Nhà nghèo nhưng Võ Văn Huy – học sinh lớp 12A1 Trường THPT Lê Hồng Phong (Phú Yên) đã vượt khó vươn lên, đạt nhiều thành tích đáng cảm phục. Vinh dự hơn, sắp tới Huy sẽ là 1 trong 6 gương mặt tiêu biểu trong đội tuyển thi toán Olympic quốc tế diễn ra tại Hà Lan.
Vóc dáng nhỏ bé, da dẻ rám nắng, gương mặt đậm nét chân quê hơn vẻ thư sinh, cậu học trò nghèo Võ Văn Huy không chỉ vượt khó, học giỏi với nhiều thành tích nổi bật đáng cảm phục, mà còn là niềm tự hào của giới giáo viên và học sinh ở Phú Yên, khi trở thành người đầu tiên ở tỉnh này xuất sắc vượt qua cuộc thi sát hạch quốc gia tổ chức vào trung tuần tháng 4 tại Hà Nội. Võ Văn Huy đã trở thành một trong sáu gương mặt tiêu biểu đại diện cho Việt Nam tham dự kỳ thi toán Olympic quốc tế tại Hà Lan sắp tới.
Vượt khó học tập
Tôi tìm đến ngôi trường ở vùng quê Phú Thứ, xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên một sáng cuối tháng tư. Sau một hồi len lỏi trên con đường đất vòng vèo ra phía hữu ngạn sông Ba ở thôn Phú Thứ, xã Hòa Bình 2, tôi bước vào căn nhà nhỏ, mái tôn, vách xây nằm khuất sau xóm nhỏ mướt mát màu xanh của lũy tre, bãi mướp, soi dưa.
Bên cạnh chiếc máy tính đã già cỗi đặt ở một góc phòng là “bộ sưu tập” giấy khen, bằng khen, huy chương từ cấp trường đến huyện, tỉnh và quốc gia ghi nhận thành tích học tập của Võ Văn Huy.
Bằng chất giọng xứ “nẫu” rất mộc mạc, chân tình, anh Võ Văn Mười – ba của Huy tâm sự: “Vợ chồng tui đều sinh trưởng từ gia đình nông dân. Đời sống thường nhật khó khăn, vất vả đã khiến cho tui và bà xã đều dừng lại ở lớp 9, đến khi lập gia đình, vợ chồng tui tâm nguyện dù có khó khăn đến mấy cũng phải chắt chiu dành dụm để nuôi con học tập, chí ít cũng phải hết phổ thông”.
Điều đáng mừng là Võ Văn Huy không chỉ chăm học, hiếu thảo với cha mẹ, mà còn biết lo toan, phụ giúp nhiều công việc của gia đình. Anh Mười nhớ lại: “Lúc Huy đang học lớp 8, vợ tui lâm bệnh sỏi mật, tui tất tả ngược xuôi vay mượn tiền đưa bà xã vô Sài Gòn mổ, rồi điều trị suốt hai tháng trời. Xa nhà trong hoàn cảnh đó, tui thấp thỏm nỗi lo đứa con trai bỏ dở việc học, vậy mà Huy không chỉ lo chu toàn cơm nước, đưa đón, chỉ bảo hai đứa em học tập ngoan hiền, mà còn chăm nuôi hai con bò và hai sào ruộng…”.
Nhắc tới những ngày gian khó đó, Huy tâm sự: “Trong hai người em gái, đứa út mắc bệnh bướu chân bẩm sinh phải cõng đến trường, nhưng nghĩ tới má đang điều trị bệnh, em phải cố gắng lo toan, miễn sao má mau lành bệnh thì vất vả mấy em cũng vui”.
Vươn ra “đấu trường” quốc tế
Do cuộc sống gia đình đầy ắp khó khăn, ngổn ngang vất vả nên tuổi thơ ba anh em Huy chưa bao giờ dám mơ tới những tập truyện tranh, sách tham khảo và đồ chơi như một số bạn bè, thậm chí ngay cả chuyện học thêm cũng đành phải gác lại. Ba làm thợ hồ, má suy giảm sức khỏe nhưng vẫn phải chăm lo ruộng vườn, nên khẩu phần buổi sáng của Huy thường là cơm nguội, mì tôm trước khi cọc cạch xe đạp đến trường, nửa ngày còn lại phụ giúp gia đình cắt cỏ, chăn bò, vệ sinh vườn nhà và tranh thủ… tự học.
Giữa năm lớp 9, mấy lần tình cờ thấy Huy đứng nhìn chiếc máy tính của bạn học ở cùng xóm bằng ánh mắt khao khát, vợ chồng anh Mười bán con bò vừa đủ tiền mua máy tính cho con với giá rất khiêm tốn. Có thêm phương tiện học tập, Huy tranh thủ ra cửa hiệu Internet truy cập nhiều chương trình mở rộng và nâng cao kiến thức nhiều môn học đưa vào “kho dữ liệu” để lần lượt thử sức mình qua những bài tập khó. Với lợi thế học sinh giỏi xuyên suốt từ lớp 1 đến 9, kết hợp với sự đam mê tìm tòi đã giúp Huy khẳng định năng lực của mình bằng hệ số điểm các môn học tự nhiên đều đạt 9,8 và 9,9 và là học sinh giỏi cấp tỉnh.
Thầy giáo Huỳnh Ngọc Thoại cho biết, năm ngoái, lần đầu tiên đến với “đấu trường” quốc gia tại kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 tại TP HCM, Huy đã mang về tấm huy chương bạc; giải ba cuộc thi toán máy tính Casio khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Năm học này, Huy không chỉ đoạt giải nhất cuộc thi toán và cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay tỉnh Phú Yên, mà còn đoạt giải nhì cuộc thi toán máy tính Casio khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giải nhì cuộc thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán. Với thành tích này, Huy là một trong 42 học sinh được Bộ GD-ĐT ghi danh trong kỳ thi sát hạch tuyển chọn 6 gương mặt tiêu biểu tham dự đội tuyển dự thi toán Olympic quốc tế tổ chức tại Hà Lan.
Ông Nguyễn Văn Tá – Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên tâm sự: “Có thể nói, niềm vui đó không chỉ của riêng Huy, mà là niềm vinh hạnh của gia đình, thầy cô, bạn bè và của ngành GD-ĐT Phú Yên. Kỳ tích của Võ Văn Huy lập nên sẽ là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ học sinh học tập”.
Được biết, ngày 4/5, Võ Văn Huy sẽ có mặt tại Hà Nội để ôn luyện chuẩn bị cho cuộc thi ở đấu trường quốc tế. Xin chúc cậu học trò nghèo ở miệt vườn quê sẽ tỏa sáng ở đấu trường quốc tế! –Theo Phan Thế Hữu Toàn- CAND
* Tự học là chính
Cô Nguyễn Thị Thanh Loan, giáo viên dạy toán của Huy suốt ba năm THPT, cho biết Huy học toán không giống các học sinh khác mà cô từng dạy. “Huy không học hết lý thuyết rồi đến bài tập như các bạn. Trong từng phần lý thuyết, khi các bạn còn hí hoáy chép, Huy lại tự ví dụ bài tập và tự giải. Tôi giảng một phần, còn Huy tự học là chính” – cô Loan nói.
Những giờ rảnh ở trường, Huy đến thư viện trường mượn sách tham khảo hoặc vào phòng máy của trường tìm và tải đề thi học sinh giỏi ở các tỉnh, đề thi học sinh giỏi cấp quốc gia các năm trước, cả đề thi toán quốc tế các năm để về tự mày mò giải. Cô Loan nói thêm học sinh thường có tư tưởng ngại nói ra điều mình không hiểu. Học sinh càng giỏi thì càng ngại vì sợ “mất thương hiệu”, nhưng Võ Văn Huy là một trường hợp ngoại lệ. Có vấn đề nào không hiểu là Huy hỏi ngay.
Thầy Huỳnh Ngọc Thoại, thầy chủ nhiệm của Huy, đánh giá việc học của Huy rất nhẹ nhàng. “Không chỉ môn lý của tôi hay môn toán của cô Loan mà cả các môn xã hội khác cũng vậy, Huy không ôm đồm, ghi chép nhiều. Có lần tôi thử kiểm tra vở của Huy mới biết Huy chỉ gạch đầu dòng những ý chính và các công thức. Hình như khi giáo viên giảng, Huy đã tranh thủ hiểu và nhớ, chỉ ghi lại những ý chính để khi ôn không bỏ sót ý vậy thôi – thầy cho biết – Suốt ba năm phổ thông, Huy không học thêm giờ nào, môn nào. Có lần Huy tâm sự: “Không phải em không thích học thêm mà vì em không có điều kiện, Huy chủ yếu tự học”. (* Theo TTO)