Khi các qui tắc ngữ pháp được ví như kết cấu của một ngôi nhà và từ vựng là những viên gạch để xây một ngôi nhà hoàn chỉnh. Trau dồi vốn từ vựng tuy cực kỳ cần thiết, nhưng lại chẳng phải là một việc dễ dàng. Bạn có muốn nghía qua những tips dưới đây để củng cố kiến thức cho mình không?
Đầu tiên: Các quy tắc cấu tạo từ
Các bạn biết đấy, trong tiếng Anh, ngoài các từ gốc, còn có các từ biến thể bằng cách thêm các tiền tố (prefix), hậu tố (suffix) để làm thay đổi nghĩa hoặc thay đổi dạng của từ. Chẳng hạn, những đuôi ‘in’, ‘un’, ‘ir’… làm đảo ngược nghĩa của tính từ, như ‘legal’ = “hợp pháp” và ‘illegal’ = “bất hợp pháp”. Hay là, đuôi ‘able’ đặt sau động từ biến từ đó thành tính từ với nghĩa “có thể được”. Rồi bạn trông thấy từ ‘uncontrolable’, và dễ dàng suy ra nghĩa của từ đó là “không thể kiểm soát”, vì bạn đã biết “control” = kiểm soát rồi, thêm “able” vào sau thành “có thể kiểm soát” và thêm “un” vào trước thì đảo nghĩa thôi.
Học đi học lại cách phát âm
Mặc dù tục ngữ có câu “trăm nghe không bằng một thấy”, đôi tai giúp người ta nhớ được nhanh và nhiều hơn đáng kể. Bạn chắc hẳn đã từng nghe một bài hát chỉ 2, 3 lần và nhớ được gần hết lời của nó? Vì thế, nếu có thể tra từ điển trên máy tính hay kim từ điển, đừng ngại ngần gì mà không bấm nút phát âm rồi lẩm nhẩm đọc theo 2, 3 lần. Chú ý cả trọng âm của từ nữa nhé. Sau này khi cần dùng đến từ đó, chỉ cần một âm tiết hiện lên trong đầu, bạn sẽ nhớ ra được toàn bộ từ, như ghi nhớ lời bài hát ý mà.
Đọc, đọc nữa, đọc mãi đến khi mỏi mắt thì… thôi!
Quả thực là tiếng Việt, tiếng Anh hay tiếng gì cũng thế, đọc nhiều là cách hiệu quả để tăng vốn từ vựng. Những bài viết về chủ đề yêu thích sẽ dễ gây hứng thú cho bạn hơn. Nếu yêu thích văn học, bạn có thể tìm các truyện tiếng Anh để đọc; còn nếu say mê các môn khoa học thì các tạp chí bằng tiếng nước ngoài sẽ rất thú vị. Bởi chúng không chỉ cho bạn từ mới được dùng theo đúng văn phong tiếng Anh, mà còn cả những thông tin mà các tài liệu bằng tiếng Việt chưa chắc đã đề cập tới.
Khi đọc, một lời khuyên nhỏ là bạn nên bỏ qua các từ không quan trọng và cố đoán nghĩa các từ khóa dựa theo văn cảnh và nội dung bài, rồi sau khi đọc xong thì tra từ mới một thể. Làm như thế, bạn vừa không bị ngắt mạch đọc như khi cứ đọc được vài chữ lại phải ngừng lại để tra từ; vừa luyện được kỹ năng đọc lấy ý chính và đoán nghĩa từ – một kỹ năng quan trọng mà bất cừ bài thi tiếng Anh nào đều yêu cầu.
Từ theo chủ đề
Đây là phương pháp mà đa số các giáo trình hướng dẫn học từ vựng đều tuân thủ. Với một chủ điểm, ví dụ như kiến trúc, hay nông nghiệp chẳng hạn, sẽ có một loạt các từ vựng liên quan, hoặc là được cài vào một bài text hoặc đặt trong từng câu văn riêng biệt. Một dạng khác là tìm một loạt các từ đồng nghĩa, trái nghĩa, gần nghĩa với nhau rồi học một lượt.
Từ điển Thesaurus (từ điển đồng nghĩa, trái nghĩa) cực kỳ hữu ích cho các bạn trong việc này, vì nó không chỉ cung cấp các từ cùng trường nghĩa, mà còn cho ví dụ về cách sử dụng từ nào trong trường hợp nào nữa. Học một từ mới trong đúng “chuồng” của nó (đoạn văn, văn cảnh) hay một tập hợp các từ vựng liên quan, bạn sẽ nhớ được nhanh hơn khi học một từ “bơ vơ”. Học theo kiểu này còn lợi ở chỗ là, nhỡ quên từ này thì có thể dùng từ khác thay thế được, bổ trợ cho kỹ năng viết và nói
Học song song với vận dụng
Sau một thời gian học từ mới (tầm 2, 3 ngày hay 1 tuần, tùy vào số lượng từ mỗi ngày bạn học), hãy tự ôn tập, tổng kết lại. Với những tử đã học và nhớ được, thử bịa ra một câu chuyện và lôi chúng vào các câu văn trong câu chuyện đó. Hay đơn giản hơn, giữ một cuốn nhật ký và ghi chép thường xuyên, bất cứ thứ gì bạn muốn, miễn sao cố gắng dùng càng nhiều từ đã học trong ngày càng tốt. Một khi bạn đã thấy từ mới có ích đối với mình, bạn sẽ chẳng nỡ lòng nào mà “phụ lòng” chúng đâu.
Giờ thì bạn hãy xây “ngôi nhà” tiếng Anh của mình thật hoành tráng bằng những “viên gạch” từ mới
Nguồn: vnexpress.net