Mới được mở tại Việt Nam nhưng ngành logistics đang phát triển rất mạnh. Hiện có nhiều công ty trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam về lĩnh vực này nên sinh viên ra trường có cơ hội lựa chọn nơi làm việc tốt
Hiểu một cách đơn giản nhất, ngành logistics chính là dịch vụ vận chuyển hàng hóa tối ưu từ nơi sản xuất, cung cấp đến tay người tiêu dùng. Những công ty logistics sẽ phải lên kế hoạch cụ thể và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan tới nguyên nhiên liệu từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ theo yêu cầu mà khách hàng đặt ra. Mọi công ty làm trong lĩnh vực logistics đều phải cố gắng thay đổi chính mình và luôn chú trọng các yếu tố sau để tăng năng lực cạnh tranh: số lượng, chất lượng, thời gian, giá cả dịch vụ.
Phát triển nóng
Nguồn nhân lực logistics hiện tại của Việt Nam được nhận định là chắp vá và thiếu bài bản. Các chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp về lĩnh vực này quá ít so với yêu cầu phát triển của ngành. Phần lớn kiến thức mà những người làm logistics hiện nay có được là từ thực tiễn khi làm đại lý hoặc đối tác cho các công ty nước ngoài chuyên về dịch vụ này.
Một kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho thấy có tới 80,26% nhân lực trong các công ty logistics chủ yếu được đào tạo thông qua các công việc hằng ngày, 23,6% lao động tham gia các khóa đào tạo trong nước, 6,9% thuê các chuyên gia nước ngoài đào tạo, còn những người tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài chỉ chiếm 3,9%.
Chỉ tính riêng ở TP HCM đã có khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ logistics. Theo ước tính của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, trung bình mỗi tuần có một công ty giao nhận logistics được cấp phép hoạt động hoặc bổ sung chức năng logistics. Sự phát triển nóng của dịch vụ logistics khiến nguồn nhân lực ngành này trở nên thiếu hụt trầm trọng.
Nguồn cung quá ít
Việt Nam hiện có hơn 1.500 doanh nghiệp về dịch vụ logistics nhưng hằng năm mới chỉ khoảng 200 sinh viên ra trường. Số lượng các cơ sở đào tạo ngành logictics cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Lãnh đaÌ£o một số trươÌ€ng đaÌ£i hoÌ£c taÌ£i TP HCM cho biết logistics là lĩnh vực tối ưu hóa dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng; là quá trình lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan tới nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ. Quá trình này bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa.
Sinh viên ngành quản trị logistics và vận tải đa phương thức được học chuyên sâu về quản lý chuỗi cung ứng vận chuyển trọn gói từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ hàng hóa, bao gồm nhiều phương thức vận tải khác nhau như đường bộ, đường sắt và đường biển. Bên cạnh đó, sinh viên ngành này cũng được học kiến thức marketing quốc tế, chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, quản trị chiến lược, xây dựng – quản lý hệ thống các chuỗi bố trí kho bãi và các điểm kết nối kho bãi, các phương thức vận tải nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian trong cung ứng hàng hóa. Về kiến thức chuyên ngành, sinh viên được cung cấp kiến thức chuyên sâu về kinh tế logistics, quản trị nhân sự, luật vận tải, quản trị logistics, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, khai thác vận tải đa phương thức, nghiệp vụ tài chính, kế toán trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức.
Sau khi ra trường, sinh viên có thể công tác tại các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics, doanh nghiệp làm dịch vụ vận tải đa phương thức nói riêng và các doanh nghiệp dịch vụ vận tải, giao nhận nói chung… Các phòng ban nghiệp vụ phù hợp chuyên môn gồm: kế hoạch, khai thác, marketing, dịch vụ khách hàng, kinh doanh quốc tế, kho vận, cung ứng vật tư, kế toán…
Tại Việt Nam, nhân viên logistics có mức lương khởi điểm từ 6-7 triệu đồng/tháng, trong khi đó các vị trí lãnh đạo cao cấp và quản lý đang rất cần nguồn nhân sự để phát triển ngành. Cụ thể như mức lương cho vị trí logictics manager dao động từ 3.000-4.000 USD/tháng, vị trí giám đốc chuỗi cung ứng có mức lương từ 5.000-7.000 USD/tháng…
Theo: (Giaoduc/NLDO)