Ngày nay, phải nói rằng bên cạnh tin học thì ngoại ngữ chính là chìa khóa giúp mọi người đạt được thành công nhiều hơn trong công việc. Nhất là với các lĩnh vực luôn có nhiều cái mới và giao tiếp như IT, Luật, Xuất nhập khẩu, Tài chính ngân hàng, chứng khoán… Biết thêm một ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ sẽ là một ưu thế để phát triển nghề nghiệp.
Thực tế cho thấy, trình độ ngoại ngữ của các bạn trẻ Việt Nam hiện nay còn rất thấp. Kết quả này một phần là do hạn chế của lịch sử giáo dục để lại nhưng phần lớn là do người học không nhận thức được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Số đông sinh viên trong các trường ĐH của Việt Nam, đặc biệt là khối trường kĩ thuật, trên giảng đường đại học chỉ cố để học thi qua môn ngoại ngữ (vì ngoại ngữ là môn khó học), cái lý của họ ra là ra trường đi làm rồi hẵng học, vì ngoại ngữ không sử dụng sẽ quên đi. Do đó, khi ra trường, trình độ tiếng Anh của các kĩ sư Việt Nam chỉ dừng lại ở mức diễn đạt được những câu giao tiếp thông thường, mà phổ biến vẫn là “nói tiếng Anh mỏi cả tay”!?
Trình độ tiếng Anh của các kĩ sư Việt Nam hiện còn bị đánh giá là thua hẳn các kĩ sư nước bạn Lào. Một con số thống kê cho biết trong 4 nhân viên kĩ sư người Lào thì có 3 người biết và sử dụng được tiếng Anh giao tiếp, trong khi đó con số này trong cơ quan, công ty Việt Nam đặc biệt là các tổ chức của Nhà nước chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí là con số 0.
Trong giới công sở Việt Nam xuất hiện tình trạng “loạn” các bằng cấp, chứng chỉ ngoại ngữ. Có người còn nói hài hước rằng, trình độ Anh ngữ của giới công chức Việt bây giờ, phổ biến là dạng “Bê thui” (B thui) hoặc “Xê sủi” (C sủi). Đối với nhiều người thì chứng chỉ ngoại ngữ chỉ để “hợp thức hóa” các thủ tục để lên lương, để được xét đi học, thi cao học… nên thậm chí họ không cần qua 1 buổi học nào vẫn có thể sở hữu những chứng chỉ tiếng Anh của BGD hoặc các chứng chỉ quốc tế như Toefl, Ielts, Toeic… Đơn giản là họ chỉ cần mang tiền đến các trung tâm tiếng Anh “kém chất lượng” cũng đang “loạn” ở các thành phố lớn của Việt Nam nộp và có ngay một chứng chỉ “hợp chuẩn”.
Trái với các công ty nhà nước, nhiều công ty cổ phần, tư nhân đã trích một phần ngân sách để đào tạo tiếng Anh cho nhân viên với mong muốn cải thiện trình độ làm việc của công ty và để đáp ứng yêu cầu công việc. Nhưng thực tế, kết quả của công cuộc cải tổ này cũng không thu được kết quả như mong muốn. Nguyên nhân chính cũng là do mọi người không biết cách học, nên học không vào, nhanh chóng nản chí và hậu quả là công ty “đầu tư bị lỗ nặng”!
Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận ngoại ngữ là một yêu cầu thiết yếu đối với các bạn trẻ hiện nay. Chung quy cũng do mọi người không biết cách học nên không thể chiếm lĩnh và sử dụng được ngoại ngữ được học.
Các chuyên gia giáo dục đều khuyên nên đầu tư học ngoại ngữ ngay từ khi còn nhỏ, còn học trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, với số đông bạn trẻ đã xác định sai lầm thì nay vẫn có thể khắc phục được. Học ngoại ngữ tốt nhất vẫn là tự học, tự khổ luyện. Không thể có cách học nào “mì ăn liền” trong việc học ngoại ngữ. Một gợi ý của ông A.J. Hoge (giáo viên có hơn 25 năm kinh nghiệm trong dạy học tiếng Anh ở Mỹ và cũng là người đã soạn thảo ra chương trình học tiếng anh nổi tiếng trên thế giới The Effortless English Teachinh System) là: Hãy học tiếng Anh bằng cách “learn by heart” – “học thuộc lòng”.
Ông Hoge khẳng định: nghe để học thuộc lòng các bài khóa tiếng Anh đơn giản là cách học hiệu quả nhất đối với người học tiếng anh là ngôn ngữ thứ hai. “Hãy học như một đứa trẻ!”. Có nghĩa là quá trình học một ngôn ngữ nào cũng phải tuân theo quy trinh Nghe – Nói – Đọc – Viết. Bạn không thể đọc thông viết thạo tiếng Việt khi không học những lớp học vỡ lòng, đọc thuộc lòng bảng chữ cái và bảng cửu chương. Học tiếng anh cũng giống học tiếng Việt vậy thôi, phải tuân theo quy trình phát triển tự nhiên của con người. Rõ ràng từ trước đến nay, người Việt mình học tiếng Anh với quy trình ngược nên mới có hiện trượng nhiều người biết rất nhiều từ vựng về tiếng Anh, thậm chí nhiều bạn trẻ tốt nghiệp đại học chính quy tiếng anh ra trường nhưng khi gặp người nước ngoài thì không thể giao tiếp, không thể phản xạ nhanh nhạy.
Đây chỉ là một phương pháp trong rất nhiều phương pháp để học tiếng Anh hiệu quả. Quan trọng là bạn phải lựa chọn được cách học phù hợp với điều kiện của bạn và quan trọng hơn nữa là bạn phải xác định được mục tiêu học ngoại ngữ của mình.
Theo: “Giá như mình biết ngoại ngữ…”(Tamnhin)