Hội nghị “Định hướng nghề nghiệp điện hạt nhân” vừa tổ chức tại Đà Lạt cho hơn 100 học sinh giỏi từ các trường THPT ở Lâm Đồng dự nghe. Đây là một trong số các hoạt động của chương trình chuẩn bị nhân lực cho hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020 và 2021.
Chương trình do Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục – đào tạo tổ chức. Trước đó, chương trình đã được triển khai tại Bình Thuận, Ninh Thuận và sắp tới được triển khai tại Khánh Hòa.
Tại hội nghị này, tiến sĩ Bùi Đức Hiền, phụ trách chương trình đào tạo dự án điện hạt nhân Đại học Điện lực (Hà Nội), cho biết đến năm 2020 ngành năng lượng nguyên tử trong nước cần khoảng 4.400 người, riêng lĩnh vực hạt nhân cần khoảng 2.800 người. Trong đó, kỹ sư chuyên trách phản ứng lò và công tác tại các tổ máy của nhà máy điện hạt nhân được xây dựng tại Ninh Thuận chiếm khoảng 1.600 người.
Theo tiến sĩ Hiền, nguồn nhân lực sẽ thiếu hụt khi các nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động và số nhà máy điện khác dự kiến bắt đầu xây dựng tại Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Hà Tĩnh sau năm 2020. Nguyên nhân là do tốc độ đào tạo như hiện nay không đáp ứng nổi nhu cầu lớn về nhân lực bậc cao.
Bắt đầu từ năm 2010, trên cả nước triển khai sáu đơn vị đào tạo nhân lực cho ngành năng lượng nguyên tử là Đại học Điện lực (Hà Nội), Đại học Đà Lạt (Lâm Đồng), Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), tổng chỉ tiêu hằng năm khoảng 400 sinh viên. Ước tính đến năm 2020, có khoảng 2.000 sinh viên được đào tạo chuyên ngành năng lượng nguyên tử tốt nghiệp. Lượng nhân lực này chỉ mới đáp ứng được 1/2 nhu cầu của ngành trên cả nước.
Các ưu đãi của Nhà nước đối với sinh viên học ngành năng lượng hạt nhân cũng được công bố. Các chi phí cơ bản, nhất là học phí và phí nội trú tại ký túc xá, sẽ được miễn khi sinh viên theo học các ngành liên quan đến năng lượng nguyên tử. Hàng loạt ưu đãi về học bổng cũng được đưa ra.
Ông Lý Tiến Hùng, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Giáo dục – đào tạo), cho biết sinh viên đạt loại giỏi được học bổng gấp 15 lần học phí và gấp tám lần đối với sinh viên đạt học lực khá. Sinh viên năm cuối nếu được xếp loại khá giỏi sẽ được xét tuyển tu nghiệp tại các nước có nền công nghệ hạt nhân phát triển như Nga, Nhật…
Riêng sinh viên đang học ngành điện hạt nhân tại Nga, nếu cam kết sẽ làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sau khi tốt nghiệp sẽ được hưởng thêm chi phí hỗ trợ từ Nhà nước 200 USD/tháng suốt thời gian theo học, chi phí này còn tiếp tục điều chỉnh theo thời giá.
Bên cạnh cung cấp thông tin, chương trình còn giải đáp nhiều thắc mắc của học sinh liên quan đến vấn đề sức khỏe nếu theo học và lao động trong ngành năng lượng hạt nhân.
Theo Mai Vinh -TTO