(Hiếu học). Những người thành công và hạnh phúc luôn phát triển được khả năng tập trung, chú tâm hoàn toàn vào công việc và duy trì nó cho đến khi hoàn tất. Họ tự rèn luyện bản thân chỉ suy nghĩ, nói và làm những gì mình muốn và nhận biết ngay những suy nghĩ “hổn loạn” trong đầu đang làm phân tán sự chú tâm của họ.
– Sự chú tâm: bí quyết thành công.
– Kỹ năng nhận thức bản thân: Sự chú tâm vào công việc.
Nhờ chú tâm, bạn sẽ luôn toàn tâm toàn ý cho công việc. Chú tâm sẽ giúp bạn nghĩ đến việc sẽ làm tiếp theo dễ dàng hơn. Không những thế, chú tâm còn giúp chúng ta khám phá những tiềm năng vô tận ẩn sâu trong mỗi con người.(Tâm trí vẫn còn nhiều điều bí ẩn cần được khám phá – Hình:Thinking)
Sự chú tâm không phải là ép buộc tập trung.
Khả năng chú tâm có sức mạnh rất lớn và là yêu cầu buộc phải có để học một điều gì đó. Bạn không thể học nhiều việc cùng một lúc mà lại có thể đạt kết quả tốt. Hẳn nhiên, bạn có thể vừa đàn vừa hát, có thể vừa “đu dây” vừa “múa kiếm”, nhưng đó là kết quả của sự đã chú tâm để học cho từng việc riêng rẽ trước kia, bây giờ hợp lại. Đồng thời, để có thể làm nhiều việc cùng một lúc, chúng ta cũng cần phải tiếp tục chú tâm “phân phối chú ý” để đạt kết quả tốt. Ví dụ, bạn có thể vừa nghe giảng bài, vừa ghi chép, nhìn lên bảng, nhìn cử chỉ của thầy, nghĩa là tai, tay, mắt… đều phối hợp làm việc. Nhưng để có kết quả thì bạn phải chú tâm “học” thật sự, không để suy nghĩ chạy theo mơ màng “cái hẹn tối nay”!
Như vậy, sự chú tâm không phải là ép buộc tập trung “chỉ được làm mỗi lúc một việc”. Vì dù chỉ làm một công việc nhưng đầu óc lan man, bị cuốn hút vào nhiều câu chuyện thì đó không phải là tập trung, mà vẫn còn là phân tán và hổn độn. Thật vậy, sự chú tâm không phải và không có cái gì giống như “sự tập trung hình thức” thế này thế nọ, mà đơn giản nó chỉ là: “Đã vui chơi thì chơi cho thật thỏa thích, đã học thì học cho đến nơi đến chốn! “
Luyện tập nhỏ cho sự chú tâm.
Đây là bài kiểm tra dành cho bạn: Trong một buổi, bằng cách tự quan sát tâm trí bản thân, hãy thử xem bạn có thể chú tâm suy nghĩ và nói về những thứ mà bạn muốn hay không? Ví dụ: Hãy quyết tâm giữ cho cuộc trò chuyện của bạn không dính líu gì đến sự tiêu cực, nghi hoặc, sợ hãi và phê phán. Hãy thử để xem bạn có thể chỉ nói những câu chuyện vui vẻ và lạc quan về mọi người và mọi việc xung quanh hay không?
Điều này không dễ dàng chút nào, dù chỉ trong thời gian ngắn. Thậm chí lúc đầu có thể bạn sẽ không thực hiện được. Nhưng không sao, bài tập này sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm về sự chú tâm. Điều quan trọng là bạn phải nhận biết ngay những suy nghĩ, nói hoặc làm những điều không giống như sự tự giao hẹn trước đó của mình.
Bạn sẽ bỏ lỡ nếu bạn không đủ chú tâm để biết rằng ngay lúc này mình đang cảm giác như thế nào, vì sao bạn nôn nóng muốn đọc lướt cho qua mau? Bạn có nhận thấy mình đang chán ngán, đang phát sinh ý kiến phản đối? Đang hứng thú muốn tìm hiểu và thử nghiệm khả năng chú tâm của mình hoặc đang nghĩ vấn đề “quan trọng” nào đó?
Chú tâm là để nhận biết và để không bỏ lỡ! Chú tâm sẽ giúp cho bạn có những quyết định đúng như bạn muốn, đúng như là con người và hoàn cảnh hiện có của bạn.
Chính chú tâm là kỹ năng tự khám phá bản thân, hiểu rỏ cảm giác của mình và hiểu rỏ nguyên nhân phát sinh cảm giác đó. Nhờ chú tâm, bạn sẽ luôn toàn tâm toàn ý cho công việc. Chú tâm sẽ giúp bạn nghĩ đến việc sẽ làm tiếp theo dễ dàng hơn. Không những thế, chú tâm còn giúp khám phá những tiềm năng vô tận ẩn sâu trong mỗi con người.
Chúc bạn luôn chú tâm, sống vui, sống yêu đời.
Văn Chí Kỳ (hieuhoc_hieuhoc.com).