Như báo chí đã phản ánh, một bộ phận giới trẻ ở nước ta hiện đang điên cuồng lao vào thú vui nhậu khói cỏ, một kiểu chơi vừa uống bia rượu vừa hút khói của một loại cây có chứa chất gây nghiện. Loại cỏ này thật ra chính là cần sa nhưng nhiều người lại lầm tưởng cũng giống như thuốc lá, có thể hút tha hồ chẳng có chuyện gì đáng lo. Đây là suy nghĩ hết sức nguy hiểm!
Cần sa đội lốt cỏ
Cỏ, bồ đà, tài mà, con điếm… là những tiếng lóng dân chơi thường dùng để nói đến cần sa, bắt nguồn từ loại thực vật có tên gai dầu và tên khoa học là Cannabis sativa L.; họ Cannabinaceae. Có ba chất chính trong cần sa hiện đã được tìm thấy: cannabinoid, tetrahydrocannabinol (THC) và cannabinol. Trong ba chất này, THC là hoạt chất chính gây tác dụng về mặt tâm thần. Tuỳ theo phân bổ vùng địa lý, hàm lượng THC trong cần sa có khác nhau.
Có loại THC chiếm tỷ lệ rất cao: 4 – 6%, nhưng đa số chỉ chứa hàm lượng trung bình 1 – 2%. Năm 1966, THC được tổng hợp bằng con đường hoá học tạiđại học Princeton (Mỹ).
Trong dược học, cần sa xếp vào nhóm chất gây ảo giác (Hallucinogens, nhóm này còn có các chất khác như LSD, mescalin, psilocybin…), trong đó THC gây ảo giác chính. Cách sử dụng cần sa phổ biến nhất là hút như hút thuốc lá. Ở nước ta hiện dân chơi còn thường dùng bình nhựa hút cần sa như hút điếu cày. Do THC dễ tan trong chất béo nên khi hút vào, THC nhanh chóng xâm nhập vào mô phổi. Thí nghiệm dược động học cho thấy khi hút cần sa, tác dụng đạt được chẳng kém tiêm trực tiếp THC vào tĩnh mạch.
Người hút dễ bị kích động gây tội ác
Chỉ vài phút sau khi hút cần sa, người hút sẽ có những thay đổi. Về mặt sinh lý, họ cảm thấy choáng váng, tai lùng bùng, đầu nhẹ lâng lâng nhưng tay chân lại có cảm giác nặng hơn, thấy đói, thèm ngọt. Một vài trường hợp bị nôn mửa hoặc buồn mót muốn đi tiêu, tiểu, cay ở mắt và nhìn cảnh vật mờ đi, tim đập nhanh. Về mặt tinh thần, người hút cần sa có cảm giác lo lắng, bồn chồn, đặc biệt với người mới hút lần đầu. Tuy nhiên rất nhanh chóng họ sẽ đạt được cảm giác sảng khoái, thần kinh kích thích và có sự rối loạn trong suy nghĩ, trí nhớ, dễ cười không kiểm soát. Tiếp đến là các ảo giác, một trạng thái có sự hư hỏng tạm thời về mặt ý thức, nhận định sai lệch về không gian và thời gian. Người hút cần sa có cảm tưởng tay chân mình dài ra, vặn vẹo đi hay nhìn cảnh vật thấy hình dạng méo mó, những gì ở xa trở thành gần. Đã có trường hợp hút cần sa, trong cơn say thuốc, nhảy từ lầu cao xuống đất chỉ vì anh ta ở trên cao nhưng có cảm tưởng mặt đất quá gần và hai cánh tay có khả năng vỗ cánh như chim!
Đặc biệt, THC còn gây một trạng thái gọi là “giải thể nhân cách” (depersonalization): người say cần sa có cảm tưởng trở thành con người khác, như người hùng, siêu nhân, đấng cứu thế. Người say cần sa nhìn màu sắc và nghe âm thanh, tiếng động khác với người bình thường. Chính sự nhạy cảm đặc biệt đó mà có một thời tác dụng của cần sa bị ngộ nhận là nguồn hứng khởi trong sáng tác âm nhạc, văn chương, đến nỗi những nhà văn, nhà thơ lớn như Charles Baudelaire, François Rabelais, Théophile Gautier… đã có lúc ca ngợi tác dụng của cần sa. Điều rất đáng lưu ý ở đây là khi bị ảo giác, người hút cần sa rất dễ bị kích động thực hiện những hành động như cười điên dại, cầm dao tự cắt tay chân mình, chỉ cần một lời nói kích thì tội ác nào cũng dám làm, kể cả giết người. Một số thanh niên sau khi hút cần sa trở nên quậy phá, đua xe, đâm chém nhau cũng vì thế. Nếu người nghiện ma tuý (như heroin) chỉ gây tội ác khi thiếu thuốc – tức gây tội ác để có tiền mua thuốc, thì người chơi chất gây ảo giác như cần sa thường gây tội ác do no thuốc – tức đang phê thuốc.
Dẫn chất giúp đi gặp… thần chết!
Với một điếu cần sa nặng khoảng 500mg, lượng THC chứa bên trong khoảng 5 – 10mg. Hút một điếu cần sa như thế, tác dụng đạt được tối đa chỉ sau 15 phút và có thể kéo dài 1 – 4 giờ. Một số dấu hiệu giúp thầy thuốc khi thăm khám nhận biết người đang bị tác dụng của cần sa, trước hết là mạch và tim đập nhanh. Mạch có thể nhanh hơn 50% so với bình thường. Do đó, nếu đang dùng một số thuốc có tác dụng làm tim đập nhanh như nortriptyline mà lại hút cần sa thì thật nguy hiểm. THC còn làm đỏ kết mạc mắt, rối loạn thăng bằng, đi đứng lảo đảo, sự phối hợp các động tác không còn chính xác.
Ngoài gây viêm phế quản mãn tính, làm hẹp đường thở, cần sa còn làm cho máu người hút chứa hàm lượng rất cao khí độc carbon monoxide (CO). Hút một điếu cần sa, hàm lượng khí CO trong máu cao bằng hoặc hơn so với hút năm điếu thuốc lá. Nhiều thử nghiệm cho thấy nam giới hút cần sa lâu ngày sẽ bị giảm lượng testosterone (nội tiết tố sinh dục nam), kể cả kích thích và khối lượng tinh hoàn, sự sinh tinh trùng và khả năng sinh dục cũng giảm. Khi thử nghiệm trên súc vật cái như chuột, thỏ, khỉ… THC ức chế sự phóng noãn (rụng trứng). Nhiều phụ nữ hút cần sa cũng được ghi nhận bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Mặc dù không gây nghiện trầm trọng như heroin nhưng sử dụng cần sa nhiều sẽ lệ thuộc về mặt tâm lý, tạo thành thói quen phải dùng thuốc thường xuyên và lượng cần sa sử dụng ngày càng tăng. Hậu quả là người hút cần sa phải luỵ đến các chất gây nghiện khác như thuốc lắc và ma tuý thật sự. Đến đây đúng là bước cuối tới cửa tử!
PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức (SGTT)