Cấu trúc đề thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng Lịch sử nhiều năm nay chủ yếu nằm trong chương trình và sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 gồm 2 phần: Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam. Trong đó, phần Lịch sử Việt Nam thường chiếm 2/3 lượng kiến thức và số lượng câu hỏi trong đề thi.
Phần Lịch sử Việt Nam
Chương trình thi là thời kỳ 1919 – 2000. Để học có hiệu quả, khi ôn tập, học sinh cần nắm vững kiến thức theo từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử. Mỗi giai đoạn lịch sử giải quyết những nội dung cơ bản gì, những nhiệm vụ cốt lõi gì? Gắn liền mỗi giai đoạn đó có những sự kiện tiêu biểu nào, sự kiện nào là tiêu biểu nhất? Từ đó khái quát được kết quả, ý nghĩa lịch sử và giúp học sinh rèn luyện kỹ năng xâu chuỗi các sự kiện tiêu biểu lại với nhau trong mối quan hệ tương tác, nhân quả của sự kiện đó.
Giai đoạn từ 1919 – 1930: Học sinh xác định nội dung chính, nhiệm vụ chính của cách mạng Việt Nam cần phải giải quyết là quá trình đấu tranh để xác lập khuynh hướng cứu nước mới khi ngọn cờ phong kiến đã thất bại và khuynh hướng dân chủ tư sản đã lỗi thời.
Kiến thức khởi đầu làm tiền đề cho nhiều vấn đề khác của giai đoạn này là chương trình khai thác thuộc địa lần thứ 2 của thực dân Pháp liên quan đến: sự chuyển biến về kinh tế và sự phân hóa xã hội, phong trào yêu nước, phong trào công nhân, hoạt động cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Sự kiện kết thúc cho giai đoạn này là việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2/1930 ) đánh dấu sự thắng thế hoàn toàn của khuynh hướng cứu nước vô sản và sự xác lập quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản, là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Tóm lại, vấn đề cốt lõi nhất của cách mạng Việt Nam giai đoạn này là quá trình chuẩn bị thành lập Đảng về tư tưởng chính trị và tổ chức.
Giai đoạn 1930 – 1945: Đây là giai đoạn mà lịch sử Việt Nam diễn ra nhiều sự kiện cùng với sự tác động của tình hình thế giới. Nhiệm vụ chính của cách mạng Việt Nam giai đoạn này là quá trình đấu tranh giành chính quyền trong 15 năm với nhiều giai đoạn 1930 – 1931, 1932 – 1935, 1936 – 1939, 1939 – 1945. Từ bối cảnh, diễn biến của từng giai đoạn đã chuẩn bị (tập dượt ) những gì, để lại những bài học kinh nghiệm gì cho giai đoạn kế tiếp, cho sự bùng nổ và thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.
Từ sự thay đổi của tình hình thế giới có ảnh hưởng, tác động đến trong nước như khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933 và sự xuất hiện chủ nghĩa phát xít, Chiến tranh Thế giới thứ 2 bùng nổ, đặc biệt là những diễn biến quan trọng trên chiến trường châu Á – Thái bình dương như Nhật nhảy vào Đông Dương (9/1940 ), Nhật đảo chính Pháp (3/1945 ), Nhật đầu hàng quân Đồng Minh (8/1945 )… để học sinh thấy được hoàn cảnh thay đổi thì chủ trương thay đổi và Đảng ta đã có những đối sách gì trước sự chuyển biến mau lẹ đó thông qua các Hội nghị VI (11/1939 ), Hội nghị VII (11/1940 ), Hội nghị VIII (5/1941 ), Hội nghị Ban thường vụ (3/1945 ), Hội nghị toàn quốc của Đảng (8/1945 )…
Kết thúc giai đoạn này chính là thắng lợi Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 với sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, kết thúc cho 15 đấu tranh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tóm lại, vấn đề cốt yếu nhất của lịch sử dân tộc giai đoạn này thực chất là quá trình chuẩn bị toàn diện cho Cách mạng tháng Tám thắng lợi, trong đó sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên đảm bảo cho thắng lợi là đường lối cách mạng giải phóng dân tộc được vạch ra ngay từ khi Đảng ra đời.
Giai đoạn 1945 – 1946: Học sinh cần phải khái quát được vấn đề cơ bản nhất của cách mạng nước ta giai đoạn này chính là đấu tranh bảo vệ và xây dựng chính quyền (nói gắn gọn là giai đoạn giữ chính quyền ) – thành quả cơ bản nhất của Cách mạng tháng Tám.
Thực trạng “ngàn cân treo sợi tóc” với nhiều khó khăn thử thách đe doạ vận mệnh dân tộc buộc Đảng, Chính phủ đứng đầu là Hồ Chủ tịch phải đưa ra và thực hiện nhiều quốc sách và giải pháp vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo để từng bước giữ vững thành quả của cách mạng, giữ vững được chính quyền, bảo vệ được độc lập dân tộc.
Giai đoạn 1946 – 1954: Vấn đề quan trọng đầu tiên trong giai đoạn này mà học sinh phải hiểu là đây là giai đoạn nhân dân ta phải tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhằm bảo vệ và phát triển những thành quả cơ bản của Cách mạng tháng Tám là chính quyền quốc gia và nền độc lập của dân tộc, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.
Vấn đề cần phải nêu lên và giải quyết là: Vì sao toàn quốc kháng chiến bùng nổ? Nội dung cơ bản của đường lối kháng chiến? Cuộc kháng chiến được mở đầu và kết thúc như thế nào? Từ đó học sinh mới rút ra được nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến.
Cuộc kháng chiến được diễn ra trên nhiều mặt: kinh tế, chính trị, quân sự ,văn hoá, ngoại giao nhưng thắng lợi trên mặt trận quân sự mang tính chất quyết định. Có 4 thắng lợi quân sự mang tính chiến lược là: mùa Đông 1946 ở các đô thị từ vĩ tuyến 16 trở ra bắc; Việt Bắc Thu-Đông 1947; Biên giới Thu – Đông 1950; Đông-Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên phủ 1954. Cuộc kháng chiến được kết thúc bằng chiến thắng quân sự là Điện Biên Phủ (7/5/1954 ) và thắng lợi ngoại giao là Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954 ).
Giai đoạn 1954 – 1975: Học sinh muốn hiểu được những kiến thức với rất nhiều sự kiện, số liệu, ngày tháng trong giai đoạn này, điều trước tiên phải nắm được đặc điểm nổi bật của nước ta sau Hiệp định Giơnevơ có gì mới, tại sao đất nước lại chia làm 2 miền với 2 hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Từ đó mới xác định đúng nhiệm vụ chiến lược, ví trí, vai trò của cách mạng 2 miền Nam-Bắc có gì khác nhau, giống nhau.
Ở miền Bắc, học sinh phải khái quát được vai trò của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn được thể hiện như thế nào? Thắng lợi của công cuộc xây dựng CNXH và đánh bại 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ có tác dụng và ý nghĩa như thế nào đối với cách mạng miền Nam? Vì sao “Điện Biên phủ trên không” (12/1972 ) là thắng lợi quân sự quyết định buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari (21/1/1973 ).
Ở miền Nam, học sinh phải xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là từng bước đánh bại và đánh bại hoàn toàn các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, đánh cho “Mỹ cút” (1973), “Nguỵ nhào” (1975) nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mỗi chiến lược chiến tranh đều ra đời trong những bối cảnh lịch sử cụ thể khác nhau, âm mưu và thủ đoạn cũng không giống nhau nhưng đều là những hình thức chiến tranh xâm lược thực dân mới của Mỹ ở miền Nam nhằm chống lại các lực lượng cách mạng và nhân dân ta và đều lần lượt bị phá sản.
Giai đoạn 1975 – 2000, học sinh nên nắm được 2 vấn đề cơ bản là quá trình thống nhất đất nước về mặt nhà nước và Đại hội VI của Đảng và công cuộc đổi mới.
Phần lịch sử thế giới
Cách học dễ nhớ nhất là ôn tập theo từng vấn đề trên cơ sở bài Tổng kết lịch sử thế giới hiện đại từ 1945 đến 2000. Để tránh sự nhầm lẫn về kiến thức và sự kiện, học sinh nên lập biểu những sự kiện chính theo từng vấn đề và sơ đồ hoá kiến thức theo từng nội dung chủ yếu sẽ hiệu quả hơn.
Trần Trung Hiếu
Giáo viên Sử (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An)
(Nguồn GD&ĐT)