Là cuộc thi khoa học quốc tế lớn nhất thế giới dành cho học sinh trung học, Intel ISEF năm nay thu hút 75 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia với tổng giá trị giải thưởng lên đến 4 triệu đôla Mỹ.
Ngày 12/5, đoàn 14 học sinh Việt Nam đã sang Mỹ tham dự Intel ISEF. Tối qua, Phạm Huy – nam sinh Quảng Trị chế tạo cánh tay robot cho người khuyết tật – cũng lên đường. Những học sinh THPT này là tác giả của 8 dự án giành chiến thắng trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và vượt qua kỳ sát hạch tiếng Anh. 2017 là năm Việt Nam mang nhiều dự án tham dự Intel ISEF nhất kể từ khi tham dự vào năm 2012.
Intel ISEF là gì?
Hội chợ Khoa học và Kỹ thuật quốc tế Intel (Intel ISEF) là chương trình của Society for Science & the Public (gọi tắt là SSP hoặc Society) – tổ chức phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học thông qua giáo dục, có trụ sở tại Washington (Mỹ). Năm 1950, hội chợ khoa học này được tổ chức lần đầu với quy mô quốc gia tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania (Mỹ). Năm 1958, với sự tham gia của Nhật Bản, Canada và Đức, nó mở rộng và hiện là cuộc thi khoa học quốc tế lớn nhất thế giới.
Theo website chính thức của Society, Intel là nhà tài trợ chính của cuộc thi từ năm 1997. Ngoài ra,Societyphối hợp với khoảng 70 nhà tài trợ khác quan tâm đến khoa học, từ doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đến chính phủ.
Hàng năm, khoảng 1.800 học sinh trung học phổ thông từ hơn 75 quốc gia, vùng lãnh thổ được trao cơ hội giới thiệu nghiên cứu độc lập của mình và cạnh tranh với nhau ở 22 lĩnh vực: khoa học động vật, kỹ thuật y sinh, hóa học, toán học… Những nhà khoa học tương lai này được tuyển chọn từ hàng triệu học sinh chiến thắng hội chợ khoa học tại trường hoặc địa phương, thể hiện vượt trội trong các hội chợ khu vực và quốc gia có liên kết với Society. Các hội chợ quy mô nhỏ hơn này được tổ chức trong suốt năm và hoàn thành vào đầu tháng 4.
Intel ISEFđược tổ chức tại các thành phố ở Mỹ (năm 1995 tổ chức tại Canada). Mỗi thành phố hỗ trợ cho sự kiện này bằng cách tuyển dụng hàng nghìn tình nguyện viên và giám khảo, tổ chức một ngày tiếp cận giáo dục với hơn 3.000 học sinh cấp hai, cấp ba ghé thăm. Năm 2017, thành phố Los Angeles, bang California, là địa điểm diễn ra cuộc thi từ 14 đến 19/5.
Các dự án tranh tài ở Intel ISEF được xem xét và đánh giá bởi khoảng 1.000 chuyên gia về khoa học, kỹ thuật đóng vai trò giám khảo. Tất cả chuyên gia đều có bằng tiến sĩ hoặc tương đương, cộng thêm ít nhất 6 năm kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực này. Họ có thể là giảng viên, nhà khoa học, kỹ sư nông nghiệp, đại diện cơ quan nghiên cứu khoa học… và phải ký một thỏa ước về đạo đức với nhà tổ chức.Đặc biệt hơn, họ tình nguyện bỏ thời gian, tự trả chi phí đi lại và ăn ở trong thời gian diễn ra cuộc thi.
Điều kiện tham dự
Điều kiện tham dự cuộc thi được quy định rất chặt chẽ trong website, bao gồm thí sinh đang theo học lớp 9-12 hoặc tương đương, chưa đủ 20 tuổi tính đến ngày 1/5 ngay trước khi cuộc thi diễn ra. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, học sinh phải trình bày sản phẩm của mình bằng ngôn ngữ này.
Mỗi học sinh chỉ được phép tham gia một dự án được nghiên cứu không quá 12 tháng liên tục. Các hội chợ liên kết vớiIntel ISEF có thể gửi số dự án theo thỏa thuận giữa hai bên.Mỗi đội dự án không quá 3 thành viên,được khuyến khích chỉ định một người đứng đầu nhóm để phối hợp công việc và hành động như người phát ngôn. Tuy nhiên, mỗi thành viên của nhóm nên có khả năng làm người phát ngôn, tham gia đầy đủ và làm quen với tất cả khía cạnh của dự án. Công việc cuối cùng phản ánh những nỗ lực phối hợp của tất cả thành viên trong đội và sẽ được đánh giá bằng các quy tắc tương tự dự án cá nhân.
Ngoài ra, một dự án nghiên cứu có thể là một phần của nghiên cứu lớn hơn được thực hiện bởi các nhà khoa học chuyên nghiệp, nhưng phần được trình bày trong cuộc thi là phần cho chính học sinh đó nghiên cứu một cách đầy đủ. Gian lận khoa học và hành vi sai trái không được chấp nhận, bao gồm đạo tác phẩm, giả mạo, sử dụng hoặc trình bày tác phẩm của các nhà nghiên cứu khác. Khi phát hiện gian lận, ban tổ chức có quyền hủy bỏ công nhận đối với tác phẩm đó.
Giải thưởng
Intel ISEF trao hơn 600 giải cá nhân và đội thi đấu với tổng giá trị lên đến 4 triệu đôla Mỹ. Mỗi dự án được đánh giá ít nhất 4 lần với giải thưởng trên từng lĩnh vực được chia ra 4 thứ hạng có giá trị lần lượt 3.000, 1.500, 1.000 và 500 đôla.
Giải lớn nhất là Gordon E. Moore (tên nhà đồng sáng lập Intel Corporation) trị giá 75.000 đôla được trao cho dự án tốt nhất tại cuộc thi, ngoài ra còn hai giải nhà khoa học trẻ củaIntel Foundation – mỗi giải trị giá 50.000 đôla.
Hàng trăm học sinh cũng sẽ nhận được các giải thưởngbổ sung, bao gồm học bổng, chuyến thực tập mùa hè,thiết bị phòng thí nghiệm,chuyến tham quan khoa học,gặp gỡ các nhà khoa học nổi tiếng thế giới tại Caltech…
Năm 2016, Han Jie (Austin) Wang – nam sinh 18 tuổi đến từ Vancouver, Canada giành giải thưởng cao nhất từ cuộc thi nhờ ý tưởng phát triển các tế bào nhiên liệu vi khuẩn giúp chuyển đổi chất thải hữu cơ thành điện năng hiệu quả hơn. Nữ sinh Kathy Liu (17 tuổi) đến từ Utah và nam sinh Syamantak Payra (15 tuổi) đến từ Texas được trao hai giải 50.000 đôla.
Nhiều thành tích ấn tượng khác của người trẻ cũng được ghi dấu tại Intel ISEF qua các năm. Jack Andraka đến từ Mỹ giành giải thưởng cao nhất tại cuộc thi năm 2012 khi mới 15 tuổi nhờ nghiên cứu giúp phát hiện sớmung thư tuyến tụy, buồng trứng và ung thư phổi. Nam sinh tài năng này sau đó tham dự Đại học Stanford danh giá bậc nhất nước Mỹ, là diễn giả TED Talks đi khắp thế giới truyền cảm hứng cho mọi người và tiếp tục theo đuổi đam mê khoa học.
Tập đoàn danh tiếng Intel mong muốn tạo ra nhiều cơ hội để thanh thiếu niên có thể theo đuổi các nghiên cứu tiên tiến và giải quyết vấn đề theo cách hoàn toàn mới. Intel ISEF được xem là giải “Nobel nhí” nhờ ý nghĩa và sức lan tỏa trong cộng đồng học sinh. Liệu pháp chữa ung thư hay chiếc “bóng đèn” kế tiếp của nhân loại rất có thể bắt đầu bằng dự án khoa học của một học sinh 15 tuổi.
Theo: Phiêu Linh (Giáo dục/VNE)
·Chính thức tham dự Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế Intel ISEF từ năm 2012, Việt Nam luôn là một trong những quốc gia, vùng lãnh thổ có giải hằng năm. Năm 2016, hội thi được tổ chức tại Hoa Kỳ với 1.374 dự án của học sinh đến từ 77 nước; đoàn Việt Nam có sáu dự án tham dự.
( Tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic quốc tế )