“Công nghệ thời trang không chỉ đòi hỏi ở người thợ khả năng thiết kế. Họ còn phải có kỹ thuật may chuẩn. Để nắm vững kỹ thuật, những thợ trẻ phải tinh ý quan sát từng thao tác và phải thực hành thật nhiều”.
Đoạt cả 3 giải nhất ở các Hội thi tay nghề cấp bộ, cấp quốc gia và ASEAN, Vũ Thị Mai Hiên tự tin khẳng định: “Với nhiều người, học nghề có thể là sự lựa chọn cuối cùng trên con đường bước vào đời nhưng với mình, học nghề là sự lựa chọn sáng suốt nhất”. (Ảnh: Vũ Thị Mai Hiên – SVVN)
Mê thời trang
Thấm thía nỗi vất vả của người dân quê lúa Thái Bình, học hết lớp 12, Hiên nộp hồ sơ thi vào một trường đại học kinh tế nhưng may mắn đã không mỉm cười với cô. “Mình đã cố gắng hết sức nên mình không muốn phí thời gian theo đuổi một mục tiêu ngoài tầm với. Nghĩ vậy rồi mình nộp luôn hồ sơ thi vào khoa Công nghệ thời trang, trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp”, Hiên kể. Theo bạn, cái khó của sinh viên học ngành Công nghệ thời trang là phải chịu “đầu tư” (chả thế mà chọn học ngành này thường là các bạn gia đình có điều kiện kinh tế khá giả). Nhưng Hiên lại là “con nhà nghèo”, khó khăn rất lớn khi bạn không có đủ tiền để mua trang thiết bị học tập. Khoản tiền ít ỏi bố mẹ chu cấp hằng tháng chỉ vừa đủ chi cho sinh hoạt phí và thuê nhà ở.
Hiên đã không “đầu hàng”. Sau những giờ học lý thuyết trên lớp, thực hành dưới xưởng, Hiên lại lang thang khắp các khu phố cổ Hà Nội để quan sát, học hỏi. Tối về, bạn còn tiếp tục lên mạng, xem thêm các báo, tạp chí… để tìm các mẫu thiết kế đẹp, từ đó, mày mò sáng tạo thêm nhiều kiểu cách. “Công nghệ thời trang không chỉ đòi hỏi ở người thợ khả năng thiết kế. Họ còn phải có kỹ thuật may chuẩn. Để nắm vững kỹ thuật, những thợ trẻ như bọn mình phải tinh ý quan sát từng thao tác và phải thực hành thật nhiều” – Hiên chia sẻ.
Sẵn sàng thử sức tại London
Quyết định chọn học nghề Công nghệ thời trang của Hiên khiến bố mẹ rất lo lắng vì bố mẹ đều là công nhân may nên thấu hiểu nỗi khó nhọc, vất vả của nghề. Nhưng Hiên đã chứng minh lựa chọn của cô là đúng đắn khi liên tiếp đạt giải thưởng cao tại các hội thi tay nghề.
Giành giải nhất cuộc thi tay nghề cấp trường, Hiên tiếp tục được thử sức tại cuộc thi cấp bộ và cấp quốc gia. Hiên khẳng định được năng lực khi liên tiếp giành giải nhất tại các cuộc thi cấp bộ, cấp quốc gia và trở thành ứng cử viên số 1 đại diện cho Việt Nam tham dự Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ 8, tổ chức tại Bangkok (Thái Lan). Trong số 220 thí sinh đến từ 9 nước tham dự Hội thi tay nghề ASEAN, Hiên chính là thí sinh để lại nhiều ấn tượng nhất với ban giám khảo vì đã có những “sáng tạo bất ngờ”. Để vượt lên dẫn đầu, Hiên đã phải trải qua những phút giây căng thẳng hoàn thành bài thi khó với ba mô đun: áo vest, thiết kế váy và trang trí váy đầm thời trang.
Bí quyết giành Huy chương vàng của Vũ Thị Mai Hiên chính là đã tập trung sáng tạo theo phong cách và văn hóa của dân tộc Việt Nam khi thiết kế váy và trang trí váy đầm thời trang. Hiên bảo: “Để thành công, điều quan trọng là bạn phải biết lắng nghe chính mình để biết mình muốn gì. Khi xác định được con đường và mục tiêu rồi thì phải tập trung phấn đấu. Mình nghĩ, các bạn trẻ không nhất thiết phải chọn nghề “hot” mới thành công. Nếu bạn yêu nghề, bạn sẽ luôn biết cách tìm cho mình hướng đi đúng nhất”.
Hiện nay, Hiên đang gấp rút ôn luyện để chuẩn bị cho Hội thi Tay nghề Thế giới được tổ chức vào tháng 11/2011 tại London (Anh). Theo Hiên, ngành Công nghệ thời trang vẫn là một lĩnh vực mới ở Việt Nam, nên trình độ còn thua các nước phát triển như: Anh, Pháp, Mỹ, Italia… Vì thế, để đoạt giải tại Hội thi tay nghề Thế giới, Hiên đang dốc hết sức cùng các thầy cô ôn luyện.
“Hạn chế lớn nhất của các thí sinh Việt Nam chính là trình độ ngoại ngữ nên gặp khó khăn trong giao tiếp và dịch đề. Nhưng việc được tham dự Hội thi tay nghề ASEAN đã mang lại cho mình những kinh nghiệm quý báu”, Hiên cho biết và vẫn luôn tin tưởng rằng, với sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô giáo, bạn sẽ cũng sẽ thành công như các cuộc thi đã qua.
Theo: Cô sinh viên nghèo và đường đến London (Sinh viên Việt Nam)