Hợp đồng lao động sẽ tạo cạnh tranh tuyển giáo viên giỏi

Bộ trưởng Giáo dục cho rằng việc thực hiện hợp đồng lao động sẽ tạo cạnh tranh để giáo viên giỏi có thể tham gia giảng dạy ở nhiều trường, tạo tiền đề quan trọng đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.

Ngày 20/5, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để khảo sát, xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo sẽ đẩy mạnh quyền tự chủ tuyển dụng của các trường. Bộ sẽ thí điểm thực hiện hợp đồng lao động thay vì hợp đồng làm việc của viên chức. Cách làm này, theo ông sẽ tạo sự cạnh tranh trong tuyển dụng giáo viên giỏi, để các trường nâng cao chất lượng giáo dục, thu hút học sinh.

“Việc thực hiện hợp đồng lao động sẽ tạo ra sự cạnh tranh để giáo viên giỏi có thể tham gia giảng dạy ở các trường khác nhau. Đây là tiền đề quan trọng để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; không phân biệt trường công trường tư mà chỉ lấy chất lượng và chuẩn mực giáo viên làm chuẩn”, ông nói.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo vào chiều 20/5. Ảnh:Moet.gov.vn

Đối với các đại học, Bộ sẽ quy hoạch lại theo các ngành đào tạo. Mỗi cụm trường, vùng có những ngành phù hợp để tập trung nguồn lực đầu tư tốt nhất.

Bộ trưởng Nhạ nêu ra một thực tế kéo dài 5-7 năm nay là các trường sư phạm gần như không được quan tâm đúng mức, đúng tính chất dẫn đến phải tự xoay xở một cách yếu ớt. Đầu vào trường không cao, trong quá trình đào tạo, tổ chức chưa được đầy đủ, sinh viên sau ra trường gặp nhiều khó khăn nên ít người làm đúng ngành sư phạm. “Đây là một sự lãng phí”, ông Nhạ nói.

Việcrà soát, quy hoạch chuẩn sư phạm theo hướng tập trung vào một số trường quốc gia, trọng điểm để đầu tư do đó là nhiệm vụ vô cùng lớn. Các trường cao đẳng sư phạm hay khoa sư phạm chỉ là vệ tinh để thực hiện đào tạo lại đội ngũ giáo viên các tỉnh.

“Mục tiêu chính của việc tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị, nguồn lực của ngành giáo dục, không phải là giảm biên chế hay tiết kiệm tiền. Mục tiêu lớn của công việc này là để nâng cao chất lượng giáo dục, trên sở cơ cấu lại, tổ chức lại những gì bất hợp lý; tháo gỡ những tắc nghẽn”, Bộ trưởng nói.

Đánh giá cao báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã xác định cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của cơ cấu lại nền kinh tế. Mục tiêu của đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức lại hệ thống là để hệ thống tinh gọn, ít đầu mối hơn nhưng hoạt động với chất lượng cao hơn, thúc đẩy xã hội hóa các dịch vụ công lập. Đổi mới cơ chế tài chính là thay đổi phương thức cấp phát ngân sách, tăng cường cơ sở vật chất cho đơn vị, đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động.

Hiện nay lĩnh vực giáo dục và đào tạo có tới hơn 1,2 triệu lao động, đông đảo nhất trong khối dịch vụ công. Việc xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, do đó có ý nghĩa quan trọng với ngành. Nó không chỉ giúp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo mà còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục, trong đó lưu ý các điểm trường ở khu vực miền núi để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận được dịch vụ giáo dục.

Về giáo dục đại học, ông Huệ cho rằng càng tự chủ mạnh mẽ càng tốt. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ có các cơ chế đặt hàng dịch vụ công đối với các trường đại học nghiên cứu khoa học cơ bản… khó có thể tự chủ tài chính.

Theo: (Giáo dục /VNE)

Bài liên quan

Sẽ thành lập 2 trường sư phạm quốc gia

Từ 8 trường chủ chốt được lựa chọn để đầu tư nâng cao năng lực giáo viên, sắp tới sẽ chọn ra 2 trường trọng điểm có thể nâng cấp thành 2 trường sư phạm quốc gia của cả nước.

Cùng chuyên mục