Khi sự sáng tạo bị quy là kẻ thù

Có lẽ bạn đã từng nghe những lời kêu gọi từ bộ máy lãnh đạo trong công ty: Chúng tôi muốn nhìn thấy nhiều sự sáng tạo hơn ở tất cả các cấp. Sếp của bạn có thể cũng đồng tình với điều này – nói cho cùng, ai mà không thích sự sáng tạo?

Thế nhưng khi nói đến sự sáng tạo trong công việc, có lẽ bạn nên hạ thấp sự kỳ vọng. Ý tưởng của bạn nhiều khả năng sẽ chết lâm sàng trên bàn của sếp thay vì đến được tai của CEO.

Không phải là các quản lý cấp cao không thích những ý tưởng mới. Thế nhưng những người quanh bạn, từ các đồng nghiệp cho tới quản lý – thường không sẵn sàng đón nhận sự thay đổi.

Chỉ sáng tạo thôi thì không đủ, bạn còn phải thuyết phục người khác ý tưởng này sẽ có lợi cho họ ra sao!

Khi ý tưởng trở thành kẻ thù

Ngày nay, các công ty lớn không chịu sáng tạo đều đối mặt với thất bại. “Nhiều công ty đã bị buộc phải tuyên bố rằng họ đang thay đổi,” Lynn Isabella, giáo sư tại Đại học Virginia Darden School of Business ở Hoa Kỳ, nói. Đúng vậy, ngay cả các công ty cũng phải chịu áp lực xã hội.

Thế nhưng “không phải các tổ chức chống lại thay đổi mà chính là con người bên trong các tổ chức ấy,” Isabella nói. “Người ta thường toan tính xem những thay đổi đó sẽ mang lại lợi ích gì cho họ.”

Điều này không có nghĩa là ý tưởng của bạn sẽ không được chấp nhận. Vấn đề là chỉ ý tưởng thôi thì không đủ, bạn còn phải thuyết phục người khác điều này sẽ có lợi cho họ ra sao, bà giải thích. Nói cách khác, cách bạn đặt vấn đề là điều quan trọng hơn cả.

Bạn cần nắm bắt những điều mà đối tượng trình bày của bạn sẽ tự hỏi bản thân họ, Isabell nói. Ví dụ, sáng kiến này sẽ tác động tới cá nhân tôi ra sao? Chính xác hơn: liệu nó có mang lại thách thức trong công việc của tôi hoặc mở ra các cơ hội mới cho tôi hay không? Thứ hai, nó có ý nghĩa thế nào với công việc của tôi? Liệu tôi có mất việc hay không? Nói rộng ra, liệu điều này có đáng thực hiện hay không?

Câu hỏi cuối cùng là vô cùng quan trọng bởi vì chúng ta biết rằng các công ty đều muốn tạo sự thay đổi, và trong rất nhiều trường hợp, những sự thay đổi này không mang lại kết quả tích cực.

Đáng tiếc là những câu trả lời cho những câu hỏi này thường không nghiêng về phía những ý tưởng sáng tạo, Isabella nói. Do đó những người mà bạn cần thuyết phục lại thường không cảm thấy bị thôi thúc phải thay đổi.

Mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn vậy, lịch sử nói lên điều đó.

“Những người có ý tưởng mới xem những người thành công dựa vào trật tự cũ là kẻ thù, và có rất ít sự ủng hộ dành cho những ai thành công dựa trên trật tự mới,” Niccolo Machiavelli, nhà cố vấn cho tầng lớp giàu có và quyền lực tại Ý hồi thế kỷ 15, 16 viết.

“Họ không giành được nhiều sự ủng hộ vì con người thường đầy hoài nghi, họ không thực sự tin vào một điều gì đó mà mình chưa từng trải nghiệm qua.”

‘Ngay bây giờ’

Cách lý giải này có thể bị cho là khá chung chung, nhưng nó cũng là cách giải thích khá chính xác cho nguyên nhân vì sao những ý tưởng mới thường bị giết chết ở hầu như mọi công sở. Thế nhưng bên cạnh đó còn nhiều nguyên nhân cụ thể hơn.

Một trong các vấn đề thường gặp hay nảy sinh khi bộ máy công ty bắt đầu phình ra.

“Ưu tiên của công ty bắt đầu chuyển dần từ những tầm nhìn dài hạn sang doanh số của quý tiếp theo,” George Deeb, thành viên điều hành tại công ty tư vấn đầu tư Red Rocket Ventures, nói.

“Khi bạn tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn thay vì doanh số dài hạn, bạn đang trói buộc sự sáng tạo.”

Hãy tưởng tượng khi bạn có một ý tưởng tuyệt vời chỉ tốn 10 triệu đô la để thực hiện, nhưng lại có khả năng tạo ra 1 tỷ đôla lợi nhuận trong tương lai. Tuy nhiên lãnh đạo công ty có thể chỉ nhìn thấy vấn đề ở chỗ là công ty sẽ bị thâm hụt 10 triệu đôla trong báo cáo tài chính của quý này.

“Các nhà lãnh đạo không muốn liều lĩnh với những khoản đầu tư,” Deeb nói. “Họ muốn tập trung nỗ lực vào doanh thu trước mắt.”

Cách nhìn này hoàn toàn ngược lại với chính sách hoạt động của Amazon, ông nói. Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, đã liên tục hướng sự kỳ vọng của các nhà đầu tư vào những mục tiêu xa hơn thay vì doanh thu hàng quý.

Deeb chỉ ra những thay đổi lớn mà nhà khổng lồ trong lĩnh vực bán lẻ này đã trải qua từ một trang bán sách qua mạng vào những năm 1990. Giờ đây, Amazon là công ty chuyên cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, tổng kho bán, phân phối hàng hóa các loại, và cả dịch vụ phát tải nội dung trực tuyến, streaming. “Tất cả những sáng kiến này đến từ chính những người làm việc tại Amazon,” ông nói. “Tôi không nghĩ Jeff Bezos có thể tự làm tất cả.”

Bên cạnh đó, Amazon còn sẵn sàng tung ra những sản phẩm đã từng thất bại. Những thử nghiệm của công ty này bao gồm điện thoại Fire, ứng dụng Wallet, và trang chọn giá tốt Amazon local. Tất cả những sản phẩm này giờ là dĩ vãng.

Tất cả những sản phẩm này cho thấy đó là một công ty sẵn sàng chấp nhận những cuộc phiêu lưu nhiều rủi ro.

‘Không hoan nghênh những người sáng tạo nộp đơn’

Thế nhưng có một vấn đề khác.

“Các tập đoàn tuyển dụng những người giỏi, nhưng họ không tuyển dụng những người thích mạo hiểm,” Joan Adams, nhà sáng lập công ty tư vấn Pierian Consulting, nói. “Họ tuyển dụng những người có cùng suy nghĩ với mình.”

Vì vậy, nếu một quản lý không thích rủi ro, ông ta cũng sẽ muốn tuyển những người không thích rủi ro. Ngay cả sếp đứng trên người quản lý đó cũng vậy, bà nói.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến vấn đề chính trị.

“Đôi khi con người ta không chịu thừa nhận nỗ lực của ai đó chỉ do vấn đề chính trị,” Steven Danley, đồng tác giả cuốn Management Diseases and Disorders, nói.

“Nếu ai đó không được nhiều thiện cảm trong một tổ chức, ý tưởng của người đó nhiều khả năng sẽ bị loại.”

Liệu sẽ có bao nhiêu quản lý muốn thúc đẩy một ý tưởng mà họ biết trước sẽ bị loại? Vì vậy, ngay cả khi ý tưởng của bạn có nhiều tiềm năng, nếu bạn đã gây mất lòng ai đó ở cấp cao hơn, ý tưởng của bạn sẽ bị loại.

Ngoài ra còn phải kể đến chuyện năng lực. Một số người không đủ thông minh hoặc đủ giỏi để phân tích liệu ý tưởng mới có tốt hay không, Danley nói. Thế nhưng nên cẩn thận trong chuyện này, vì gần như tất cả chúng ta đều phạm lỗi này, nhất là khi một sáng kiến quá khác lạ.

Thế nhưng, tất cả không phải là vô vọng.

“Có hẳn một ngành công nghiệp được tạo thành từ những người không suy nghĩ bằng tư duy của những tập đoàn lớn,” Adams từ Pierian, nói. “Mỗi năm, những nhà tư vấn như tôi giúp các công ty tháo gỡ các vướng mắc với giá rất cao.”

Vì vậy, nhiều khả năng ý tưởng của bạn không được chấp nhận là do vị trí của bạn trong công ty. Những sáng kiến từ bên ngoài, nhất là từ những hãng tư vấn thành công như Pieran, dễ được các sếp cân nhắc hơn.

Bich Trâm (Theo: BBC Capital).

Bài liên quan

Mở cửa sáng tạo

(hieuhoc_hieuhoc.com) Có hàng nghìn, hàng vạn, hàng tỉ cánh cửa đi vào sáng tạo, nhưng bạn phải tìm cho ra cánh cửa duy nhất của riêng mình. Cánh cửa này có thể nhỏ, có thể lớn, cái gì cũng được bởi ý nghĩa mới là quan trọng. Ý tưởng của bạn không cần phải vĩ đại, chỉ cần nó chính là của riêng bạn, bạn sẽ có nhiều tự do để thực hiện những điều kỳ diệu.

Cùng chuyên mục