansaigon).