Tác giả Vũ Thế Dũng gần đây có nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hướng nghiệp cho học sinh và sinh viên. Tôi rất đồng tình vì không những định hướng nghề nghiệp sai lầm là một lãng phí kinh tế lớn cho quốc gia, mà còn có thể gây những tổn thương tâm lý xã hội lớn cho cả một đời người.
Có một điều cần nói thêm là nếu chỉ dựa vào nhà trường hay các tổ chức ngoài xã hội như các trung tâm tư vấn… thì e rằng còn lâu lắm mới giải quyết được vấn đề.
Vì cái gốc của nó chính là nhân cách của đa số bạn trẻ còn quá thụ động và không có thói quen quyết định cho bản thân. Điều này chủ yếu xuất phát từ giáo dục gia đình. Tình hình “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” trong chọn nghề có lẽ còn nặng hơn trong hôn nhân gia đình vì ít ra tình yêu còn là một động cơ mạnh đủ để các bạn giành lại hạnh phúc cho mình.
Cha mẹ ngày nay, nhất là từ giới trung lưu trở lên, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những giá trị thời thượng muốn con mình theo học những nghề đem lại nhiều tiền của, quyền lực, vị trí xã hội cao. Không ít người một cách không ý thức mong muốn con cái thực hiện giấc mơ chưa thành của chính mình. (Hi sinh đời bố, củng cố đời con). Họ sẵn sàng hi sinh tất cả để đạt được mục đích này và bất chấp năng khiếu, xu hướng, ước vọng của con mình. Nhân danh sự hi sinh này và lòng hiếu thảo mà con cái phải đáp lại phụ huynh, gây một sức ép quá lớn đối với bạn trẻ vốn đã quá thụ động và không dám quyết đoán.
Cha mẹ luôn đinh ninh rằng mình làm như thế vì “thương” con vì chưa hiểu đủ về tác hại của một định hướng nghề nghiệp sai lầm. Trong công việc nghề nghiệp của mình tôi tiếp xúc với vô số bạn trẻ “kêu cứu” về “tình thương” làm nghẹt thở này, nhất là khi các em bị ép vào một nghề mà họ không có một tí say mê nào. Các em thường nói: “Cô ơi cứu em với, giúp em nói thế nào cho cha mẹ hiểu rằng hạnh phúc đối với em không phải tiền bạc, địa vị mà được thể hiện chính mình, tìm được niềm vui qua phát triển tối đa tiềm năng của mình thôi”.
Và về mặt khoa học các em hoàn toàn đúng. Một nhà tư vấn tâm lý Mỹ kể về một thân chủ của bà như sau: John, một doanh nhân thành đạt ở tuổi 50, tới tìm bà vì tâm lý hoàn toàn suy sụp và rơi vào bệnh trầm cảm. Số là cha ông có một doanh nghiệp gia đình. Là con trai duy nhất, cha ông muốn ông học quản trị kinh doanh để nối nghiệp ông trong quản lý doanh nghiệp gia đình. Nhưng ông lại có nhiều năng khiếu và say mê hội họa nên không đồng ý với cha.
Ông cụ thì liên tục khích ông bằng những lời lẽ thách thức như: “Suốt đời mày sẽ không bao giờ làm nên trò trống gì…”. Tức quá ông đi học quản trị kinh doanh. Đậu cao và trở về quản lý doanh nghiệp gia đình. Nhưng chỉ vài năm sau bỗng nhiên ông cảm thấy tâm lý suy sụp, chán nản, hết muốn sống mà không hiểu nguyên nhân. Sau nhiều cuộc trao đổi với nhà tư vấn, ông mới hiểu ra là mình đang phải làm một nghề mà mình cảm thấy là gánh nặng. Với sự hỗ trợ của cha, ông quyết định trở về với sở thích cũ và sống hạnh phúc. Bởi lẽ, như nhà tâm lý kết luận: không ai tìm được hạnh phúc khi thực hiện một mục đích do người khác đặt ra.
Hi vọng khi hiểu ra điều này nếu thương con thật tình, các bậc phụ huynh nên giúp con tìm được hạnh phúc, mục đích duy nhất của đời người. Mà hạnh phúc mỗi người hiểu và thể hiện nó theo cách của mình. Người là sự sáng tạo, kẻ là sự cống hiến, kẻ khác có thể là cuộc sống thanh thản trong lao động giản đơn… Tiền bạc, vị trí quan trọng lắm nhưng không thể đánh đổi với hạnh phúc. Lắm khi nó còn đem lại bất hạnh.
Cuộc vận động phụ huynh rất cần không chỉ để các vị tạo điều kiện cho các em chọn lựa ngành nghề phù hợp nhất cho mình, mà còn thay đổi cách giáo dục gia đình để các em mau chóng biết suy nghĩ độc lập và sống tự tin. Suy cho cùng, mục đích duy nhất của giáo dục gia đình là nhanh chóng tạo ra những con người trưởng thành chứ không phải giữ trong tình trạng ấu trĩ. Giáo dục kiểu này không dễ vì tạo ra nhiều lo âu và đòi hỏi sự hi sinh. Nhưng ở đây không phải là hi sinh tiền của mà có khi là thời giờ, ý kiến riêng, ước mơ riêng của mình.
Theo Nguyễn Thị Oanh – TuoiTre