Làm thế nào để học tốt môn Sử và làm bài đạt điểm cao, Phó GS.TS Nguyễn Ngọc Cơ, phó Chủ nhiệm khoa Sử trường ĐH Sư phạm I Hà Nội cho biết:
Phải thổi hồn vào những con số
Với lịch sử không nên học thuộc từng câu, từng chữ, từng từ vì như thế là không cần thiết, tuy nhiên, phải nhớ mốc lịch sử đó là ngày, năm tháng. Người học sinh phải hiểu sự kiện ấy có ý nghĩa như thế nào và thổi hồn vào những con số, ngày tháng ấy chứ không phải trình bày khô khan, vô nghĩa. Và các em cũng sẽ khó đạt được điểm cao nếu chỉ đưa ra con số, số liệu mà không có phân tích, chứng minh.
Học Sử các em nên chia từng thời kỳ ra học và trong từng thời kỳ phải định ra những sự kiện chứ không nên học thuộc máy móc theo sách giáo khoa. Tuy các tri thức được cung cấp đầy đủ trong SGK nhưng người học phải sắp xếp các kiến thức ấy vào đúng nội dung, yêu cầu câu hỏi đưa ra.
Ví dụ: Giai đoạn lịch sử từ 1919 – 1945, có 2 thời kỳ trước khi có Đảng lãnh đạo và sau khi có Đảng lãnh đạo thì mỗi quá trình diễn ra như thế nào, và 1945 trở đi có sự kiện gì… Học sinh phải hiểu được nguyên nhân, tiến trình, đường lối, sự phát triển của sự kiện.
Đừng học vẹt
Đừng coi Sử là môn phụ. Sử phải học thường xuyên để ngấm sâu vào nhận thức của từng người. Phải chọn vấn đề để học, phải hiểu vấn đề để nắm vững then chốt của vấn đề và vận dụng linh hoạt trong bài làm vì đề thi trong những năm gần đây đều thiên về dạng bài có phân tích và tổng hợp. Trong qúa trình làm bài không nên sa đà vào sự kiện mà phải nêu bật được tính khái quát của vấn đề. Do vậy, yêu cầu học sinh phải nắm đại thể và biết khái quát vấn đề, quan trọng nhất là nắm chắc câu hỏi.
Hiện nay học sinh yếu nhất là nắm vấn đề và cách trình bày. Do vậy phải nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa nhưng đặc biệt không nên học thuộc. Học theo vấn đề hiểu vấn đề.
Vậy, làm thế nào để bài thi môn Sư đạt kết quả tốt?
Có 3 cách:
– Thứ nhất: Đi thẳng vào vấn đề mà câu hỏi đưa ra.
– Thứ hai: Với học sinh khá hơn thì làm bài có tuần tự, đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, kết thúc vấn đề bởi đó là lôzíc vấn đề của lịch sử mà chúng ta không thể bỏ qua. Thí sinh làm bài với kiểu này thường có điểm cao hơn.
— Thứ ba: Đối với một số câu hỏi yêu cầu học sinh phải có nhận thức một cách chính xác. Với loại câu hỏi này, không nên trả lời loanh quanh, nếu trả lời loanh quanh. Ví như, câu hỏi của đề thi học sinh giỏi vừa qua: Sự kiện nào đánh dấu phong trào công nhân Việt Nam chuyển hoàn toàn từ tự phát sang tự giác? Câu hỏi này chỉ đòi hỏi học sinh trả lời sự kiện ra đời của đảng 1930, đánh dấu quá trình chuyển từ tự phát sang tự giác của công nhân Việt Nam. Học sinh không nhận thức được điều đó thì trả lời loanh quanh là suốt từ quá trình công nhân Việt Nam ra đời, thậm chí còn phát triển sai là phong trào công nhân Ba Son như vậy điểm rất thấp.
Về đề thi, cần lưu ý: Những người ra đề thường theo nguyên tắc chung của Bộ ra đề phải nằm trong chương trình THPT, không có đề nào nằm ngoài chương trình, thường chương trình lớp 12 chiếm 80 – 90% trong đề thi. Nhưng với lịch sử không nên học tủ vì câu hỏi thường hay lô -gíc với nhau.
Đối với lịch sử thế giới thường ra đề trong phạm vi từ năm 1945 trở lại đây. Học sinh cũng nên chú ý tới lịch sử thế giới vì dễ “ăn” điểm nhất vì không phải phân tích nhiều. Đặc biệt, sách giáo khoa lịch sử xuất bản năm 1991 học sinh nên chú ý học.
Theo Dantri