Nhờ vào sự gia tăng lượng khách trong khu vực đi du lịch nội vùng, 2010 là một năm khá thành công với ngành du lịch châu Á – Thái Bình Dương. Trong xu hướng đó, con số 5 triệu khách quốc tế đến với Việt Nam cũng là kết quả đáng mừng của ngành du lịch.
Tuy nhiên, nếu so với Thái Lan đạt 15,7 triệu khách, Singapore đạt 12 triệu, Malaysia 24 triệu và Indonesia 7 triệu thì ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa có sự tăng trưởng đáng kể về lượng và chất (*)
Chậm phát triển sản phẩm du lịch
Thống kê cho thấy số lượng khách châu Á đi du lịch nội vùng hàng năm tăng hơn 10% với nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí ngày càng đa dạng.
Theo một cuộc khảo sát mới đây của Công ty Market Probe Asia-Pacific, 71% trong số hơn một triệu người Trung Quốc thường xuyên đi du lịch nước ngoài có kế hoạch đi du lịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm tới.
Xu thế này cũng tương tự với Ấn Độ và các nước Trung Đông. Chủ động nắm bắt được cơ hội này là những nước và lãnh thổ có ngành du lịch phát triển với ngân sách quảng bá lớn và khả năng thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực giải trí cao.
Chẳng hạn Hồng Kông, Singapore gần đây đầu tư nhiều vào các trung tâm mua sắm cao cấp, khu vui chơi giải trí hiện đại, tổ chức trình diễn những màn biểu diễn nghệ thuật, nhạc kịch đặc sắc và những cuộc triển lãm đẳng cấp quốc tế. Còn Malaysia thì dựa vào thế mạnh thiên nhiên và văn hóa để đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng và homestay (ở nhà dân), thiết kế những tour và sản phẩm du lịch đặc trưng nhắm đến đối tượng khách theo đạo Hồi, khách Trung Đông và Ấn Độ…
So với các nước trên, ngành du lịch Việt Nam còn thiếu các hoạt động nghiên cứu thị trường và đầu tư phát triển sản phẩm mới, do đó độ dài lưu trú và mức chi trả của du khách hàng năm không tăng bao nhiêu. Bước phát triển của ngành du lịch Việt Nam năm 2010 là nguồn cung phòng khách sạn và đường bay, vé máy bay đã phong phú hơn, tuy nhiên sản phẩm giải trí vẫn chưa được đầu tư đáng kể.
Một thế mạnh của nước ta là du lịch biển cũng chưa được khai thác hiệu quả. Các điểm đến phổ biến như Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc, Vũng Tàu chưa được phân khúc rõ ràng với các sản phẩm du lịch đặc trưng nên hầu như chỉ hấp dẫn khách nội địa.
Có thể thấy tại Thái Lan, mỗi điểm đến du lịch biển đều nhắm vào một phân khúc nhất định, chẳng hạn Pataya, khu vực Patong tại Phuket là điểm vui chơi phục vụ số đông khách có thu nhập trung bình, còn thị xã biển Huahin (cách Bangkok 200 cây số) là nơi nghỉ dưỡng yên tĩnh, tập trung nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp phục vụ dòng khách có mức chi trả cao. Riêng đảo Koh Samui, bãi biển Andaman ở phía Nam dành cho nhóm khách thích thiên nhiên hoang sơ và thể thao trên biển…
Để học hỏi được ở Thái Lan điểm này, các điểm đến Việt Nam cần biết cách thu hút và chọn lọc các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư trong nước là nguồn lực lớn để phát triển du lịch. Tuy nhiên, để tạo ra những sản phẩm du lịch thực sự đặc sắc, thu hút được khách quốc tế thì các nhà đầu tư nước ngoài thường lại có ưu thế hơn về chuyên môn và tầm nhìn. Tuy nhiên, với cơ chế, trình độ quản lý và tầm nhìn của các địa phương Việt Nam hiện nay, việc mời gọi và chọn lọc những dự án du lịch phù hợp, hiệu quả không phải là việc dễ dàng.
Thụ động trong quảng bá
Năm 2010, du lịch Indonesia chịu ảnh hưởng từ thiên tai còn du lịch Thái Lan bị ảnh hưởng bởi bất ổn chính trị, tuy nhiên hai nước này vẫn đạt được mục tiêu đặt ra từ năm trước nhờ sự năng động, linh hoạt trong quảng bá, tiếp thị. Còn tại Singapore và Malaysia, nhờ chiến lược tiếp thị bài bản, quy mô để mở rộng thị trường có mức chi trả cao nên lượng khách lẫn mức chi tiêu của khách đều tăng.
Về phía Việt Nam, một số doanh nghiệp nhận xét rằng so với những năm trước, năm nay Tổng cục Du lịch đã tổ chức tốt hơn các hoạt động roadshow, hội chợ ở nước ngoài. Tuy nhiên, những kế hoạch lớn hơn như mở văn phòng đại diện tại các thị trường trọng điểm thì vẫn chưa thực hiện được. Hiện Tổng cục Du lịch Việt Nam chưa có văn phòng đại diện ở bất cứ nước nào trên thế giới (trong khi Thái Lan có hơn 20 văn phòng du lịch trên khắp thế giới, Malaysia có cả văn phòng đại diện ở TPHCM và Hà Nội). Ngân sách dành cho các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam hàng năm vẫn chỉ vào khoảng 40-50 tỉ đồng (tương đương 2-2,5 triệu đô la Mỹ) là quá thấp so với Indonesia khoảng 6 triệu đô la, Malaysia, Thái Lan, Singapore trên 65 triệu đô la. Với mức ngân sách này, Việt Nam không thể thuê những công ty tư vấn tiếp thị, quảng cáo thiết kế… chuyên nghiệp để hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động xúc tiến du lịch.
Ngoài ra, vai trò của các hiệp hội du lịch, khách sạn ở Việt Nam cũng còn khá mờ nhạt. Để mở rộng thị trường có rất nhiều việc phải làm: từ thu thập, phân tích thông tin, nghiên cứu khách hàng, tìm đối tác đến tổ chức quảng bá, tiếp thị… nên hầu hết các doanh nghiệp không đủ khả năng tự thực hiện. Từng công ty du lịch cũng khó tự thiết lập được quan hệ với các công ty du lịch lớn tại thị trường mới nếu không có sự hỗ trợ từ cơ quan đại diện của Nhà nước. Ở nhiều nước có nền du lịch phát triển, bộ phận xúc tiến của tổng cục hoặc hiệp hội du lịch giữ vai trò hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường bằng cách cung cấp thông tin, tư vấn, tổ chức khảo sát xây dựng sản phẩm tại thị trường mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng quan hệ bằng các hoạt động tổ chức và tham gia các sự kiện, triển lãm, hội chợ, hội thảo du lịch trong nước và quốc tế.
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 10 năm tới, Tổng cục Du lịch khẳng định cần tập trung vào phát triển chất lượng bằng cách xây dựng những sản phẩm dịch vụ du lịch có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, để thực hiện được chiến lược này, ngành du lịch cần nhận được sự hỗ trợ thiết thực của Nhà nước về ngân sách, chính sách và sự phối hợp đồng bộ từ các ngành kinh tế liên quan.
(*) Các số liệu được lấy từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch Singapore, tạp chí du lịch TTGASIA / Theo Thesaigontime