(hieuhoc_hieuhoc.com) Học quá tải không nghỉ ngơi cũng không khác gì đổ chai nước quá đầy, phần rớt ra ngoài sẽ lãng phí. Biết cách học có phương pháp, học mà chơi, chơi mà học thì mới đạt được hiệu quả.
Những vấn đề tưởng như đơn giản như tại sao ăn nhiều vẫn gầy, ăn ít vẫn béo hay ngủ đủ vẫn buồn ngủ, ảnh hưởng tới kết quả học tập, thi cữ… là vấn đề rắc rối nhất với học sinh.
Học không vô…
Có bạn băn khoăn vì mỗi ngày đã ngủ năm giờ nhưng không hiểu sao đến lớp lại buồn ngủ. Vì thế, rất nhiều bạn đã tìm đến trà và cà phê để vượt qua cơn buồn ngủ. Thậm chí có bạn thổ lộ đã uống cả cốc cà phê đen đầy, tỉnh như sáo nhưng học vẫn không vào. Các bác sĩ nhắc nhở, để trí óc minh mẫn, ôn thi hiệu quả thì phải cần ngủ đủ giấc, nếu còn thời gian, các bạn có thể thu xếp để ngủ sáu đến bảy giờ/ngày, trong đó bao gồm cả giấc ngủ trưa và giấc ngủ đêm. Trà và cà phê có thể giúp tỉnh táo tạm thời nhưng không thể coi là giải pháp trong một mùa thi kéo dài, không nên lạm dụng vì sẽ ảnh hưởng đến sự tập trung và khả năng ghi nhớ trong mùa thi.
Thuốc “bổ não” cho mùa thi không có gì tốt hơn là chế độ dinh dưỡng phù hợp, bằng cách ăn nhiều thực phẩm từ động vật, ăn đủ chất, tránh ăn mì ăn liền vì có thể làm tăng huyết áp. Bổ sung chất sắt và chia nhỏ bữa ăn (có thể ăn chiếc bánh hoặc củ khoai, trái cam, uống cốc sữa nhỏ…) để luôn có đường máu cung cấp cho não. Các bạn gái có thể bổ sung sắt bằng uống viên sắt và acid folic một viên mỗi loại/tuần.
Các bạn nên quan tâm đến sức khỏe trong những ngày ôn thi để có sức khỏe tốt, giúp tư duy sáng láng hơn, đầy đủ hơn và bước qua kỳ thi một cách tốt nhất.
Chưa thi đã… stress
Có bạn học thuộc như cháo nhưng vào phòng thi là quên hết, không hiểu lý do vì sao. Lời khuyên là các bạn cần giữ tinh thần bình tĩnh, giảm bớt căng thẳng và áp lực để học và làm bài hiệu quả. Ngoài việc học thêm, học thi căng thẳng, bạn còn cần thêm quyết tâm, không được lười, phải xác định rằng nếu mình không thi đỗ sẽ không đạt được ước mơ.
Tuy nhiên, nếu nghĩ rằng: “Nhất thiết phải đậu đại học vì trong họ hàng, anh chị em bà con ai cũng đại học cả, mình chỉ cao đẳng thì… quê chết!” sẽ tạo nên một áp lực vô hình. Nhiều bạn là học sinh giỏi nhưng vẫn không tránh khỏi nỗi sợ hãi mơ hồ về rủi ro có thể xảy ra trong kỳ thi đại học nên vắt kiệt mình trên từng trang sách. Việc học quá căng thẳng, càng gần ngày thi, những biểu hiện tiêu cực, áp lực ấy càng trầm trọng. Sợ rớt đại học, sợ đề thi quá khó, sợ gặp phải bài tập chưa luyện qua, sợ cha mẹ mắng nếu kết quả thi quá thấp…, những nỗi sợ ấy khiến khả năng tập trung của các bạn giảm sút rất nhiều.
Và để tránh stress trong những ngày căng thẳng vì thi cử, các bạn nên nhận thức rõ khả năng của mình, biết cách học , cách thi và lượng sức mình khi học, đặt ra một đích đến vừa tầm với, chuẩn bị tâm lý đối phó với các rủi ro. Nếu kỳ vọng quá cao, sẽ khiến bạn dễ bất ổn về tâm lý, mang những nỗi sợ hãi mơ hồ và thấy “đuối” vì phải học.
Nếu còn nỗi lo, hãy ghi ra những nỗi lo trong tâm trí của bạn, từ chuyện bạn bè, gia đình, học hành, tình cảm, quá khứ và tương lai… Ghi hết ra giấy và tự nhủ: “Sẽ giải quyết sau khi học xong”. Còn mãi vương vấn, suy nghĩ đến những chuyện không đâu, vừa mất thời gian, vừa không giải quyết được gì, lại còn làm cho năng suất học tập giảm sút. Đồng thời, “vệ sinh tinh thần” bằng việc thiết kế thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý để nhẹ nhàng bước vào kỳ thi.
Chúc bạn nhiều may mắn và đạt kết quả tốt.
Văn Kỳ (hieuhoc_hieuhoc.com)