Bạn có biết nhiều sếp giỏi tại văn phòng/nơi làm việc part-time của mình không?Một trong những quan hệ tiềm năng nhất của nhân viên mới trong tổ chức là sếp giỏi. Đứng ở góc độ nào đó, sếp giỏi không chỉ là cấp trên mà là nơi bạn có thể học hỏi nhiều điều, thật vậy.
Làm việc là tất cả
Một ngày làm việc thường kéo dài từ 8h sáng đến 5h30 chiều. Nhưng bạn có thực sự biết các sếp làm việc bao nhiêu tiếng trong một ngày? Nếu ai đó nói rằng các sếp giỏi làm việc 10-14 tiếng/ngày thì điều đó không hề ngoa. Thực tế, chúng tôi không quen biết nhiều sếp giỏi chỉ làm trong giờ hành chính. Để xử lý công việc hiệu quả, cách tốt nhất là tìm hiểu cặn kẽ vấn đề, có thể bạn sẽ ngạc nhiên, nhưng lãnh đạo thường đòi hỏi công việc rất chi tiết, cụ thể đôi khi đến chân tơ kẽ tóc. Điều này không chỉ giúp bạn nắm vững công việc mà sẽ hạn chế sai sót phát sinh, nhất là khi nhân viên mới còn mơ hồ về các vấn đề cần giải quyết.
Với sếp giỏi, công việc hiện hữu mọi lúc mọi nơi, hơn thế nữa, công việc là niềm đam mê. Quả thật, nếu không đam mê công việc bạn làm, sẽ rất khó khăn trong việc thuyết phục đồng nghiệp khác ủng hộ bạn. Điều này đặc biệt đúng với những nhân viên văn phòng mới, bởi chúng ta dành phần lớn thời gian chọn lựa các cơ hội xung quanh dựa trên so sánh về tiền lương. Những nhân viên mới thường được đào tạo bài bản nhưng lại thiếu kinh nghiệm và các bí quyết, điều này hoàn toàn có thể khắc phục được nếu bạn có khát vọng thực sự và sẵn sàng làm việc hết mình để hoàn thành công việc.
Có thể bạn sẽ nghe các nhân viên khác bàn tán về con đường thăng tiến của sếp giỏi, nhưng sự thực là không ai có sẵn cho mình vị trí quản lý. Mọi người phải giành được nó bằng nỗ lực làm việc của chính mình.
Quay lại với những kỹ năng căn bản
Giao tiếp với mọi người trong công ty không phải là vấn đề tùy chọn trong một tổ chức, nó là một phần quan trọng và không thể tách rời trong văn phòng của bạn. Ngày nay, khi phần lớn công việc thực hiện qua email thì kỹ năng viết đóng vai trò rất quan trọng. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể gặp gỡ trực tiếp đối tác, đồng nghiệp hoặc lãnh đạo, do đó, rèn luyện kỹ năng viết email không chỉ làm sáng tỏ những suy nghĩ, kế hoạch của bạn mà còn tạo nên sức hút với đồng nghiệp hoặc đối tác.
Ngoài kỹ năng viết, bạn còn có những bài thuyết trình. May mắn là ngày nay sẽ có rất nhiều cơ hội thuyết trình cho bạn tại doanh nghiệp. Các sếp giỏi luôn biết tạo sức hút cá nhân thông qua các bài thuyết trình hoặc các buổi họp. Những kỹ năng căn bản sẽ giúp nhân viên mới hoặc các nhân viên part-time hoàn thiện hơn trong mắt cấp trên và tạo được thiện cảm với đồng nghiệp.
Thói quen hành động
Tại sao chúng ta cần hành động luôn và ngay? Những nhân viên mới cho rằng tổ chức cần đáp ứng các giá trị bản thân luôn và ngay. Chúng tôi cho rằng hãy hành động trước, hành động sẽ mang lại giá trị.
Khi chúng ta định làm điều gì đó thay đổi mang tính bước ngoặt, luôn có những lý do có vẻ hợp lý để chúng ta dừng lại. Tổng giám đốc một tập đoàn lớn khi trả lời phỏng vấn báo SVVN từng nói: “Có lẽ mỗi sinh viên đều có ước mơ thay đổi thế giới”. Trong tổ chức, những nhà quản lý luôn gặp vấn đề với việc thực hiện hiệu quả các ý tưởng tốt. Điều tương tự xảy ra với sinh viên và những người mới tốt nghiệp. Chúng ta có rất nhiều ý tưởng tốt, nhưng đều gặp phải vấn đề đi từ suy nghĩ đến hành động.
Trong khi đó, các sếp giỏi biết rằng ý tưởng tốt sẽ mang lại sự phát triển cho doanh nghiệp, do đó, họ sẽ bắt tay ngay vào thực hiện các ý tưởng tốt một cách hiệu quả nhất. Đôi lúc, trong một tổ chức, các nhân viên cũ thường trì hoãn thực hiện ý tưởng vì lý do nào đó. Ngược lại, những nhân viên mới có hoài bão luôn muốn hướng đến hành động để mang lại giá trị. Hãy tập cho mình thói quen hành động và duy trì điều này trong quá trình vươn lên vị trí quản lý.
Luôn tiến lên
Ngay cả với sếp giỏi, công việc kinh doanh luôn tiềm ẩn những bất ổn. Những bất ổn có thể đến từ việc thị phần suy giảm, hàng hóa khan hiếm, chi phí gia tăng, nhân viên phàn nàn về lương bổng, khách hàng khiếu nại… Việc phải đối mặt thường xuyên với áp lực công việc sẽ ảnh hưởng đến quyết tâm theo đuổi kế hoạch của bạn. Một số nhân viên mới không muốn hoặc không thể chịu đựng áp lực công việc đã chuyển sang một tổ chức mà ở đó công việc nhẹ nhàng hơn. Với những sếp giỏi, nhờ những nỗ lực mạnh mẽ vì những điều tốt đẹp hơn, họ sẽ vượt qua áp lực và tiếp tục với công việc mình yêu thích.
Có một thực tế, khi đạt được thành công kỳ vọng, chúng ta sẽ đứng trước sự chọn lựa: duy trì quy mô hiện tại hoặc tiến lên phát triển những sản phẩm mới, thị trường mới mang lại nhiều lợi nhuận và thách thức. Câu chuyện thành công của tương lai khởi đầu từ quyết định của những nhà quản lý ngày nay. Chính vì thế, chúng tôi tin rằng những sếp giỏi sẽ lựa chọn việc nạp thêm năng lượng và đam mê để luôn tiến lên. Cũng giống như các sếp giỏi, bạn lựa chọn duy trì hay luôn tiến lên?
Nguyễn Thanh Tùng (trưởng phòng kinh doanh FPT Telecom)