Học Kinh tế sau này có chuyển sang Kỹ thuật được không?

(hieuhoc_hieuhoc.com) Tôi tốt nghiệp ĐH Kinh tế và đã đi làm, nhưng cảm thấy mình vẫn còn mắc nợ với sở thích về cơ điện tử và rất ước mong có cơ hội học lại và làm việc trong ngành này. Tôi phân vân không biết nên chuyển sang cơ điện tử cách nào là thuận lợi nhất. Nhờ HIẾU HỌC tư vấn giúp một con đường phù hợp.

Học được một kỹ năng, ta có thể sử dụng cho nhiều nghề, kỹ năng đó không hề bỏ phí… Bạn có thể đưa nó vào những công việc khác nếu cần khi nhu cầu xã hội thay đổi.

Xin chào ban tư vấn! Cách đây 5 năm tôi đồng thời thi đậu đại học kinh tế, Cao đẳng Công nghiệp 4 (CNTT), Cao đẳng Bách khoa (Cơ điện tử). Lúc đó tôi rất thích cơ điện tử nhưng vì niềm tự hào của ba mẹ nên tôi đã theo con đường kinh tế ở bậc Đại học. Mặc dù công việc sales không phải là quá khó, ít nhiều tôi đã đạt được thành công trong công việc. Nhưng nhìn lại mình, năm nay đã 29, tôi cảm thấy mình vẫn còn mắc nợ với sở thích về cơ điện tử và rất ước mong có cơ hội học lại và làm việc trong ngành này – (làm cái gì mình thích thì cơ hội phát triển sẽ nhiều hơn). Theo như tôi thấy, đối với người học kỹ thuật chuyển qua kinh tế thì chỉ cần học chuyển đổi mất 2 hoặc 2,5 năm. Nhưng tôi chuyển từ kinh tế sang học kỹ thuật thì phải thi từ đầu và mất 4-5 năm. Chưa tính đến kỹ thuật là một ngành làm càng lâu càng có kinh nghiệm và với tuổi tác thế này khi học xong rất khó kiếm được việc làm (do tuổi tác và xu hướng các công ty thích tìm người trẻ hơn). Tôi phân vân không biết nên chuyển sang cơ điện tử cách nào là thuận lợi nhất. Nhờ HIẾU HỌC tư vấn giúp một con đường phù hợp. Trân trọng cảm ơn. – (Bạn Ng.Truong Duy) /ecoduy@gmail.com.

Bạn Ng.Truong Duy thân mến, – Rất cảm thông với tâm sự đầy phân vân và nuối tiếc của bạn. Tuy nhiên, vấn đề chỉ trở nên khó khăn khi bạn có quan điểm cho rằng: – “Đối với người học kỹ thuật chuyển qua kinh tế thì chỉ cần học chuyển đổi mất 2 hoặc 2,5 năm” (?) – Nhưng điều này không đúng! Bởi những người làm trong lĩnh vực kinh tế là phải luôn học và tiếp tục học suốt đời, kể cả các chuyên gia đã có nhiều bằng cấp (Tiến sĩ kinh tế học, MBA…) vẫn phải tiếp tục học và càng học, càng làm việc lâu năm thì càng có giá (trong ngành kinh tế, những người quá tuổi hưu trí vẫn có thể làm những công việc như cố vấn, tư vấn…) – Nên làm gì có chuyện chỉ cần học hai ba năm là xong và cho là đủ rồi?

Vì thế, bạn đừng đánh giá quá thấp ngành Kinh tế (mà mình đã học), và riêng đối với trường hợp của bạn, cách thuận lợi và phù hợp nhất là tiếp tục làm việc trong ngành kinh tế, lấy đó làm căn bản cho việc “kiếm sống”. Bên cạnh đó, để thỏa mãn sở thích về “ước mơ – cơ điện tử” của mình, bạn có thể đầu quân cho các Cty, các Xí nghiệp, các Doanh nghiệp, các Tập đoàn kinh tế… có hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực ngành Cơ điện tử như công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ máy công nghiệp, cơ học và cơ điện tử…, (họ cũng rất cần những chuyên viên kinh tế). Ở đó, bạn sẽ được tiếp cận các công nghệ tiên tiến nhất, được học hỏi nhiều điều mới mẻ trong thực tế từ các chuyên gia và các đồng nghiệp (và cũng để bạn kiểm tra lại khả năng thật sự của mình có thích ứng hay không trước khi thực hiện ý định chuyển sang học ngành Cơ Điện tử).

“Cứ gõ rồi cửa sẽ mở, cứ đi rồi sẽ đến”. – Cùng với niềm đam mê thật sự, chúc bạn trở thành nhà kinh doanh giỏi, có khả năng biến những ý tưởng thành các sản phẩm thương mại. Chúc bạn vui, khỏe và nhiều may mắn!

Nghi Quân (hieuhoc_hieuhoc.com)

Cùng chuyên mục