Khó khăn cuộc sống thời sinh viên

(hieuhoc_hieuhoc.com) Nhiều sinh viên không thể đương đầu với những khó khăn, thử thách trong quãng đời sinh viên. Nguyên nhân chính khiến các bạn trẻ mắc chứng trầm cảm là do các vấn đề về tài chính, áp lực học hành và chuyện tình cảm.

Cũng bởi các bạn trẻ chúng ta thiếu các kỹ năng đương đầu, không biết cách giải quyết khi cảm thấy nản chí hoặc thất vọng. (Tuyệt vọng – tranh: Mats Eriksson)

Những người trẻ tuổi đang phải đối mặt khó khăn

Theo các nhà tâm lý, lối suy nghĩ cầu toàn sẽ trói buộc cảm nhận về giá trị cá nhân trong mỗi người. Trong đó, cuộc sống thời sinh viên là khoảng thời gian rất đáng lo ngại bởi khi đó con người rất dễ bị tổn thương. Ví dụ như nếu kết quả trong một kỳ thi không tốt, những người cầu toàn có thể cảm thấy rằng: “mình là kẻ thất bại”. Nhìn chung, người dễ bị trầm cảm là người thường có tính quá lo lắng, cầu toàn, hay tự chỉ trích, thiếu quyết đoán, hay do dự… Nếu bị thêm sức ép từ bên ngoài quá căng thẳng thì dễ suy sụp,

Đối với các sinh viên, cuộc sống ở thời điểm này là một bước chuyển tiếp để trưởng thành và thật sự bước vào đời. Thời kỳ này cũng diễn ra những sự kiện trọng đại như tự lập, chuẩn bị có gia đình và có con cái. Vì thế, viễn cảnh không có công việc (địa vị) và không có được các mối quan hệ xã hội thường là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm cảm.

Tình trạng phân chia nhóm chơi, chơi theo kiểu bè phái, theo đẳng cấp trong lớp, trong trường cũng là nguyên nhân phát sinh bạo lực và trầm cảm, nhiều sinh viên có những biểu hiện tâm sinh lý, thái độ sống, nhân cách phát triển lệch lạc.

Ngoài ra, cơm – áo – gạo – tiền cũng là nỗi lo toan đối với những sinh viên mà gia đình không khá giả trong thời gian học đại học. Phải dè sẻn chi tiêu và bươn chải kiếm việc làm thêm khiến cho việc học của họ trở nên căng thẳng hơn, đôi khi phải chấp nhận xao lãng việc học hành.

Tóm lại, cuộc sống thời sinh viên là thời điểm cho những quyết định lớn trong cuộc đời và áp lực “thành đạt” chính là khó khăn phải vượt qua. Trong đó, chuyện tình yêu là một trong những vấn đề có thể gây nên trầm cảm. Cộng vào đó, việc lựa chọn con đường cho sự nghiệp cũng diễn ra trong giai đoạn này. Với xu hướng tâm lý cho rằng, không thể tranh đua, không thể tiến lên khiến họ có thể cảm thấy vô vọng và thậm chí tuyệt vọng. Cho dù ở mức độ nào, trạng thái trầm cảm trong giai đoạn này chắc chắn sẽ hạn chế các cơ hội trong tương lai của mỗi người.

Sống tích cực và không vướng bận

Chúng ta cần biết cách giải quyết những ưu tư, lo lắng, phiền muộn, giận dữ… đối với các vấn đề trong cuộc sống, các vấn đề cá nhân và cả bệnh tật của mình. Một người luôn biết cách giữ tinh thần thoải mái, không cảm thấy áp lực và luôn có cái nhìn tích cực với cuộc sống xung quanh thì sẽ tạo được cho mình niềm tin và hạnh phúc tận hưởng cuộc sống. Hãy luôn nhận biết các hoạt động hàng ngày của mình để không bị cuốn theo các cảm xúc tiêu cực.

Nguyên tắc là đừng tự đòi hỏi mình phải luôn hoàn hảo, phải luôn đúng! Nên tránh né những kẻ “phun” nọc độc! Luôn có những người không vừa lòng với tất cả những gì bạn làm. – Phải như thế này, nên như thế kia… Những lời bạn nói, trang phục bạn mặc, những nơi bạn đến, tất cả đối với họ như thể đều là sai lầm. Bởi họ rất sung sướng khi “tiêm” được nọc độc cho kẻ khác. – (Tôi ơi đừng tuyệt vọng – Hình: 360plus.yahoo.com)

Hy vọng chính là điều thúc đẩy người ta hành động. Người ta cũng thường nghĩ, cuộc sống sung túc, vị trí cao trong xã hội được xem như bước cần thiết trong việc tạo dựng một thế giới tốt đẹp. Làm sao chúng ta có thể hăng hái làm việc nếu chúng ta không hy vọng thành công?

Có nhiều cách suy nghĩ để giải quyết vấn đề khó khăn này. Giải pháp nào sẽ tùy từng người, nhưng đừng tự đẩy mình vào thế kẹt trầm cảm, tức là cam chịu. Hãy nhẹ nhàng từng bước một gỡ rối cho tâm thức.

Một trong những cách đó là, hãy đối diện và sống với hiện tại, khi bạn đã quen với ý niệm “ngay lúc này”, bạn sẽ bắt đầu càng lúc càng tập trung hơn vào giá trị chân thực, sự phù hợp (hoàn cảnh) của bản thân công việc mà bạn đang thực hiện… rồi dần dần bạn sẽ bớt ý tưởng lo lắng cho kết quả công việc nào đó trong tương lai… Cuối cùng, chính sự “quản lý tâm trí” của mình là điều cứu vãn mọi sự.

Trong cuộc sống, không phải những điều gì chúng ta sợ, chúng ta không mong muốn đều có thể tránh được. Vì thế, học cách quản lý tâm trí của mình để có thể hành động phù hợp trước mọi hoàn cảnh – trong học tập – làm việc – kiếm sống – những điều ta cần làm thì làm, không quan tâm đến to hay nhỏ, thành công hay thất bại, hoàn hảo hay không hoàn hảo… Miễn là ứng phó theo mọi cách mà khả năng ta có thể làm. Vả lại, muốn sống hết mình, làm hết mình, và cống hiến hết mình, thì cũng phải tự hiểu mình, nhận biết mình trước đã, không phải vậy sao?

Không dễ dàng chấp nhận thất bại. Hãy học cách kiên nhẫn và chai lì với những thất bại trên đường dài tìm kiếm những thành công. Những người thành đạt thường phải trải qua rất nhiều thất bại, nhưng họ đã bỏ công sức hơn những người bình thường.

Tránh khỏi những phản ứng từ cảm xúc ưu tư và sợ hãi, cũng có nghĩa là bạn đang tìm học cách quản lý tâm trí để thấy được sự trong sáng và năng lượng của nó. Bạn có thể vẫn còn giận dữ, nổi nóng và thất vọng… nhưng bạn sẽ không còn những phản ứng “điên – cảm” bị dẫn dắt bởi những cảm xúc có tính hủy hoại ấy nữa. Bạn sẽ học được cách nghỉ ngơi, sống với thực tại và chú tâm. Chính nhờ vậy mà chúng ta giải quyết được vấn đề căn bản của trầm cảm, giảm được gánh nặng cho tâm trí và tất nhiên cuộc sống trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hơn.

=> Quản lý tâm trí: Tiếng nói bên trong (Bài 2)

Gia Nghi tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Cùng chuyên mục