Khát vọng tri thức của cô giáo tật nguyền

Bằng nghị lực phi thường, hơn 30 năm nay, Ngô Tuyết Lan vẫn miệt mài đứng lớp dạy phụ đạo cho các học sinh ở khắp nơi tìm đến dù bị bại liệt.

Một trận ốm nặng do virút bại liệt đã khiến Ngô Tuyết Lan (ảnh) – 53 tuổi (Hồng Mai, phường Bạch Mai, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) phải gánh chịu đôi chân teo tóp, đi lại khó khăn.

Tuổi thơ tật bệnh

Lan sinh ra trong một gia đình có 2 chị em gái. Chị là con thứ hai và cũng là người kém may mắn nhất.

Khi được 1 tuổi, chị bị trận ốm nặng do virút bại liệt. Dù cha mẹ đã cố gắng chạy chữa rất nhiều, nhưng di chứng thì vẫn còn đó. Càng lớn chân tay chị lại càng teo tóp và mỗi bước đi cứ thêm xiêu vẹo. Đôi chân đã thế, đôi tay chị cũng chả khá hơn, không còn cảm giác cầm nắm, kể cả việc cầm bút. Vậy là Tuyết Lan bỗng trở thành một cô bé bại liệt.

Hơn 3 năm, Tuyết Lan phải chống chọi với căn bệnh quái ác kia. Nhiều hôm trái gió trở trời, căn bệnh ấy lại hành hạ chị. Những vết thương cũ chưa lành thì ngay lập tức vết thương mới lại tiếp diễn, khiến chị luôn đau đớn. Mọi sinh hoạt hằng ngày của Tuyết Lan phải phụ thuộc vào mẹ.

Tới tuổi đến trường, bà Khánh – mẹ Tuyết Lan – đã lặn lội ngược xuôi xin nhà trường nhận Lan vào học. Tới lúc vào học, mẹ và người chị gái thay phiên nhau cõng Lan đến trường chỉ với hy vọng cô biết chữ.

Khi biết được niềm vui ấy, Tuyết Lan bắt đầu tập đi, với những bước đi ngắn và xiêu vẹo đầy khó khăn. Đôi bàn tay nhỏ xíu của em cứ lần lần bám vào thành cửa, thành giường hoặc bất cứ thứ gì để có thể làm điểm tựa giúp em nâng bước. Nhưng chị cũng không ít lần bị vấp ngã.

Rồi Lan đã có thể đi được khoảng 10 bước mà không cần ai đỡ. Tuy vậy, chân Lan vẫn còn yếu lắm, cứ mỗi lần tự bước đi không có mẹ là bàn chân cô lại sưng tấy thêm phần đau đớn, tê nhức ở các khớp.

Năm 1977, chị thi đỗ khoa Văn thư lưu trữ của Trường ĐH Ngoại ngữ, khi đó đặt tại Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Người mẹ háo hức chờ ngày cô con gái bé bỏng bước lên giảng đường. Thế nhưng, niềm vui ấy lập tức bị dập tắt, khi chị vừa lên Vĩnh Phúc nhập học được vài ngày, trong đợt kiểm tra sức khỏe đầu vào, chị được bác sĩ cho hay: Với tình trạng sức khỏe này, chị phải nghỉ học để điều trị…

Việc nhà trường không tiếp tục cho Lan theo học còn bởi một lý do: Chị không thể đi đứng, dạy được sau khi tốt nghiệp. Không tuyệt vọng, chị vẫn quyết tâm theo đuổi con đường học vấn nhen nhóm ước mơ của mình theo nghiệp “gieo chữ”: Chị đã tự học tiếng Nga – thứ tiếng mà chị rất thích từ những năm học phổ thông.

Bén duyên với nghiệp “trồng người”

Trong lần tình cờ có người bạn đến phàn nàn với chị về trình độ tiếng Nga của đứa con gái rất kém, chị mạnh dạn đề nghị được làm gia sư giúp cháu. Trong hai tháng, chị đã giúp cháu tiến bộ hẳn và còn thi đỗ vào trường cấp 3 với số điểm rất cao.

Từ đó, đã thêm nhiều gia đình tìm đến nhờ cô dạy dỗ con mình. Và chỉ sau một thời gian, những học sinh sau khi được “cô giáo” Lan dạy kèm đều tiến bộ lên rất nhiều. Từ vài học sinh, chỉ trong gần một năm đã tăng lên hàng chục, thậm chí ngót trăm em tìm đến xin được chị dạy kèm và chị gắn bó nghề nhà giáo từ độ ấy.

Đến giờ, chị không thể nhớ nổi đã có biết bao nhiêu học sinh đến rồi đi. Có biết bao người trong số đó đã đỗ trường chuyên, vào đại học. Có người sau này là giám đốc doanh nghiệp, gặp chị hỏi thăm mà chị không hề nhớ nổi. Nhiều người giờ thành đạt và có gia đình vẫn thương xuyên đến thăm chị vào Ngày Nhà giáo VN, dù chị không phải là một nhà giáo theo đúng nghĩa.

Nhưng chính nó khiến chị nhận ra rằng, nhà giáo không phải là cái danh, nhà giáo chỉ xuất phát trong tâm của người truyền chữ và nhận chữ. Điều đó càng khiến chị yêu hơn nghề “trồng người”. Có những học sinh biết hoàn cảnh gia đình cô khó khăn, mẹ già yếu, bố qua đời, chị gái đã lấy chồng nên thường lui tới thăm nom, săn sóc, đỡ đần, coi chị như mẹ mình.

Sau những bộn bề cuộc sống, mỗi ngày, “cô giáo” Tuyết Lan vẫn miệt mài bên từng trang giáo án, mải mê với từng con chữ, những cuốn sách hay…, những mong sẽ truyền đạt lại kiến thức cho các em bằng tâm huyết của mình. Trong ngôi nhà có mỗi mình người phụ nữ tật nguyền sinh sống, song vẫn không có cảm giác hiu quạnh, buồn tẻ bởi ở đó, mỗi sớm mai thức dậy, người ta vẫn thấy văng vẳng tiếng trò truyện, đọc sách, cười đùa, trao đổi bài của những đám học sinh ngộ nghĩnh..

Nguồn: vietbao

Bài liên quan

Gieo chữ trên chiếc xe lăn

Đã hơn 5 năm qua trên chiếc xe lăn cũ kỹ người thầy tật nguyền vẫn lặng lẽ dạy học cho những đứa trẻ nghèo quê mình như một việc làm bình dị để thấy mình vẫn còn có ích giữa cuộc đời này. Người mà chúng tôi nhắc đến là thầy Tư Trang (tên đầy đủ là Phạm Viết Trang, 41 tuổi, ở làng Gia Hội, Quế Phong, Quế Sơn, Quảng Nam).  

Cậu học trò người Dao khuyết tật hiếu học

  Tay trái khiếm khuyết, hai chân teo tóp, đi lại khập khiễng đi lại, cậu bé người Dao Triệu Lâm Cường (HS lớp 3A, Trường Tiểu học Hùng Vương, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) không đầu hàng số phận, vượt lên tật nguyền chăm chỉ đến trường học chữ.

Ước mơ của " đôi chân da cam "

Cương mơ được đi học ngành mà mình yêu thích là ngành công nghệ thông tin, được thỏa chí tò mà, và quan trọng hơn cả là được mọi người xem mình như một người bình thường…

Cùng chuyên mục