Năm học 2017-2018, TP HCM có số học sinh tăng kỷ lục, đặc biệt ở bậc mầm non và tiểu học, kéo theo nỗi lo thiếu trầm trọng giáo viên và phòng học
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, dự kiến năm học 2017-2018 sẽ tăng 19.833 học sinh (HS) mầm non, 20.199 HS tiểu học, 12.741 HS THCS và 6.319 HS THPT. Trong đó, tập trung tăng nhiều ở các quận 12, Gò Vấp, Bình Tân… Theo lãnh đạo các phòng GD-ĐT, năm học 2017-2018 trúng vào năm có lứa HS sinh vào “năm đẹp” đến tuổi nhập học. Chính vì thế, năm học mới này sẽ là năm chứng kiến số HS tăng đột biến.
Đau đầu tuyển giáo viên
Theo ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, dự kiến trong năm học mới, số HS từ lớp 5 lên lớp 6 tại quận tăng khoảng 1.700 HS so với năm học trước, từ bậc mầm non lên tiểu học tăng khoảng trên 1.000 cháu. Vì áp lực tăng sĩ số HS hằng năm quá cao, tại quận Gò Vấp hiện nay tỉ lệ HS học 2 buổi/ngày chưa năm nào đạt được 70%.
Đó cũng là tình trạng chung của một số quận, huyện có tốc độ tăng dân số cơ học cao nhất tại TP HCM như quận Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức, huyện Củ Chi, Nhà Bè… Tăng HS, ngoài nỗi lo thiếu phòng học, bài toán thiếu giáo viên (GV) cũng đang khiến các quận, huyện đau đầu.
Hiện nay, tại nhiều phòng GD-ĐT, dù mới chỉ nghỉ hè được thời gian ngắn nhưng đã phải lo kế hoạch tuyển dụng GV cho năm học mới. Theo ông Đặng Đức Hoàng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 11, dự kiến trong năm học mới, quận có nhu cầu tuyển 20 GV bậc mầm non và gần 20 GV bậc tiểu học, THCS nhằm đáp ứng cho mỗi bậc học tăng trên 200 HS so với năm học trước tại quận.
Tại buổi làm việc của Sở GD-ĐT TP HCM với Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP HCM, ông Dương Trí Dũng, Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT TP HCM, cho hay năm học này, TP HCM có thêm gần 1.500 phòng học nhưng vẫn lo thiếu chỗ. Đến năm 2030, với chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân, Sở GD-ĐT TP HCM đã cùng với phòng GD-ĐT 24 quận, huyện và các sở ngành liên quan tính toán đầu tư 722 dự án với 12.000 phòng học.
Giáo viên không tha thiết trường công
Tuyển GV đã khó nhưng hiện nay, nhiều trường học tại TP HCM lại phải gánh thêm nỗi lo GV bỏ việc.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng GD Tiểu học Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng việc giữ chân GV, nhất là GV giỏi, không hề đơn giản. Hiện nay, nhiều GV giỏi của trường công lập có xu hướng chuyển qua trường ngoài công lập hoặc chuyển nghề, đặc biệt là GV tiếng Anh.
Lý do chính là lương của GV khoảng 3-4 triệu đồng/tháng thì họ không thể duy trì cuộc sống. Ông Vinh cũng cho biết thêm, tỉ lệ GV/lớp ở bậc tiểu học cũng hết sức nan giải với số HS ngày một tăng. Nhiều năm nay, TP đã cố gắng nhưng để bảo đảm đủ 1,2 GV/lớp (một buổi/ngày) và 1,5 GV/lớp (hai buổi/ ngày) theo quy định của Bộ GD-ĐT nhưng vẫn chưa thực hiện được dù đã tuyển cả ứng viên diện KT3. Từ thực tế này, ông Vinh cho rằng đáp ứng chế độ chính sách cho GV tiểu học là cần thiết để bảo đảm dạy học 2 buổi/ngày. Nếu không có chế độ đãi ngộ hợp lý thì dù các quận, huyện mỗi năm tuyển 3-5 lần cũng khó tuyển đủ GV.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng đang có những bất hợp lý trong nhu cầu tuyển dụng GV tại TP HCM từ nhiều năm qua xuất phát từ việc quy hoạch đào tạo có vấn đề. Những năm gần đây, bậc THPT tại TP HCM đã bão hòa GV, chỉ thiếu rất ít ở các bộ môn công nghệ, kỹ thuật, tiếng Anh nhưng lại thu hút một lượng khổng lồ hồ sơ thi tuyển. Ngược lại, bậc mầm non, tiểu học lúc nào cũng trong tình trạng thiếu triền miên GV.
Ông Đặng Đức Hoàng cho biết tại quận 11, để có thể cung ứng đủ GV mầm non cho các trường, quận phải hợp đồng với trường sư phạm mở lớp đào tạo, bồi dưỡng theo diện 12+2, đào tạo tại chỗ cho những trường hợp vừa tốt nghiệp THPT mới mong có đủ GV.
250 tỉ đồng mỗi năm để giữ chân GV mầm non
Sở GD-ĐT TP HCM vừa có tờ trình UBND TP HCM đề xuất chính sách thu hút và giữ chân GV mầm non tại TP HCM. Theo tờ trình này, mỗi năm TP HCM thiếu khoảng 500 GV mầm non; trung bình mỗi năm chỉ tuyển được khoảng 1.466 người/nhu cầu trung bình là 1.965 người. Chính vì nhu cầu quá lớn, ngoài các giải pháp như TP cho vay ưu đãi không trả lãi cho sinh viên vào học ngành sư phạm mầm non (cho vay để trả học phí và cả sinh hoạt phí), sinh viên vay sẽ cam kết ra trường công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở TP và hoàn trả khoản vay trong 3-5 năm đầu công tác; tuyển dụng không yêu cầu hộ khẩu TP, Sở GD-ĐT TP HCM đề xuất kinh phí dự kiến để giữ chân GV mầm non là hơn 251 tỉ đồng/năm. Trong đó bao gồm điều chỉnh thu nhập và chế độ đãi ngộ cho GV mầm non, hỗ trợ để khuyến khích GV mầm non có trình độ chuyên môn đến công tác tại các cơ sở…
Theo: (Giáo dục /NLD)