Sau một kỳ học ở lớp tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), Quốc Huy, học sinh lớp 10 ở ngoại thành Hà Nội, thấy ngợp và muốn chuyển sang học Địa, Tin học, Công nghệ.
Tháng 7/2022, Huy trúng tuyển lớp 10 công lập với 33,5/40 điểm. Em là lứa thí sinh đầu tiên học theo chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 10. Các em phải học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Ngoài ra, học sinh được chọn 3 môn khác, trong 9 môn lựa chọn. Theo lý thuyết, có 84 cách chọn. Nhưng thực tế, các trường xây dựng những tổ hợp mà mình có thể triển khai, căn cứ vào cơ sở vật chất, giáo viên từng môn, rồi đưa học sinh chọn lựa. Thông thường, các trường xây dựng tổ hợp môn theo nhóm, khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc xã hội, nghệ thuật (Địa, Giáo dục kinh tế và Pháp luật), rồi căn cứ vào số lượng giáo viên để thêm 1-2 môn còn lại vào tổ hợp.
Dù chưa từng yêu thích các môn tự nhiên, Huy vẫn chọn tổ hợp Lý, Hóa, Sinh. “Em thấy các bạn nam hay học tự nhiên, nhiều trường kỹ thuật cũng tuyển tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) nên nghĩ sẽ có nhiều lựa chọn khi xét tuyển đại học”, Huy nói, cho biết em “chọn đại”, còn “bố mẹ làm nông nên không rành”.
Những ngày đầu năm học, Huy thấy “tạm ổn” do kiến thức Lý, Hóa, Sinh chủ yếu ở mức giới thiệu khái niệm. Tuy nhiên, Huy nhanh chóng bị tụt lại khi chương trình khó hơn, bài tập nhiều công thức.
Sau đợt kiểm tra giữa học kỳ I, Huy được 3 điểm môn Lý, còn Hóa và Sinh lần lượt 4,5 và 5,5. Trong khi kết quả bết bát ở các môn này, nam sinh được giáo viên tiếng Anh đánh giá nhận thức nhanh, điểm kiểm tra luôn đạt 8, 9. Với môn Văn, Huy cũng thấy hào hứng khi đề kiểm tra đọc hiểu dạng trắc nghiệm, phần nghị luận không sử dụng ngữ liệu trong sách nên “không phải học thuộc”.
“Em bắt đầu nghĩ về việc xin chuyển sang lớp Địa, Tin học và Công nghệ để chuyển sang học tổ hợp D15 (Văn, Địa, tiếng Anh). Dù đúng là ít trường tuyển khối này nhưng em thấy vừa sức với mình hơn”, Huy nói.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho biết dù chưa phổ biến, nhưng nhu cầu chuyển tổ hợp không phải cá biệt. Từ đầu năm đến nay, thầy Phú và ban giám hiệu trường THPT Nguyễn Du đã giải quyết cho ba học sinh chuyển tổ hợp.
Theo thầy Lâm (đã đổi tên), hiệu trưởng một trường THPT ở nội thành TP HCM, nếu trường và phụ huynh không tư vấn tốt cho học sinh từ đầu, việc chọn nhầm tổ hợp “là dễ hiểu”. Trường thầy Lâm có hơn 700 học sinh lớp 10, qua khảo sát, hiện khoảng 10 em có nhu cầu chuyển tổ hợp. “Có thể tuần tới, trường sẽ nhận được đơn xin chuyển tổ hợp của một vài học sinh”, thầy nói.
Tại Hà Nội, cô Nguyễn Thu Hà, hiệu trưởng THPT Mỹ Đình, và cô Đỗ Thị Bảy, phó hiệu trưởng THPT Phan Đình Phùng, cho biết chưa nhận được đơn xin chuyển tổ hợp của học sinh, nhưng “đã chuẩn bị tinh thần”.
Các nhà quản lý nói sẽ cố gắng đáp ứng nguyện vọng của học sinh, nhưng “không phải hễ có đơn là cho chuyển”. Theo công văn số 1496 năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trong trường hợp đặc biệt, học sinh muốn chuyển môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở. Do đó, việc cho học sinh chuyển tổ hợp môn do trường quyết định.
Thầy Lâm cho rằng nếu nhận được đơn xin chuyển tổ hợp, thầy và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn liên quan sẽ trao đổi với phụ huynh và học sinh. “Tôi nhận định đây là chuyện quan trọng, không chỉ đơn giản là thích hay không thích học môn này môn kia, mà ảnh hưởng tới định hướng nghề nghiệp, tương lai của các em nên phải làm cho kỹ”, thầy nói. Nếu học sinh và gia đình đã hiểu thấu đáo thì “không có lý do gì để ngăn cản”.
Cô Nguyễn Thu Hà cho rằng không có công thức chung khi giải quyết việc học sinh muốn chuyển tổ hợp. Nhà trường cần căn cứ vào tính cách, hoàn cảnh gia đình cũng như mong muốn, thành tích của học sinh trên lớp để tư vấn trước khi cho học sinh chuyển tổ hợp.
Sau khi cho ba học sinh chuyển tổ hợp, trường Nguyễn Du bố trí giáo viên hỗ trợ, dạy phụ đạo để các em theo kịp chương trình của các môn mới. “Kiến thức của các môn đều có sự kế thừa, kết nối với nhau, nên nếu không được dạy phần trước đó, học sinh không theo được, dù đó là môn các em muốn học”, thầy Phú nói.
Nếu học sinh muốn chuyển sang trường khác có tổ hợp mong muốn, đặc biệt là các môn nghệ thuật như Âm nhạc, Mỹ thuật, thầy Phú cho rằng “phải cho các em chuyển, không được giữ học sinh”.
Như Anh, học sinh lớp 10 ở một quận nội thành TP HCM, đã chọn tổ hợp Công nghệ, Hóa, Sinh, dự định thi một ngành thuộc nhóm Y, Dược như mong muốn của gia đình. Khi học, nữ sinh thấy ngợp với khối lượng kiến thức Hóa, Sinh trong chương trình chính và cụm chuyên đề. Em muốn chuyển sang học Lý, Tin học và Công nghệ – lĩnh vực em thấy hứng thú sau khi tham dự một cuộc thi về lập trình.
“Em được cô chủ nhiệm khuyên nên trao đổi với bố mẹ, cân nhắc kỹ các khả năng và hẹn sẽ tư vấn kỹ hơn cho em vào cuối tháng 12, khi kết thúc thi học kỳ I”, Như Anh nói.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết chương trình đã quy định tổng số tiết theo một năm, nên không khuyến khích học sinh chuyển tổ hợp hay chuyển trường trong học kỳ một, mà nên đợi hết năm. “Học sinh muốn chuyển phải đủ năng lực để học các môn mới, các môn cũ cũng cần đảm bảo đủ điều kiện lên lớp”, ông Thành nói.
Nhiều nhà giáo cho rằng nếu thực sự có nhu cầu, học sinh nên chuyển tổ hợp càng sớm càng tốt. Thầy Hà Văn Trí, phó hiệu trưởng trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế), cho rằng học sinh có thể đánh giá được năng lực của mình sau học kỳ I. Nếu hết năm mới được chuyển tổ hợp, học sinh tiếp tục phải học môn mình không thích, trong khi thời gian học môn phù hợp để thi tốt nghiệp THPT lại ít dần. “Chuyển sớm, các em được học môn mình thích, tiếp thu tốt hơn, sau thi tốt nghiệp THPT cũng là tổ hợp đúng với sở trường”, thầy Trí nói.
Ông Huỳnh Thanh Phú cũng cho rằng thời điểm chuyển tổ hợp phù hợp là hết học kỳ I, thậm chí sớm hơn. Trường Nguyễn Du tổ chức các lớp phụ đạo cho học sinh chuyển môn, nên việc chuyển sớm tạo điều kiện cho cả thầy và trò. “Cuối năm mới chuyển thì lượng kiến thức lớn, việc khắc phục và bổ sung kiến thức rất khó”, thầy Phú cho hay.
Để hạn chế việc học sinh muốn chuyển tổ hợp, thầy Lâm cho rằng các trường THCS và THPT phải làm tốt công tác giới thiệu, tư vấn cho học sinh lớp 9 về chương trình mới.
Ở trường của thầy Lâm, khi nhập học, học sinh và phụ huynh được tham dự buổi định hướng và giải đáp thắc mắc về các tổ hợp môn. Giáo viên bộ môn giới thiệu nội dung chương trình, những nghề nghiệp mà học sinh có thể theo đuổi nếu chọn các tổ hợp môn này. Ngoài ra, trường đăng tải những nội dung tương tự lên website, hướng dẫn học sinh, phụ huynh cách tra cứu.
“Để tổ chức tư vấn suôn sẻ, chúng tôi cũng họp và chuẩn bị nhiều lắm, rất mệt mỏi. Nhưng thành quả là vào năm học, mọi thứ vận hành trơn tru. Tôi nghĩ mình phải làm tốt từ đầu thì mới hạn chế được sai sót, điều chỉnh”, thầy Lâm nói.
Với Quốc Huy, nam sinh thừa nhận chọn sai tổ hợp là do chưa trao đổi với giáo viên hay tìm hiểu kỹ càng. “Em sẽ nói chuyện với cô chủ nhiệm. Em đang cân nhắc học tiếp các môn này đến hết năm hay xin chuyển luôn trước khi vào kỳ II”, Huy nói.
Thanh Hằng/ VnExpress