Khi vấp phải sai lầm trong công việc.

(hieuhoc_hieuhoc.com) Không ai có thể tránh sai lầm, không ai thành công tuyệt đối, và những nỗ lực nào đó cũng có thể phó cho dòng nước cuốn trôi. Vì thế, nếu mỗi khi vấp phải sai lầm, bạn “luôn luôn” vô cùng buồn chán và giảm sút niềm tin, thì như thế có nghĩa là bạn có quan điểm không chính xác và chưa thể rút ra bài học trong thất bại.

Nhiệm vụ hiện tại của chúng ta không phải là hối tiếc về sai lầm của quá khứ, mà là điều chỉnh con đường cho tương lai…

Đừng nhầm lẫn giữa sai lầm và thất bại. Khi vấp phải sai lầm, có thể chúng ta mất tinh thần đến mức cho rằng mình là kẻ thất bại mà không biết rằng, sai lầm và vấp ngã chỉ là thử thách trên con đường đi đến thành công. Chúng ta có thể đã sai lầm, nhưng chúng ta không phải là người thất bại. Chúng ta có thể bị người khác lừa dối, nhưng không phải vì thế mà chúng ta là kẻ xuẩn ngốc. Chúng ta chỉ thật sự thất bại khi chúng ta bỏ cuộc.

Trước tiên, bạn hãy tha thứ cho bản thân, hãy nhớ rằng sai lầm là điều không thể tránh khỏi cả trong công việc và cuộc sống cho dù bạn được đánh giá là một nhân viên xuất sắc, hoàn hảo đến đâu. Điều quan trọng là bạn biết cách kiểm soát tình hình để hạn chế sai lầm cũng như rút ra bài học để không mắc lỗi tương tự và tiếp tục tiến lên trong tương lai.

Nhiều người đã học được từ những sai lầm thì bạn cũng có thể học được như vậy. Bạn hãy hỏi chính mình: “Khi tôi thất bại, tôi có học được gì từ sai lầm dẫn đến thất bại ấy không?” – Như thế, bạn sẽ không sợ thất bại (cho dù thất bại cũng sẽ nảy sinh hiệu quả tích cực từ trong đó).

Nhờ sai lầm mà bạn học được các bài học giá trị (dù cái giá phải trả có thể rất đắt) và khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trong vai trò của mình. Bạn sẽ biết phải làm gì và không được làm gì nếu rơi vào tình huống tương tự trong tương lai. (Có người sống và học hỏi, trong khi có người sống mà không bao giờ chịu học). Mắc lỗi thì phải rút kinh nghiệm. Sai lầm lớn nhất của con người là để lập lại chính sai lầm đó. Đừng đổ lỗi và biện bạch. Cũng đừng ray rứt mãi vì một lỗi lầm. Những gì bạn thể hiện sau sai lầm sẽ cho bạn biết nhiều hơn về khả năng của mình.

Tóm lại, bạn sẽ không vì vấp phải sai lầm mà sợ hãi. Bởi vì bạn ý thức được: Sai lầm đó hoàn toàn không đại diện toàn bộ về bạn. Bạn càng không sợ bị cự tuyệt, càng không quan tâm người khác nghĩ gì về bạn, dù họ có thích bạn hay không sau sai lầm đó…, thì bạn càng có thể phát huy đầy đủ tiềm năng và sức sáng tạo của mình!

Chúc bạn vượt qua những trở ngại và thành công.

Ngọc Trâm tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

Học cách không thoái thác.

(hieuhoc_hieuhoc.com) Học cách không thoái thác để có thể tỉnh táo nhận ra nguyên nhân vì sao mình chưa thể hoàn thành nhiệm vụ hoặc chưa thể đạt được mục tiêu. Đó là không tìm cớ quanh co mà sẽ phân tích nguyên nhân một cách tỉ mỉ để tiếp tục tìm ra con đường dẫn đến thành công   

Cùng chuyên mục